Hồ nước mù sương
Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng, Thăng Long - Đông Đô - Kẻ Chợ là một thành thị cổ bao gồm nhiều chức năng “trong thành ngoài thị”.
Thành là đô thị quân vương, dựng ngay trên bờ sông, lấy sông làm hào, lũy thành cũng là đê. Thị là đô thị dân gian, lấy sông hồ, toà thành và các cửa thành làm hướng nhắm mà dóng theo: “Phố ngoài bao bọc thành trong, Cửu Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng”.
Theo sách Trong Cõi, Giáo sư Trần Quốc Vượng lý giải về cái tên hồ Tây. Rằng khu Tây - tức là khu vực lõi của quận Ba Đình ngày nay là khu vực triều đình “thành thị quân vương” theo cách gọi của môn đô thị học, khu vực hành chính trung ương ở sát cạnh hồ Tây (thời Lý, Trần gọi là Dâm Đàm - hồ mù sương) là một thắng cảnh của kinh thành, nơi triều đình dựng nhiều chùa, quán nổi tiếng, nơi giải trí, vui chơi của vua quan như xem đánh cá, đua thuyền, hóng mát, mở hội…).
Như vậy, cho thấy hồ Tây có vị trí rất quan trọng bên kinh thành Thăng Long. Một địa chỉ cho các bậc quân vương thăm thú, sinh hoạt tâm linh, vui chơi… Nó cũng gắn liền với nhiều câu chuyện vừa lịch sử, vừa dân gian có cả huyền thoại khiến hồ Tây nhiều bí hiểm.
Cảnh đẹp hồ Tây. (Nguồn: TN, HNM) |
“Khu chính trị quân sự nằm ở trung tâm, khu Đông là khu thủ công - thương nghiệp, khu Bắc và Nam là khu nông nghiệp chuyên canh. Hồ Tây là khu thắng cảnh; dọc dải đất bãi ven sông Nhị từ Sù Gạ (Phú Xá, Phú Gia) tức Nghi Tàm xuống đến Đồng Nhân (Hai Bà) là ngàn dâu xanh ngắt một màu, lọc nắng gió cho toàn thành phố. Và đó đây trong cả bốn phố nội thành, là những công trình kiến trúc tôn giáo: tam giáo Nho, Phật, Đạo và tôn giáo dân gian…” (Trích Trong Cõi - Trần Quốc Vượng).
Đời Vua Lê Thánh Tông, tương truyền có một lần Vua đi chơi hồ Tây, xướng hoạ thơ văn cùng một thiếu nữ xinh đẹp, Vua rước nàng lên xe đưa về cung, không ngờ nàng là tiên, về đến cửa Đại Hưng (nay là Cửa Nam) thì nàng bay lên trời đi mất. Vua tiếc ngẩn ngơ bèn cho xây cất tại đó một lầu gọi là “Vọng tiên lâu” (nay là Vọng tiên quán ở 120B Hàng Bông). Người đời đặt tên cho nàng là Bồi Liễn tiên nương (nàng tiên đi cùng xe vua).
Quả là một câu chuyện đậm chất liêu trai và cũng nói lên thú chơi phong nhã, tình tứ, tài hoa của nhà vua lúc bấy giờ. Hồ Tây vì lẽ đó có thêm nhiều huyền thoại, ma mị. Trong cuốn “Lĩnh Nam Chích quái” ghi rằng Lạc Long Quân đã giết chết con cáo chín đuôi ở hồ Tây, giải thoát cho những người bị cáo giam trong hang sâu. Làng Cáo Đỉnh (nay là Xuân Đỉnh) được cho là dấu tích của truyền thuyết. Đầm Xác chồn/Xác cáo chính là hồ Tây ngày nay.
Thế giới tâm linh bên hồ
Là nơi vua chúa hay du ngoạn, nên bên cạnh hồ Tây có nhiều ngôi chùa, đình, phủ… lớn. Sinh hoạt tín ngưỡng của dân gian ở kinh thành thêm phong phú, lan toả đến tận ngày nay. Nhiều di tích gắn bó với quá trình dựng xây đất nước từ thời Bắc thuộc cho tới những cuộc trường chinh sau này của dân tộc.
Chùa Trấn Quốc ban đầu có tên là chùa Khai Quốc, xây dựng vào năm 541 thuộc thời Tiền Lý. Lúc đó, chùa nằm gần bờ sông Hồng bởi vậy khi đê sạt lở vào năm 1615 (đời Vua Lê Trung Hưng), chùa được di dời vào phía trong đê Yên Phụ khu gò đất Kim Ngưu. Sau đó, trong khoảng thế kỉ 17, Chúa Trịnh cho đắp đê Cố Ngự (nay là đường Thanh Niên) để nối với đảo Kim Ngưu. Chùa đổi tên thành chùa Trấn Quốc vào đời Vua Lê Hy Tông (1681 - 1705) với ý nghĩa mong muốn đây sẽ là nơi giúp dân xua đi thiên tai, đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân. Và cái tên đó được sử dụng cho tới tận ngày nay. Năm 1842, Vua Thiệu Trị có đổi tên chùa thành Trấn Bắc, nhưng dân ta vẫn gọi như tên cũ.
Chùa Trấn Quốc theo hệ phái Bắc Tông, bên trong điện thờ các phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Quan Âm Bồ Tát. Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật và Bồ Tát có giá trị lớn được đặt chủ yếu ở Thượng điện. Trong chùa còn 14 tấm bia đá, trong đó có bia của Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1587 - 1693) và Tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 - 1825). Các văn bia đã ghi lại nhiều tư liệu quý và mô tả đầy đủ những lần tu tạo chùa trong các năm 1624, 1628, 1639, 1815, 1821, 1842.
Trên đường Lạc Long Quân, chùa Vạn Niên (xưa có tên là Vạn Tuế, được xây dựng vào thế kỷ 11 dưới thời Lý) cũng là một ngôi chùa cổ có giá trị lớn bên cạnh hồ Tây. Chùa không quá lớn, trên nóc chùa có 3 chữ: “Vạn Niên Tự” có nghĩa là ngôi chùa sẽ trường tồn mãi mãi.
Theo lịch sử ngôi chùa ghi lại, dưới triều đại Lý Thuận Thiên vào năm 1014, Thiền sư Hữu Nhai Tăng đã xin vua lập giới đàn tại vị trí hiện tại của chùa Vạn Niên. Sách “Thăng Long cổ tích khảo” ghi: “Chùa ở bờ Tây hồ Tây... Lý Thuận Thiên năm thứ 5 (1014), Hữu Nhai tăng thống xin tâu lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ, danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây”.
Hiện chùa còn giữ bộ di vật với hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong thần của thời Lê, Tây Sơn có giá trị lịch sử - văn hóa nghệ thuật cao. Tại chùa có bức tượng phật Thích Ca, cao hơn 1,3m và nặng 600kg, được làm từ ngọc Phỉ Thúy (Jadeit tự nhiên), làm cho bộ di vật của ngôi chùa thêm độc đáo. Qua hơn 1.000 năm, ngôi chùa đã được được trùng tu và tôn tạo nhiều lần. Trong chùa còn lưu giữ đạo sắc phong thần từ thời nhà Lê và Tây Sơn, chuông đồng cổ có tên “Vạn Niên Tự Chung” được đúc thời Vua Gia Long.
Bên cạnh hai ngôi cổ tự là Trấn Quốc và Vạn Niên, bên cạnh hồ Tây, đền Quán Thánh cũng là một địa chỉ tâm linh đặc sắc của dân Kẻ Chợ. Theo tư liệu cũ, những năm đầu thế kỉ XI, nhà vua Lý Thái Tổ sau khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long đã hạ lệnh xây dựng đền và rước hiệu duệ Huyền Thiên về thờ. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên đền thành Trấn Vũ Quán. Đến năm 1842, Vua Thiệu Trị đổi tên đền thành đền Quán Thánh như hiện nay.
Cảnh đẹp hồ Tây. (Nguồn: TN, HNM) |
Trước đây, tượng Huyền Thiên Trấn Vũ (một vị thần cai quản và giúp người dân trừ tà ma, yêu quái, cầu mưa...) được làm bằng gỗ, cho đến năm 1677 thì được đúc lại bằng đồng đen, đặt trên một phiến đá cẩm thạch. Bức tượng đồng đen cao 3,96m, nặng 4 tấn và chu vi 8m. Tượng có khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị nhưng bình thản, hiền hậu với đôi mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xõa không đội mũ, mặc áo đạo sĩ ngồi trên bục đá với hai bàn chân để trần. Bàn tay trái của tượng đưa lên ngang ngực bắt ấn thuyết pháp, bàn tay phải úp lên đốc kiếm, kiếm chống trên lưng rùa nằm giữa hai bàn chân, quanh lưỡi kiếm có con rắn quấn từ dưới lên trên. Rùa, rắn và kiếm là biểu trưng của Huyền Thiên Trấn Vũ. Bức tượng Trấn Vũ là một công trình điêu khắc độc đáo duy nhất tại Việt Nam. Ở nhà bái đường còn có một pho tượng đồng đen nhỏ hơn. Ngoài ra, trong đền còn có chiếc khánh bằng đồng được đúc vào thời chúa Trịnh.
Đền Quán Thánh còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị được chạm khắc gỗ trên cửa, cột, xà và hơn 60 bài thơ, hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán. Các hình tượng, đề tài linh thiêng được chạm khắc một cách tinh xảo, tỉ mỉ, mang đậm phong cách nghệ thuật thời nhà Lê.
Ba di tích này biểu trưng cho sự nổi bật xung quanh hồ Tây. Bên cạnh đó còn có phủ Tây Hồ, còn có những ngôi chùa nhỏ là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân Thủ đô. Mỗi di tích là một câu chuyện sống động về sự hình thành, biến chuyển của hồ Tây.
Xin kết thúc bài viết này với những câu thơ của nhà thơ Thái Thăng Long trong bài thơ “Chiều phủ Tây Hồ” để thấy được thế giới huyền ảo của vùng đất lịch sử đang phát triển vượt bậc này: “... Hồ Tây sóng vỗ phủ Tây Hồ/Huyền thoại và giấc mơ/Chầm chậm lễ chùa cùng em cung kính/Tượng Phật trang nghiêm Bà Chúa Liễu/Em khói hương thanh thản một phần đời/Ta khói hương để khỏi chơi vơi/Chắp tay lạy những thánh nhân trời đất/Khói hương rủ lòng mình bồng bềnh cõi Phật/Trời xa xanh tiếng hạc trắng kêu hoài…”.