HDV đưa đoàn khách “tẩu thoát”?
Ngày 27/7 vừa qua, trong khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì một tài khoản Facebook tên “Phương.S” đã đăng tải bài viết có nội dung “gây sốc” với toàn thể xã hội. Đó là hình ảnh một đoàn khách tự động rời Đà Nẵng đến Huế ngay trong buổi đêm nhằm né tránh việc cách ly toàn thành phố do bùng phát dịch.
Một số hình ảnh cho thấy đoàn khách khá đông đã đến tham quan những địa điểm danh thắng, di tích ở Hội An, Đà Nẵng, Đại nội Huế. Dòng trạng thái trên mạng xã hội như một lời kể công đầy tự hào của người HDV này: “Thế là đoàn Đà Nẵng đã yên ổn. Nửa đêm bỏ khách sạn 4 sao đưa đoàn tẩu thoát khỏi Đà Nẵng 1 cách an toàn. Và khách đang ở Huế…
Ngay lập tức, dòng trạng thái này đã có hàng nghìn lượt like, chia sẻ và bình luận, nhưng hầu hết không phải để “vinh danh” hành động này. Cộng đồng mạng bày tỏ sự lo lắng và bất bình khi liên tiếp nhiều ngày nay, Đà Nẵng và một số địa phương lân cận đều ghi nhận các trường hợp nhiễm Covid-19, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng không ngoại lệ.
Nhận ra sự việc bất ổn, chủ tài khoản đã khoá bài đăng. Song thông tin vẫn tiếp tục được chia sẻ trên mạng, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc truy tìm đoàn khách. Hiện chưa có thông tin xác nhận đoàn khách nêu trên đã rời Huế hay chưa. Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bố trí lực lượng liên ngành trực 24/24 kiểm tra người đến Huế, đặc biệt là từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Theo đó, chính quyền tỉnh yêu cầu người dân đến Huế phải khai báo y tế, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương nơi đến.
Thông tin đoàn khách rời Đà Nẵng đến Huế được đăng trên mạng xã hội. |
Chưa bàn về việc họ sẽ bị xử lý như thế nào nhưng trong tình hình rối ren “dịch giã” trở lại, chỉ cần một số người hành xử ích kỉ như vậy có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực phòng chống dịch bệnh của toàn thể xã hội. Đó cũng là bài học của cả nước trong thời gian giãn cách xã hội lần đầu tiên vào tháng 4/2020. Hậu quả là rất nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc, nền kinh tế “lao đao”, du lịch “mất mùa”, trường học gián đoạn, áp lực xã hội gia tăng…
Trách nhiệm của HDV ở đâu?
Dư luận cho rằng đoàn khách tuy đáng trách nhưng người HDV dẫn đoàn này đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Chị Trần Dạ Thảo (Hoài Đức, Hà Nội) từng là một HDV cho biết: “Trong khi dẫn tour (hành trình du lịch – NV) có rất nhiều rủi ro phức tạp có thể xảy ra mà dịch bệnh là một trong các trường hợp ấy. Những lúc ấy hành khách thường rất hoang mang, hỗn loạn, mỗi người một ý kiến.
Trong trường hợp nêu trên, tôi cho rằng bạn HDV có thể do thiếu kinh nghiệm nên đã trở thành “con rối” bị số đông chi phối; hoặc do bạn ấy đã quá chủ quan cộng tâm lý coi thường dịch bệnh nên đã bày trò cho hành khách của mình, vẫn tiếp tục “cố đấm ăn xôi”. Nhưng dù trong khả năng nào tôi vẫn đánh giá đó là một lối ứng xử kém, thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức”.
Bộ Quy tắc đạo đức nghề và ứng xử của HDV du lịch không hề đề cập cụ thể HDV du lịch phải hành động ra sao trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, người HDV du lịch, đối với công việc của mình, cần có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường xã hội, giữ gìn an ninh an toàn, trật tự công cộng và vệ sinh chung. Còn đối với khách du lịch, HDV cần thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở, khuyến cáo các du khách tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật tại nơi đến trong quá trình dẫn tour.
Đợt bùng phát dịch lần này dù không ai mong muốn nhưng không phải không thể đoán trước được. Theo đó, HDV hay công dân cũng đã được trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch Covid-19.
Bác Nguyễn Thế Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhiều năm làm xe ôm chia sẻ: “Kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, mỗi khi gặp khách mới, tôi đều hỏi trước các thông tin cơ bản như ở tỉnh nào về, tên gì và về đâu. Việc hỏi như vậy khiến tôi yên tâm hơn khi làm việc của mình, không chỉ là bảo vệ sức khoẻ của mình mà lỡ mình tiếp xúc với người mang bệnh thì cũng có thể cung cấp thông tin cho xã hội biết”.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hơn nửa năm nay, nhiều người dân đã có ý thức tự giác khai báo y tế, tự giác cách ly nếu nghi ngờ mình có khả năng tiếp xúc với người bệnh. Hầu hết khi chính phủ công bố có ca nhiễm trong cộng đồng, thì mọi người chủ động đeo khẩu trang khi đến chốn đông người, dù ở tâm dịch hay không.
Đồng thời, người dân chủ động theo dõi và cung cấp thông tin thông qua Internet, báo đài, truyền thông, tin nhắn, ứng dụng về tình hình phòng, chống, lây lan dịch bệnh để kịp thời phối hợp. Người dân tích cực chấp hành các khuyến cáo của ngành y tế, không đăng tải những thông tin không chính xác, bịa đặt về tình hình dịch bệnh, lan truyền những biện pháp phòng ngừa không đúng, gây hoang mang dư luận.
Người HDV cũng cần nhận thức được những điều cơ bản nêu trên. Đặc biệt, nếu dịch bệnh bùng phát khi HDV đang thực hiện nhiệm vụ dẫn tour đoàn, họ cần sự tỉnh táo và chủ động hơn nữa để có giải pháp hài hoà nhất cho các bên. Đó là tìm cách phối hợp với chính quyền địa phương về thực hiện công tác phòng chống dịch, liên hệ với công ty lữ hành và các cơ sở liên quan về thiệt hại và giải pháp giảm thiểu tổn thất, cũng như trấn an du khách về tình hình hiện tại.
Thiết nghĩ, trước trách nhiệm của xã hội và sự ích kỉ của bản thân cùng lợi nhuận, họ cần ứng xử ra sao mới “vẹn cả đôi đường”? Câu trả lời nằm ở đạo đức, ứng xử và khả năng giải quyết nghịch cảnh của người HDV lành nghề, có kinh nghiệm.