Đầu tháng 1 vừa qua, toàn bộ đèn led trang trí tạo hình bằng 20 bông hoa vừa được dựng lên ở đài phun nước quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Hà Nội) đã bị dỡ bỏ chỉ sau vỏn vẹn... một ngày. Sở dĩ, 20 bông hoa đèn này bị “chết yểu” bởi lẽ rất nhiều người cho rằng nó khá kệch cỡm với không gian kiến trúc của quảng trường.
Những bông hoa cao khoảng 3 mét gần như che lấp đài phun nước tại đây. Tạo hình đèn hoa khá kỳ dị, thân màu xanh lá cây, hoa màu hồng tím khiến mọi người không biết đây là loại hoa gì. Có người cho rằng, đó là hoa rau muống, có người lại bảo đây là hoa loa kèn, hoa dâm bụt. Có người quả quyết đây là hoa ăn thịt người trong chuyện cổ tích.
“Hoa rũ xuống cảm giác như hoa đang bị héo úa, thậm chí sắp tàn thế này, bị “chết yểu” là phải. Không hiểu người ta nghĩ gì, thẩm mỹ nào mà lại đi thiết kế loại hoa đèn trang trí “thất sủng” này”, anh Võ Trung- thiết kế mỹ thuật tại Hà Nội ngao ngán.
Không chỉ 20 bông hoa bị chết yểu, trước lăng Bác là dàn hoa màu hồng đậm, lá xanh phát sáng vào ban đêm, nhiều người dân cho rằng kiểu trang trí này “sển sẩm” không phù hợp với khung cảnh trang trọng, trang nghiêm nơi đây. Và dàn hoa chỉ sống được vài ngày.
Tồn tại “ngắc ngoải” chưa đầy một tuần, 10 “lô cốt hoa đào” thô kệch có màu sắc lòe loẹt, tốn tiền tại đường Nguyễn Chí Thanh lại bị dỡ bỏ không thương tiếc.
Lô cốt hoa đào tại Nguyễn Chí Thanh bị khai tử sau vài ngày |
Từ tháng 9 năm 2015 đến đầu năm 2016, quanh Bờ Hồ giăng kín vô số đèn màu vàng với tạo hình như hàng trăm chiếc mũ thô kệch, nặng nề như muốn đổ ập vào người đi dạo hồ.
Chị Vũ Thanh (Hàng Bồ) lo lắng: “Tôi thường đi bộ ở hồ Gươm. Từ khi có dàn đèn “mũ úp” này, đẹp đâu chưa thấy chỉ thấy lo ngay ngáy. Tôi và mấy chị em đi bộ cứ sợ “mũ úp” rơi vào đầu. Điện đóm giăng đầy trên đầu, nhỡ rơi xuống, chết người, thương tật thì kiện ai?”
Theo giới chuyên môn, trong thiết kế trang trí ở đường giao thông rất tối kỵ chuyện vắt đèn trang trí qua đường. Trời tối, những dàn đèn màu dây tua trang trí bắc ngang đường, tạo thành những vầng sáng vắt qua đường gây khó chịu và hại mắt với người đi đường.
Đô thị phải có người thiết kế ánh sáng chuyên nghiệp, làm thế nào để không tác động đến thị giác người đi đường, gây phân tán mất tập trung. Đó là chưa kể giăng đèn ở giữa phố, người dân không quản “ngáng” dòng xe qua lại, dừng giữa đường kiếm “pô” ảnh gây tắc nghẽn, rất dễ xảy ra tai nạn.
Kiến trúc sư, họa sĩ Lý Trực Dũng đánh giá cách trang trí diện mạo của Hà Nội những năm gần đây “chắp vá, tùy tiện, xấu về hình, màu sắc quá sặc sỡ, gây phản cảm”.
“Thủ đô của một nước ngàn năm văn hiến lại ngang nhiên tồn tại kiểu trang trí rẻ tiền, thiếu giá trị thẩm mỹ. Nó na ná thứ trang trí mà tôi đã thấy ở một vài thành phố hẻo lánh vùng Tây Bắc nước láng giềng cách đây vài năm”, họa sĩ Dũng nhận xét.
Dàn đèn nặng nề như muốn đổ sập vào người đi bộ |
Vẻ đẹp của thủ đô là những hàng cây rợp bóng, là những con đường nhỏ như ô bàn cờ với 36 phố phường, là những tháp Rùa, đền chùa rêu phong… chứ đâu phải những chiếc đèn với các hình thù, màu sắc “nhiễu loạn” khắp nơi.
Tốn rất nhiều tiền ngân sách để làm ô nhiễm ánh sáng thủ đô, tác động xấu đến sức khỏe người dân, liệu chính quyền và ngành ánh sáng đô thị có biết? Hà Nội thiếu “nhạc trưởng” điều khiển màn “hòa ca” ánh sáng. Mỗi người một phách, mạnh ai người nấy “gào” khiến quang cảnh thêm nhức nhối.
Mạnh ai, người nấy chăng đèn, không chỉ là “thảm họa” về thẩm mỹ, mất an toàn giao thông mà gây lãng phí: tiền mua đèn, vật liệu tạo hình, chi phí lắp đặt và “ngốn” nhiều điện năng. Mỗi năm, Hà Nội phải chi hàng tỷ đồng để trang trí đèn hoa.
Dù ngân sách hay nguồn xã hội hóa đều là tiền của dân. Ấy vậy mà đồng tiền mồ hôi, nước mắt ấy lại phải “đổ” vào những dàn đèn... chẳng giống ai làm xấu đi bộ mặt đô thị, gây nguy hiểm cho người đi đường, trong khi Hà Nội còn thiếu rất nhiều tiền cho những nhu cầu thiết yếu khác.
Vẻ đẹp của Hà Nội là sự thanh lịch, văn minh chứ không phải những sắc màu ảo ảnh “ngốn” tiền tỉ của dân. Từ câu chuyện “khai tử” 20 bông hoa kỳ quái, bỏ hàng rào hoa bên Lăng Bác, “lô cốt hoa đào” ở Nguyễn Chí Thanh… “thích thì để, không thích là bỏ” - dường như việc trang trí đèn hoa là trò đùa của những vị lãnh đạo liên quan?
Trước bức xúc người dân, vị giám đốc một sở điềm nhiên cho hay, các đơn vị liên quan đã xác định từ trước việc phải điều chỉnh các mẫu trang trí đường phố nên “chủ động và vui vẻ thực hiện”. Các vị có thể “chủ động và vui vẻ thực hiện điều chỉnh” nhưng người dân không thể vui vẻ khi tiền tỉ mồ hôi, nước mắt của dân bị ném đi một cách không thương tiếc. Lẽ nào, các vị nhởn nhơ vui vẻ khi người dân “khóc”?
KTS Lê Văn Lân, người đã từng thiết kế Cung Văn hóa Thiếu nhi cho rằng: Trong việc trang trí nói riêng và xây dựng các công trình ở thủ đô nói chung, điều quan trọng là phải tham khảo giới chuyên môn ngay từ đầu. Giới chuyên môn phải tiếp cận được phác thảo trước khi thực hiện và công bố các công trình.
Còn khi công trình đã hoàn thành rồi bị phản ứng mới kêu gọi ý kiến chuyên gia, hỏi ý kiến người dân e chừng đã muộn. Bởi việc chỉnh sửa công trình có sẵn khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều mà chất lượng khó được như ý.