Cách tính lương, thưởng khi đi làm ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay công chức, viên chức được nghỉ liền 5 ngày, từ 27/4 đến hết ngày 1/5. Theo Bộ Luật Lao động thì tiền lương, thưởng của người lao động dịp lễ này được tính thế nào?.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dẫn quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật Lao động 2019, các ngày lễ như Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 là những dịp mà người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.

Cụ thể, ngày Chiến thắng: 1 ngày (ngày 30/4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động: 1 ngày (ngày 1/5 dương lịch).

Cùng với đó, khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định: “Nếu ngày nghỉ hằng tuần trùng với ngày nghỉ lễ, tết quy định tại khoản 1 Điều 112 của Bộ luật này thì người lao động được nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần vào ngày làm việc kế tiếp”.

Như vậy, theo quy định tại Điều 98 và Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, nếu đi làm đúng ngày 30/4 và 01/5 thì ngoài tiền lương ngày nghỉ lễ, người lao động còn được trả thêm lương làm thêm giờ.

Vì thế, trong trường hợp có người lao động muốn làm việc vào những ngày được phép nghỉ lễ, họ sẽ được tính lương làm thêm dịp nghỉ lễ. Cụ thể, người lao động sẽ được trả lương làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày bình thường.

Tiền lương làm thêm giờ được xác định theo Điều 98 Bộ luật Lao động như sau:

Tiền lương làm thêm ban ngày = 300% x Đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.

Tiền lương làm thêm ban đêm = 390% x Đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.

Như vậy, nếu tính cả lương ngày nghỉ lễ, người lao động đi làm ngày 30/4 và 1/5 được trả lương như sau:

- Làm việc vào ban ngày: Nhận ít nhất 400% lương.

- Làm việc vào ban đêm: Nhận ít nhất 490% lương.

Để dễ hiểu, công thức tính tiền lương ngày nghỉ lễ như sau:

Tiền lương làm thêm dịp nghỉ lễ 1 ngày = Tiền lương 1 ngày + 300% lương ngày.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu ví dụ: Chị Liên làm việc tại nhà máy A được trả lương 300.000 đồng/ngày. Do đơn hàng cần số lượng lớn nên ngày 30/4 và ngày 1/5, chị được yêu cầu đến nhà máy làm việc như bình thường.

Với quy định trên, tiền lương làm việc trong 2 ngày nghỉ lễ của chị Liên được tính như sau: 300% x 300.000 đồng/ngày = 900.000 đồng/ngày (chưa kể tiền lương ngày lễ).

Như vậy, tổng tiền lương 1 ngày đi làm của chị Liên trong dịp nghỉ lễ bằng 300.000 đồng/ngày + 900.000 đồng/ngày = 1.200.000 đồng/ngày.

Ngoài ra, sẽ được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường, hoặc của ngày nghỉ hằng tuần, hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

Trước đó, trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Thủ tướng phương án hoán đổi ngày làm việc bình thường vào thứ Hai (29/4), trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay và tổ chức ngày làm bù khác.

Cụ thể, đối với công chức, viên chức, ngày làm việc này sẽ được hoán đổi sang làm bù vào thứ Bảy (4/5). Hoán đổi như vậy, công chức, viên chức được nghỉ 5 ngày liên tục từ thứ Bảy, ngày 27/4 đến hết thứ Tư, ngày 1/5.

Đối với người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng thời gian nghỉ lễ 30/4-1/5 như quy định đối với công chức, viên chức.

Ngày 12/4, Văn phòng Chính phủ có công văn số 2450/VPCP-KGVX gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) thông báo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý với đề nghị của Bộ LĐTBXH về đề xuất hoán đổi ngày làm việc dịp lễ 30/4 và 1/5 để nghỉ 5 ngày liên tiếp.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Đọc thêm

Quy định mới nhất về việc tổ chức học thêm, dạy thêm

Ảnh minh họa
(PLVN) - Thông tư 29/2024 quy định rõ, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Không giải thích rõ ràng cho bên mua về quyền lợi bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Theo quy định tại  Nghị định số 174/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vừa được Chính phủ ban hành, hành vi không giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm bị phạt tới 100 triệu đồng.