Hàng nghìn m3 đất đã nạo vét đi về đâu?
Theo phản ánh của người dân xã Nghĩa Mỹ, chính quyền địa phương không thực hiện việc cải tạo đập Khe Vĩnh đúng quy định. Cụ thể, khi chưa có phương án cải tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chính quyền địa phương đã cho máy móc, thiết bị vào đào bới hàng nghìn m3 đất đem bán, khiến đập Khe Vĩnh tan hoang, có nguy cơ sạt lở mái cống xả.
Được biết, ngày 8/7/2020, ông Lê Sâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ có Tờ trình số 310/TTr-UBND gửi UBND TX Thái Hòa với nội dung: Do thời tiết nắng nóng kéo dài, đập Khe Vĩnh đã cạn kiệt, lòng đập bị bồi đắp, ảnh hưởng đến việc tích nước tưới tiêu. Để đảm bảo cấp nước sản xuất ổn định trong những năm tiếp theo, UBND xã đề nghị UBND TX cho phép xã huy động nguồn lực xã hội hóa để nạo vét, tăng dung tích nước cho đập Khe Vĩnh.
Ngày 10/7/2020, Phó Chủ tịch UBND TX Thái Hòa ký Văn bản số 712/UBND-KT đồng ý cho UBND xã Nghĩa Mỹ kêu gọi xã hội hóa nạo vét đập Khe Vĩnh nhằm tăng dung tích nước cho đập Khe Vĩnh để phục vụ tưới tiêu cho nhân dân xã Nghĩa Mỹ trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, trong văn bản chỉ đạo của TX Thái Hoà chưa có phương án nạo vét được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Trong khi đó, chính quyền xã, sau khi có được "chỉ đạo" của UBND TX, ngày 13/7/2020, ông Lê Sâm, Chủ tịch UBND xã ban hành Thông báo số 316/TB-UBND với nội dung: UBND xã sẽ tiến hành nạo vét lòng đập Khe Vĩnh từ ngày 14/7/2020, phần đất nạo vét được vận chuyển đến Cụm công nghiệp Nghĩa Mỹ.
Ngay sau khi văn bản của Chủ tịch xã ban hành, máy móc thiết bị được kéo vào "ăn đất", chỗ nào thuận lợi để xe di chuyển là múc đất, kể cả phần đất kè mái cống cũng được đào bới, dẫn tới tình trạng mái kè có nguy cơ sạt lở. Không hề có một phương án khai thác nào cụ thể mà theo kiểu “chỗ nào dễ đào trước”.
Cái cớ để bán đất?
Theo người dân nơi đây, việc nạo vét đập Khe Vĩnh chỉ là “cái cớ” để múc đất đem bán cho cụm công nghiệp, vì hiện tại trên địa bàn TX Thái Hoà có nhiều công trình cần san lấp đất, mà nguồn đất thì khan hiếm. Nếu mua đất từ các mỏ thì xa, lại phải phải đóng thuế nên đất mua từ các mỏ sẽ cao hơn nhiều so với mua đất "lậu".
Tuy nhiên, ông Lê Sâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Mỹ cho rằng: "Trước đây nước cạn, xã có văn bản xin TX nạo vét thì được đồng ý. Sau đó, múc được một phần thì TX bảo dừng vì thẩm quyền không phải của TX và dừng lại đề nghị xây dựng phương án. Hiện tại, xã đang xây dựng phương án còn thiết kế bản vẽ thi công thì thuê đơn vị tư vấn".
Với chức năng, nhiệm vụ quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, nhưng khi được hỏi về việc UBND xã đã cho múc bao nhiêu m3 đất tại đập Khe Vĩnh và được đổ đi đâu hay bán cho đơn vị nào, thì Trưởng Phòng TN&MT TX Thái Hoà cho rằng: “Xã không báo cáo qua Phòng việc nạo vét đập Khe Vĩnh nên đã nạo vét bao nhiêu m3 đất không nắm được”.
Còn ông Phạm Chí Kiên, Chủ tịch UBND TX Thái Hoà thì cho hay: "Hiện TX đã có văn bản đình chỉ việc cải tạo lòng hồ đập Khe Vĩnh, đang xây dựng phương án cải tạo".
Đập Khe Vĩnh là công trình thuỷ lợi có chức năng tích nước để phục vụ tưới tiêu, việc cải tạo lòng hồ để tích nước là một việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc cải tạo phải được thực hiện theo Nghị định số 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuỷ lợi; Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và các quy định bảo vệ môi trường. Như vậy, việc cải tạo lòng hồ đập Khe Vĩnh khi chưa có phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là vi phạm quy định pháp luật. Ngoài ra, nếu mái cống xả sạt lở ảnh hưởng tới việc tưới tiêu trách nhiệm sẽ thuộc về ai?