Vướng lao lý vì “chiều ý” dân làng
Trước cổng TAND TP Hà Nội một ngày cuối tháng 3, người dân tập trung khá đông. Mặc dù trời mưa nặng hạt, họ vẫn đứng giơ tờ giấy A4 với nội dung “Ông Viển, ông Hưng vô tội”. Họ ở thôn Thao Ngoại lên đây theo dõi buổi xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà hai vị trưởng và phó thôn là bị cáo.
Phía hành lang phòng xử, người đàn ông tuổi lục tuần tóc điểm bạc ngồi lặng thinh chờ đợi. Ông là Nguyễn Văn Viển (SN 1957), nguyên trưởng thôn, là bị cáo trong vụ án. Ông cho hay không được hưởng lợi từ tiền bán đất mà dùng xây dựng các công trình như trường học, đường liên xã: “Cả làng, cả xã đều đi con đường này, học sinh được học trường mới nhưng tôi lại chịu tội. Tôi không tham ô mà có sự đồng ý của chủ tịch xã. Khi ông này mất, chúng tôi phải chịu trách nhiệm vì bán đất”.
Năm 2004 đường làng bị xói lở, người dân yêu cầu làm đường mới, ông Viển với vai trò trưởng thôn báo cáo nguyện vọng của dân lên xã, lập tờ trình xin kinh phí, được thông báo chưa có kinh phí, phải chờ cấp trên rót vốn làm đường giao thông nông thôn.
Năm 2006, người dân bỏ tiền làm đoạn đường bê tông dài khoảng 100m. Sau khi nhận được kiến nghị, xã đồng ý cho thôn đấu thầu diện tích đất dân lấn chiếm, khu vực ao thùng :“Việc này được công khai trên truyền thanh. Sau 10 ngày, xã tổ chức đấu thầu. Thành phần tham gia có chi bộ Đảng, Hội đồng nhân dân xã, 5 đoàn thể chính trị và toàn thể người dân. Ai bỏ giá cao được trúng thầu. Số tiền thu được, chúng tôi xây dựng đường làng”, ông Viển nhớ lại.
Sau đó một năm, ông Viển tiếp tục lập kế hoạch làm đường trình lên UBND xã. Theo ông, xã lập tờ trình gửi ra huyện và được đồng ý. Xã còn lập ban giám sát công trình, người dân cũng có ban kiến thiết riêng. Đến cuối năm 2007, huyện đồng ý cho đấu giá 7 thửa đất, trích phần trăm cho thôn gần 300 triệu. Xã đồng ý cho thôn sử dụng số tiền này làm đường, nhưng khi ban đại diện thôn lên làm hồ sơ thì được trả lời xã dùng xây hội trường và cho thôn bán diện tích ao thùng lấy tiền làm đường. Việc xã “bật đèn xanh”, chỉ nói bằng miệng.
Theo cáo buộc, từ 2006 - 2009, ông Viển cùng phó thôn Phạm Văn Hưng (SN 1961) đã bàn bạc, chuẩn bị nội dung, triệu tập nhiều cuộc họp đưa ra chủ trương đấu thầu đất thùng, ao rãnh của thôn nhằm lấy tiền xây công trình phúc lợi.
Tại các cuộc họp, ông Viển nói việc giao đất đã báo cáo và được chủ tịch xã đồng ý. Trưởng thôn đã xây dựng quy chế đấu thầu, soạn thảo thông báo, giấy giao đất lâu dài, thông báo trên loa truyền thanh. Hồ sơ thầu được bán với giá 50.000 đồng/bộ; thu tiền đặt cọc từ 20 - 50 triệu đồng/hồ sơ. Vị phó thôn thu tiền, quản lý thu chi.
Trong khoảng 3 năm, ông Viển đã 5 lần tổ chức đấu thầu và 2 lần giao thầu đất cho 15 hộ dân với diện tích 1.906m2, thu về 2,2 tỷ. Số tiền này để làm đường bê tông của làng, xây trường tiểu học, đường điện hạ thế, chi giám sát công trình.
Quá trình đấu thầu và giao đất có chủ tịch xã Sơn Hà và cán bộ địa chính xã Phạm Ngọc Hòa (SN 1971) biết. Sau đó có người tố cáo, ông Viển và ông Hưng bị truy tố về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”, ông Hòa bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tại phiên sơ thẩm, TAND huyện Phú Xuyên cho rằng trong vụ án, nếu nguyên chủ tịch xã còn sống thì sẽ có vai trò chính, hai bị cáo Viển, Hưng có vai trò tương đương. Tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Viển 36 tháng tù; Hưng 30 tháng tù; còn Hòa mức án 12 tháng tù giam.
Ba cán bộ thôn trong phiên tòa phúc thẩm |
Hợp lòng dân nhưng trái luật
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, hai bị cáo kháng cáo kêu oan cho rằng bản thân bị truy tố không đúng tội danh và mức án quá nặng. Riêng vị cán bộ địa chính kháng cáo với lý do phạm tội chưa đến mức xử lý hình sự.
Tại phiên phúc thẩm cuối tháng 3/2017, bị cáo Viển khai được bầu làm trưởng thôn từ năm 2004 đến 2009, có nhiệm vụ tổ chức các cuộc họp, báo cáo nguyện vọng của nhân dân lên xã, triển khai công tác từ cấp trên đến người dân. Về việc đấu thầu đất lấy kinh phí làm đường, xây trường, bị cáo trình bày đã trình lên xã và được đồng ý. “Trên hội nghị, đồng chí chủ tịch xã đồng ý, các đoàn thể đồng tình thì chúng tôi mới về làm. Tôi mà biết là vi phạm pháp luật đã không làm”, bị cáo trình bày.
Chủ tọa giải thích đất đai là quyền sở hữu của toàn dân, chính quyền thôn, xã không có chức năng, thẩm quyền bán, giao đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất: “Việc làm của các bị cáo có thể hợp lòng dân nhưng không đúng quy định pháp luật. Ở đây chính quyền xã đã buông lỏng quản lý”, chủ tọa phân tích.
Về phần vị phó thôn, trình bày làm việc dưới sự chỉ đạo của UBND xã, nhiệm vụ là thủ quỹ, thu chi tiền bán đất: “Chúng tôi là dân, luật đất đai không biết nhiều. Khi cán bộ đồng ý, nhân dân đồng tình thì chúng tôi làm. Bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo”, bị cáo khai.
Về phía vị cán bộ địa chính, trình bày rằng biết việc thôn bán đất cho dân và có quan điểm ngăn cản nhiều lần nhưng lãnh đạo xã không đồng tình. Bị cáo cho rằng “lúc đó tôi gần như bị cô lập vì nêu quan điểm trái ngược. Tôi chuyên môn quản lý đất đai nên nắm được luật, trước khi vào hội nghị từng gặp ông Viển can ngăn nhưng không ai nghe. Tôi đưa việc này ra trước hội nghị, tranh luận trước hội đồng nhưng đều bế tắc. Tôi có quan điểm đối lập với chủ tịch xã, nhưng bất lực trước việc can ngăn, mong tòa xem xét nguyên nhân”. Tại tòa, bị cáo cung cấp thêm một số quyết định của huyện đồng ý cho xã bán đất làm công trình phúc lợi.
Đại diện UBND xã được mời đến dự tòa cho biết mới nhận chức 2 tháng, vị chủ tịch cũ đã chết, một số cán bộ khác về hưu nên chỉ nắm một phần sự việc. Vị này cho rằng nhờ bán đất, người dân được hưởng lợi như có đường đi, học sinh có trường mới học tập. Đại diện UBND xã mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Đại diện VKS nêu quan điểm hành vi của các bị cáo xâm phạm đến quyền quản lý đất đai của nhà nước. Hành vi của các bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, gây mất lòng tin của nhân dân. Ngược lại, luật sư bào chữa cho rằng hai cựu cán bộ thôn không có mục đích trục lợi cá nhân; các bị cáo có đơn xin giảm án của người dân, được dân ủng hộ. Về phần bị cáo Hòa, luật sư cho rằng nguyên cán bộ địa chính xã phạm lỗi cố ý gián tiếp, chỉ bị khiển trách và hạ bậc lương chứ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Viển 24 tháng tù, Phạm Văn Hưng 18 tháng tù tội “lạm dụng quyền hạn chức vụ trong thi hành công vụ”, Phạm Ngọc Hòa 12 tháng tù treo. So với án sơ thẩm, các bị cáo đều được giảm mức hình phạt.