Đầu tư là cần thiết
Theo Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của QH cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư Dự án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP HCM, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về hình thức đầu tư, theo Tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (hợp đồng BOT). Đối với 3 dự án thành phần còn lại, áp dụng hình thức hoàn toàn bằng vốn nhà nước sau đó tổ chức thu giá sử dụng dịch vụ đối với các dự án này. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của Dự án khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện Dự án khoảng 55.000 tỷ đồng.
Cho ý kiến tại phiên họp, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đồng tình với việc cần sớm có chủ trương xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược trong nhiệm vụ kinh tế - chính trị xã hội; nâng cấp kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia; góp phần phát triển du lịch với chiến lược là ngành kinh tế mũi nhọn, khắc phục một số hạn chế trong ngành giao thông hiện nay.
ĐB Nguyễn Hồng Thái (Phú Thọ) cũng cho rằng xây dựng được đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông là sự đầu tư có hiệu quả cho sự phát triển đất nước, ngoài ra còn là nền tảng tốt để hình thành thế trận phòng thủ trên cả nước.
Khắc phục những khiếm khuyết của BOT
Tuy nhiên, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng cần công khai minh bạch và phải có giải trình kỹ về các dự án thành phần được thực hiện theo hình thức BOT trong dự án. Theo ĐB Xuyền, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khi giải trình về dự án cho rằng đã tính rất kỹ, chi ly về kết cấu, kỹ thuật, hệ số thu hàng năm... nhưng con số thực tiễn là bao nhiêu thì phải công khai để đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh lợi ích nhóm, tránh sai phạm.
“Quy hoạch có rồi thì công khai về dự toán kinh phí, đấu thầu, thời gian dự kiến thu phí, thời gian đặt trạm thu phí để dân biết. Tất cả những khiếm khuyết của các dự án trước đây đã được Ủy ban Thường vụ QH chỉ ra khi giám sát phải quán triệt để cố gắng hạn chế thấp nhất thiếu sót của dự án này”, ĐB đề nghị. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng phải đảm bảo không tồn tại những nhược điểm của một số dự án BOT trước đây.
ĐB Xuyền và ĐB Thái đều nhất trí cho rằng phải xem xét đầu tư công vào những đoạn khó thu hút vốn nhà nước, Nhà nước buộc phải đầu tư, còn những đoạn có khả năng thu hồi vốn, đúng yêu cầu đặt ra đối với PPP là sau này không ảnh hưởng đến đi lại thì nên thu hút đầu tư. Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề xuất dùng chính sách huy động nguồn lực trong dân bao gồm ngoại tệ, vàng… với lãi suất khoảng 5-6%, tức vẫn thấp hơn phương án đi vay ngoài, để huy động. “Vay nước ngoài có thể kèm theo nhiều điều kiện, có thể là để cho người nước ngoài làm. Còn nếu huy động được trong dân thì dân được hưởng, như vậy hơn là vay nước ngoài”, ĐB hiến kế.
Theo ĐB Giàng A Chu (Yên Bái), “chúng ta nên lựa chọn khoảng 30% Nhà nước đầu tư, còn khoảng 70 % xã hội hóa”. Đoạn đường nào huy động xã hội hóa (theo hình thức BOT) thì Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng vốn ưu đãi, từ đó việc bán vé qua trạm không cao và Chính phủ phải điều tiết vấn đề này để người dân trả tiền đi đường ở mức chấp nhận được.