Dán tem truy xuất nguồn gốc là đúng đắn
Gần một tuần sau đề xuất dán tem phân biệt đào rừng của tỉnh Sơn La – ngày 18/1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản trả lời, khẳng định cá nhân hoặc tổ chức tự bỏ vốn trồng đào, mai và một số loại cây khác, ngoài diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên, sẽ được tự quyết định việc khai thác.
Bộ đề nghị các tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể, trước mắt có thể dùng biện pháp xác nhận nguồn gốc, xuất xứ phù hợp với cây đào, nhưng không tạo thêm thủ tục hành chính, gây ách tắc trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bộ sẽ nghiên cứu cơ chế khả thi về vấn đề này để áp dụng thống nhất cả nước.
Trước đó, ngày 13/1, Sơn La là tỉnh đầu tiên kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh thực hiện truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ vùng trồng đào trên đất nông nghiệp, không phải đào rừng tự nhiên. Thông tin trên báo chí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La Trần Dũng Tiến cho hay, toàn tỉnh có hơn 5.000 ha đào trồng, tập trung ở huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Nhiều năm qua, việc bán cành đào đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân mỗi dịp Tết Nguyên đán.
“Chỉ thị cấm chặt phá khai thác đào rừng hoàn toàn đúng đắn. Bởi không riêng gì cây đào, tất cả các loại cây trong rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất đều được quản lý chặt chẽ theo Luật Lâm nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi đã rà soát trên địa bàn không có đào rừng tự nhiên, các hộ trồng mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông thuận lợi”, ông Tiến nói.
Mẫu tem dán phân biệt đào rừng. |
Tại Điện Biên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Minh Hải, tỉnh tiến hành rà soát diện tích trồng đào và thông tin tới người dân trồng loại cây này trên nương rẫy yên tâm để thu hoạch đúng vụ. “Cây đào được người dân địa phương trồng tự phát rải rác tại thôn bản từ xa xưa. Tỉnh không có đào rừng mọc tự nhiên. Chúng tôi đã đề nghị với Tổng cục Lâm nghiệp để hướng dẫn cụ thể”, ông Hải nói.
Chi cục trưởng lâm nghiệp Điện Biên Hà Lương Hồng thông tin, người dân địa phương gọi cây đào rừng tự nhiên là cây Tớ Dày, nhiều nơi gọi là mai anh đào. Cây này cùng họ với đào nhưng vươn cao hơn, từ 7 đến 8 m. Cây có sức sống tốt, hoa màu hồng thẫm, 5 cánh nhưng ngắn ngày nhanh héo. Còn cây đào người dân thường trồng trên nương rẫy tán thấp, hầu như không mọc xen lẫn trong rừng vì không cạnh tranh được dinh dưỡng và ánh sáng với các loại cây khác.
“Khi người dân muốn bán cây đào trồng có thể thông báo với chính quyền địa phương, kiểm lâm. Nếu cần, chúng tôi sẽ xác minh và chứng nhận để đảm bảo bà con mua bán nhanh chóng thuận tiện”, bà Hồng nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu Đặng Văn Châu cũng cho biết, đơn vị xây dựng phương án để chứng nhận đào trồng của người dân và ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy khẳng định sẽ không truy xuất nguồn gốc cây đào. “Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, Lào Cai chỉ có đào trồng vườn nhà nên sẽ không cần truy xuất. Việc dán tem sẽ kéo theo thủ tục phức tạp. Dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, triển khai e rằng không kịp”, ông Duy nói và cho hay đã đề nghị lực lượng Kiểm lâm tạo điều kiện để người dân được mua bán cây đào trồng thuận lợi.
Ngày 17/1, trả lời thông tin một số tỉnh miền núi phía Bắc kiến nghị dán tem truy xuất nguồn gốc cây đào, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Tinh thần chung là Chính phủ ủng hộ đề xuất này. Việc truy xuất nguồn gốc cây đào là đúng đắn, để phân biệt rõ ràng đào rừng với đào trồng, đồng thời giúp người dân thuận lợi trong việc bán đào dịp Tết Nguyên đán”.
Chính phủ không cấm tiêu thụ đào do người dân trồng
Sở dĩ có địa phương đưa ra đề nghị trên là xuất phát từ ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị của ngành Nông nghiệp chiều 24/12/2020. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết. “Hôm nay tôi tuyên bố, ai chặt phá, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cây rừng là vi phạm”, Thủ tướng cương quyết và giao Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt chỉ đạo này một cách nghiêm túc.
Thủ tướng dẫn chứng, ngày Tết, đi trên các bờ đê, đường phố sẽ thấy nhiều cây đào rừng đẹp bị chặt mang về bày la liệt, bán không được thì làm củi. “Như vậy làm sao còn một nông thôn, miền núi với những cánh rừng đẹp. Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi chơi Tết”, Thủ tướng yêu cầu.
Bày tỏ ủng hộ chỉ đạo trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều ý kiến quan niệm, đây là việc rất thiết thực, bởi mỗi dịp Tết, nhiều người chặt đào rừng mang về thành phố làm ảnh hưởng đến cảnh quan, thiên nhiên miền núi và rất phản cảm. Trong khi đó, đào rừng về phố cũng chỉ sống được thời gian ngắn vì không thích nghi với môi trường, khí hậu.
Sau đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích thêm, Thủ tướng chỉ yêu cầu cấm chặt đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết, chứ không cấm mua bán đào do người dân miền núi hoặc miền xuôi trồng. “Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp Tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi Tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng”, Bộ trưởng Dũng phát biểu. Ông cũng cho rằng, việc nghiêm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên không khó, chỉ cần các địa phương, bộ ngành vào cuộc nghiêm túc sẽ có hiệu quả.
Trở lại với văn bản trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Hà Công Tuấncho báo chí biết thêm, sau khi Thủ tướng nêu yêu cầu nghiêm cấm chặt đào rừng và các loại cây trong rừng tự nhiên về chơi Tết, ông đã dẫn đầu đoàn công tác khảo sát ở một số nơi thuộc tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên.
“Có những hộ ở Sa Pa (Lào Cai) mỗi năm trồng một hecta gồm đào lấy quả, đào hoa... thu về 200-300 triệu đồng. Mô hình này phổ biến ở miền núi phía Bắc”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh Chính phủ cấm chặt đào rừng, cây rừng mang về xuôi chơi Tết, chứ không cấm tiêu thụ đào do người dân trồng.
Về đề xuất dán tem truy xuất nguồn gốc để phân biệt đào rừng, Thứ trưởng Tuấn khẳng định,“đây là việc đương nhiên cần làm”. Bởi hiện nhiều mặt hàng nông sản muốn tạo thương hiệu uy tín trên thị trường đều cần dán nhãn truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận khó áp dụng việc dán tem cây đào trên toàn quốc trong năm nay bởi thời điểm này đã cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Vì vậy, trước mắt sẽ thí điểm dán tem truy xuất nguồn gốc cây đào ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La như đề nghị của địa phương. Sau đó, Bộ và tỉnh sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Trước việc một số địa phương phản ánh hiện không còn đào rừng tự nhiên, Thứ trưởng Hà Công Tuấn công nhận:“Trên rừng không còn đáng kể đào tự nhiên và chất lượng không bằng đào trồng”.