Người nhiều tiền thì mua để đó, người ít tiền thì tìm cách lướt sóng kiếm tiền chênh lệch, càng làm cho giá đất đai nhảy múa từng ngày.
Đua nhau gom đất
Sau thời gian “ngủ đông” vì dịch bệnh, thị trường bất động sản bắt đầu khởi sắc trở lại dịp cuối năm 2021 và bắt đầu bứt tốc ngay từ những tháng đầu năm 2022. Việc bứt phá của thị trường diễn ra trên phạm vi cả nước. Nhiều nơi, giá đất nền đã tăng ít nhất 10% so với cuối năm 2021, có nơi đã được môi giới đẩy lên tới 30, 40%.
Nếu như cuối năm 2021, giá đất nền tại một số huyện như Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai giao động từ 13 đến 20 triệu/1m2 (tùy vị trí) thì nay đã tăng lên 16 đến 30 triệu đồng/1m2. Còn với đất vườn tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú… chỉ dao động quanh mức 200 đến 400 triệu/1 sào 1000m2, nhưng nay đã lên tới 400 đến 800 triệu mỗi sào, thậm chí có nơi đã lên tới hơn 1 tỉ đồng 1 sào.
Tương tự tại địa bàn huyện Đức Hoà, tỉnh Long An được xem là nơi đầu tư lý tưởng vì hội tụ nhiều yếu tố như giáp ranh TP Hồ Chí Minh, nhiều khu công nghiệp, nhiều dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai… nên đất nền tại khu vực này cũng được khách hàng săn đón dẫn đến giá cũng không ngừng tăng lên.
Ngay cả ruộng lúa cũng được tách thành nhiều lô để bán. |
Theo anh Nguyễn Ngọc Minh- một môi giới tại địa bàn Đức Hòa, sở dĩ khu vực này thu hút khách hàng về đây tìm kiếm đất là bởi có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là cơ sở hạ tầng của Đức Hòa ngày càng hoàn thiện, giá đất tại đây cũng còn thấp (giao động từ 17 đến 30 triệu/1m2) nên các nhà đầu tư đã “đi tắt đón đầu” vì khả năng sinh lời còn nhiều…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số dự án trên địa bàn tỉnh Long An đều cho thấy giỏ hàng được các nhà đầu tư nhanh chân mua hết, nhất là đối với những dự án có vị trí đẹp, pháp lý hoàn thiện cũng như giá cả không bị đẩy lên quá cao.
Vùng đất Tây Nguyên những năm về trước gần như im ắng về thị trường bất động sản, thế nhưng đầu năm 2022, thị trường tại đây đã sôi động hẳn, nhất là với đất làm vườn, nghỉ dưỡng. Tại một số huyện của Đăk Nông, trước Tết, mỗi ha chỉ khoảng 400 đến 700 triệu thì nay để tìm 1ha dưới 1 tỉ là hơi khó, mà phải đi vào rất sâu trong bản và đường đi rất khó khăn thì mới có được. Lượng người từ các tỉnh, thành tìm về Tây Nguyên săn đất nghỉ dưỡng ngày một đông vì nơi đây có khí hậu thoáng mát, đất lại đang còn rẻ nên họ mua theo kiểu “của để dành”.
Việc “săn” đất hiện không còn dành riêng cho những người lắm tiền nhiều của nữamà nó đã lan đến mọi lớp người dân, từ anh nông dân tới chị công chức... Nhiều cán bộ, công nhân, viên chức còn tranh thủ thời gian để đi làm cò đất kiếm thêm thu nhập. Thậm chí đã có không ít người đã xin nghỉ việc để toàn tâm theo nghề môi giới đang trong giai đoạn ăn nên làm ra này.
Gặp chúng tôi, một nữ đại úy đang công tác trong ngành (xin giấu tên) cho biết, thời gian gần đây, thấy anh em bạn bè làm nghề môi giới kiếm được khá nên chị cũng mon men học hỏi. Chị làm thử một vài lần và nay thì có khách hàng thường xuyên hơn nên chị cũng kiếm được kha khá và quay qua đầu tư mua đi bán lại theo kiểu lướt sóng.
Chị Trần Thị Hoa- một công chức tại TP Hồ Chí Minh cho biết, xưa nay, gia đình chị cứ an nhiên sống nhẹ nhàng với đồng lương khiêm tốn của hai vợ chồng, nhưng từ cuối năm 2021 đến nay được bạn bè rủ rê nên chị cũng quyết định thử.
Cuối năm 2021, gia đình chị mạnh dạn rút gần 800 triệu tiết kiệm từ ngân hàng về, cộng với thế chấp căn nhà đang ở được thêm 1,6 tỉ đồng rồi xuống Long An Đầu tư 3 lô đất (chỉ thanh toán 50% mỗi lô- thanh toán theo tiến độ dự án) đầu tháng 3 vừa rồi chị bán 2 lô đã gần thu hồi được vốn ban đầu, còn để 1 lô chờ tăng giá sẽ bán.
Củ Chi sốt hầm hập
Tại TP Hồ Chí Minh, giá bất động sản cũng không ngừng tăng cao bất chấp việc một vài doanh nghiệp trúng đấu giá đã “bỏ của chạy lấy người” vì bỏ giá quá cao. Sự đột biến nhất về giao dịch lẫn giá đất phải kể đến địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi, khi mà hai vùng nông thôn này sẽ được “một bước lên tiên” vì có thông tin Hóc Môn và Củ Chi sẽ được quy hoạch lên thẳng thành phố mà không phải từ huyện lên quận như quy luật thông thường.
Hơn nữa, thông tin về hội nghị xúc tiến đầu tư vào hai địa phương này đang được truyền thông rầm rộ với nhiều dự án hàng chục tỉ đô la… Chính những thông tin được xem là bước đệm, mang tính đột phá này đã khiến cho người người, nhà nhà kéo nhau về đây tranh thủ xí phần và làm thị trường bất động sản tại hai địa bàn này nhảy múa không ngừng.
Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng gom bất cứ loại đất nào của dân rồi cho nhân viên đứng tên để tiến hành phân lô, bán nền. Giá đất nền tại một số xã của huyện Củ Chi nhưTân Phú Trung, Bình Mỹ, Tân Thông Hội giáp ranh với huyện Hóc Môn đã tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, do khu vực này gần trung tâm Thành phố hơn nên quỹ đất còn lại rất eo hẹp, do đó, người dân đã đổ về các xã xa xôi hơn như Nhuận Đức, Trung An, Trung Lập Hạ, Thái Mỹ… giáp với Tây Ninh để tìm kiếm mua đất.
Nhiều công trình tự phát được xây dựng trên đất nông nghiệp để bán ăn theo sốt đất. |
Trong những ngày xâm nhập thực tế, chúng tôi được rất nhiều môi giới dẫn đi xem hàng chục khu đất vốn đang là đất trồng lúa, trồng rừng tràm… nhưng đã được tách thành hàng chục thửa với diện tích khoảng 500 đến 600m2 để bán với giá từ 1,5 đến 3 tỉ đồng (tùy theo vị trí). Tuy nhiên theo người dân địa phương thì trước Tết, giá mỗi lô chỉ giao động từ 600 triệu đến 1,2 tỉ đồng.
Dù giá đã tăng mạnh, có nơi gần gấp đôi, nhưng vẫn thu hút lượng người từ trung tâm, thậm chí các tỉnh mãi ngoài Bắc cũng vào đây săn đất. Nhìn những cánh đồng đang mùa lúa vàng, nhưng lại ít thấy bóng dáng người nông dân hay máy móc nông nghiệp trên ruộng đồng.
Thay vào đó là những người ăn mặc lịch sự trên những chiếc xe hơi sang trọng cùng với lực lượng xe tải, máy đào, xe múc đang rầm rộ sàn ủi, đổ đá làm đường, múc hố làm móng, trộn bê tông để xây tường rào, lát đá, làm nhà chòi, giăng giây thép gai và trồng cây cảnh, cây ăn quả.
Theo ghi nhận, tại một cánh đồng lúa của xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi đang được “đầu nậu” rầm rộ phân tách. Theo giới thiệu của các môi giới, khu này sẽ được phân thành 60 lô với diện tích từ 500 đến 600m2 mỗi lô. Giá bán mỗi lô từ 1,3 đến 1,7 tỉ đồng. Các môi giới cho biết, hiện một khu đã ra sổ và bán cho khách hơn 10 lô, còn 3 khu đang được tiến hành làm sổ và giá đợt sau sẽ cao hơn.
Những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đại trên địa bàn huyện Củ Chi từ 2020 trở về trước đã được Thanh tra Thành phố kết luận và xử lý hàng loạt cán bộ liên quan. Tuy nhiên, từ cuối 2021 và những tháng đầu năm 2022, tình trạng loạn phân lô bán nền tại địa phương này diễn ra tinh vi dưới nhiều hình thức khiến người dân bức xúc. Những vấn nhức nhối này sẽ được chúng tôi phân tích mổ xẻ trong thời gian tới...