Rất nóng ruột nhưng vẫn e dè
Trong vai một người có nhu cầu mang thai hộ (MTH), phóng viên (PV) đã “phục” ở Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cả một buổi sáng để tìm hiểu về nhu cầu của người dân về dịch vụ này. Qua câu chuyện của “những người trong cuộc”, PV được biết số người có nhu cầu tương đối nhiều nhưng phần lớn vẫn chưa hiểu tường tận về quy định mang thai hộ. Đặc biệt, họ dường như vẫn e dè và ngại ngần khi nói về câu chuyện có phần hơi nhạy cảm này.
Giấu nỗi buồn qua đôi kính đen và chiếc khẩu trang che gần hết khuôn mặt, Lan A. (28 tuổi, quê Thanh Ba, Phú Thọ) tần ngần chia sẻ, vợ chồng cô lấy nhau đã 7-8 năm mà vẫn chưa có con. Chồng A lại là con một nên nhà chồng cô càng sốt ruột. Mặc dù đã chạy chữa khắp nơi nhưng không có kết quả. Nghe phong thanh Nhà nước cho phép thực hiện kỹ thuật MTH, cô giấu gia đình bắt xe lên Hà Nội để tìm hiểu.
Lan A. cho biết, cô đã xếp hàng ở đây từ sáng nhưng vẫn chưa đến lượt vì bệnh nhân đến khám và tư vấn đông quá. “Nghe nói kỹ thuật thì không khó nhưng thủ tục lại rất phức tạp nên em cũng lo lắng lắm. Đợi bác sỹ tư vấn kỹ lưỡng rồi em mới thông báo cho mọi người biết vì không muốn nhà chồng mừng hụt” – Lan A. chia sẻ.
…Tuy đã vượt qua được chặng đường làm thủ tục đầy gian khó và giờ chỉ chờ người MTH đến chu kỳ để thực hiện công đoạn chuyển phôi, nhưng người phụ nữ đầu tiên (xin được giấu danh tính) được duyệt hồ sơ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại tiến trình đầy vất vả khi đi làm thủ tục nhờ MTH.
Chị cho biết, mặc dù bản thân đã tìm hiểu rất kỹ về các yêu cầu của việc nhờ MTH nhưng chị vẫn không khỏi bối rối khi phải chạy khắp mọi nơi để xin cả thảy hàng chục loại giấy tờ mà pháp luật yêu cầu. Theo chị, thủ tục để được MTH quá nhiều nên không phải ai cũng đáp ứng được, thậm chí một số loại giấy tờ là thừa và chồng chéo (ví dụ như đã có bản cam kết MTH nhưng vẫn phải có xác nhận của chồng người MTH).
Rồi việc quy định “chỉ được nhờ người cùng họ hàng MTH” cũng cản trở hạnh phúc của rất nhiều người vì không phải ai cũng dễ dàng tìm được người họ hàng đồng ý MTH…
Không chỉ có vậy, về mặt tâm lý, người phụ nữ này cũng cho rằng định kiến xã hội chính là lý do khiến các “khổ chủ” phải che giấu việc nhờ MTH, trong khi đó là một việc làm nhân đạo, chính đáng, được Nhà nước cho phép. Bởi vậy, cũng như những cặp vợ chồng có nhu cầu khác, chị mong muốn “Nhà nước nới lỏng các quy định” để nhiều người có được niềm hạnh phúc làm cha mẹ.
Minh họa nguồn internet. |
Thận trọng để đảm bảo tính nhân đạo
Cũng chính bởi những lý do kể trên, mặc dù quy định MTH vì mục đích nhân đạo có hiệu lực thực thi từ ngày 15/3 nhưng đến nay gần 02 tháng qua đi, số người nộp hồ sơ đăng ký nhờ MTH tại 3 cơ sở y tế được phép triển khai kỹ thuật này đã lên đến vài trăm, nhưng số hồ sơ được duyệt vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, có rất nhiều cặp vợ chồng chưa đến mức phải dùng kỹ thuật MTH. Họ cứ nghĩ MTH sẽ dễ dàng đạt kết quả hơn nên yêu cầu thực hiện MTH nhưng khi bác sĩ thăm khám kết luận trường hợp này chưa đến mức phải sử dụng kỹ thuật đó mà chỉ cần áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo.
Một số trường hợp khác chưa thể thực hiện được vì họ chưa mang đầy đủ các giấy tờ cần thiết như: giấy chứng nhận họ hàng thân thích, chứng nhận người MTH là người độc thân, nếu đã ly hôn phải có giấy chứng nhận của tòa án…
Cũng theo GS. Nguyễn Viết Tiến, vì luật mới triển khai thực hiện nên người có nhu cầu làm kỹ thuật cũng chưa hiểu được vấn đề và thủ tục thế nào nên họ cảm thấy khó khăn, phức tạp. Nhưng khi đã được tư vấn và hướng dẫn, họ sẽ hiểu ra và mọi việc sẽ được tiến hành suôn sẻ hơn. Ông Tiến cũng hy vọng và tin tưởng mọi quy định sẽ được thực hiện nghiêm túc, và sẽ không xảy ra tình trạng MTH vì mục đích thương mại, kiếm tiền bất hợp pháp.
Trao đổi với PV Báo PLVN về vấn đề này, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định MTH vì mục đích nhân đạo không phải là đẻ thuê. Bởi vậy, các thủ tục phải được làm rất chặt chẽ, tránh tình trạng “lách” luật, thương mại hóa, trái với tính nhân văn, nhân đạo, ý nghĩa của văn bản pháp luật. Ngoài ra, ông Quang cho biết, việc cả bên MTH và người nhờ MTH phải được tư vấn kỹ lưỡng về mặt y học, tâm lý, pháp luật, đặc biệt là ký kết hợp đồng pháp lý là để tránh những rủi ro và các vấn đề pháp lý nảy sinh về sau này.
Riêng đối với mong muốn của rất nhiều người đã từng sinh một con bị dị tật, nhưng không thể sinh nở được nữa, muốn nhờ MTH để có đứa con khỏe mạnh, lành lặn, ông Quang cho biết, pháp luật không thừa nhận để tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa con này với con kia, và đây cũng là truyền thống đạo đức của người dân Việt Nam…