Tối 29/10 đã xảy ra thêm một vụ sạt lở tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My làm một người bị thương nặng, 1 người còn mất tích. Còn trong vụ sạt lở núi làm 13 người mất tích ở huyện Phước Sơn thì các tổ công tác tỉnh và Quân khu 5 tăng cường vẫn chưa thể tiếp cận hiện trường.
Tuy đã có nhiều phương án cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích nhưng địa bàn đang có mưa to nên việc triển khai các phương án này đều rất khó khăn….
Những ngôi mộ đắp vội trên đường!
Ngày 30/10, nóc ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng) vẫn ngổn ngang cây cối, đất đá. Ngôi làng với 15 nóc nhà, 55 khẩu. Khi vụ sạt lở kinh hoàng xảy ra, chính quyền xác định 33 người còn sống, gồm cả một số người may mắn vắng nhà. Những gì còn lại gần như bị xóa sổ!
Những nạn nhân may mắn sống sót, có người mất hết cha mẹ, có người đau đớn khi con cái vẫn nằm dưới đống đất đá. Như trường hợp vợ chồng chị Trần Thị Diệu: 3 đứa con của họ đã nằm lại dưới đất bùn, cô con gái út bị thương, được mẹ đưa đi bệnh viện. Chồng chị Diệu ở hiện trường, cố gắng tìm thi thể các con.
Moi lớp bùn đá bằng đôi tay trần cùng chồng chị Diệu là anh A Rất Hiền. Em trai anh cũng được xác định là mất tích.
Trên một ngọn đồi thấp nằm gần điểm sạt lở, người dân xã Trà Leng vừa đắp xong 2 nấm mộ của ông Hồ Văn Thành và bà Hồ Thị Đức. Không có nổi một cỗ quan tài cho người xấu số, cũng không dựng nổi một ngôi mộ bằng đá theo truyền thống của người dân địa phương, người thân của ông Thành đành bất lực, ngồi đó với ánh mắt thất thần
Trường hợp nữ sinh Hồ Thị Điệp (lớp 11, trường THPT Nam Trà My) cũng quặn thắt lòng. Em được thầy cô giữ lại ở trường vì lo bão số 9 nên may mắn thoát nạn. Khi quay về nhà, người làng đã dẫn nữ sinh tới hai đống đất được phủ bạt lên trên và nói dưới đó là bố mẹ Điệp. Bà con cho biết, do có nhiều người chết nên họ đào được thi thể nào lên thì đánh dấu rồi lại chôn tại chỗ, không thể chờ em về được.
Nóc Ông Đề không có sóng điện thoại. Một số người khi nghe tin dữ quay về nhà mới biết số phận người thân của mình. Rồi cũng không còn cách nào khác, họ được dẫn ra các mộ đất nhận người thân.
Ông Nguyễn Thành Sơn, một người may mắn thoát chết nhớ lại, 2h ngày 28/10, người dân ở thôn 1, xã Trà Leng nghe thấy những tiếng nổ lớn từ trên vách đồi. Nước lũ bắt đầu đổ xuống qua khe suối Pranh. Mọi người bắt đầu lo sợ, nhưng vẫn phải trú trong nhà vì bão số 9 đang quần thảo. Ông Lê Hoàng Việt (hiện đang mất tích), ông Mười (hiện đã tìm thấy thi thể) và ông Sơn đứng dùng điện thoại ghi lại hình ảnh khe suối đổ nước ồ ạt từ trên đồi xuống. Khoảng 14h, ông Sơn nghe thấy một tiếng nổ dữ dội và trong chớp mắt, bùn đất từ trên đồi đổ thẳng xuống 15 nóc nhà bên dưới.
“Khi tôi ngoảnh lại, thôn xóm không còn gì hết. Lát sau, tôi mới thấy những tiếng kêu rất yếu. Chúng tôi kéo được vài người còn sống ra khỏi bùn đất. Đến 5h chiều, không còn tìm thêm được ai nữa”- ông Sơn nhớ lại sự việc kinh hoàng 2 ngày trước.
Ông Sơn còn sống sót nhưng vợ ông đã nằm dưới đất bùn. Tuy nhiên, ông vẫn phải tạm gạt việc tìm kiếm vợ phụ hàng xóm chôn cất ông Mười. “Kiếm hòm gỗ, vải khâm liệm lúc này không phải dễ. Chúng tôi đành chôn người thân khá đơn giản, bởi càng để càng đau đớn. Hơn nữa, chúng tôi đang dành lực tìm kiếm những người mất tích còn lại, chủ yếu đào bới bằng tay”- ông Mười nói.
Tình trạng tương tự xảy ra xã Trà Vân, huyện Nam Trà My. Với 8 thi thể được tìm thấy ngày 28 và 29/10 thì họ được chôn vội trong thời điểm mưa bão như hiện nay là điều dễ hiểu.
Cũng tại Nam Trà My, tối 29/10, một vụ sạt lở khác xảy ra tại xã Trà Mai, cũng đã làm một người bị thương nặng, 1 người còn mất tích. Việc tìm kiếm nạn nhân đã bị gián đoạn vào trưa 30/10 vì trời đổ mưa, khu vực có nguy cơ sạt lở tiếp.
Hiện trường vụ sạt lở tại xã Trà Leng |
Khó khăn tìm nạn nhân mất tích và công nhân bị cô lập
Trong ngày 30/10, theo đề nghị của Quân khu 5 và tỉnh Quảng Nam, Bộ Quốc phòng đã tăng cường lực lượng, phương tiện gồm 14 cán bộ cùng thiết bị flycam, chó nghiệp vụ để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích ở Trà Leng. Lực lượng cứu hộ đang đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm, bất kể ngày đêm vì thời tiết đang diễn biến bất lợi.
Trong khi đó, vụ sạt lở chiều 28/10 tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn đã làm 13 người bị mất liên lạc. Ngoài 11 người dân địa phương, có 2 cán bộ xã đã bị đất vùi lấp khi đang trên đường tuyên truyền, vận động người dân phòng tránh bão lũ. Lực lượng địa phương đã tìm được 5 thi thể. Tuy nhiên, do đường bị sạt lở, sông suối ngập, nước lớn chảy xiết nên lực lượng công binh chưa thể tiếp cận vị trí 8 người mất tích.
Ngoài ra, tại huyện Phước Sơn, do bão số 9 đã làm sạt lở núi và đánh sập cầu bê tông bắc qua thủy Điện Đăk Mi 2 khiến khoảng hơn 200 công nhân bị cô lập hoàn toàn. Hiện nay tuy không có thiệt hại về người nhưng lương thực, thực phẩm hạn chế nên các công nhân đang rất cần được cứu trợ.
Chiều tối 30/10, tại huyện Phước Sơn, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì họp khẩn và cho biết, việc tiếp cận xã Phước Lộc để cứu hộ, cứu nạn 8 nạn nhân mất tích và 200 công nhân bị cô lập do sạt lở đất vẫn đang khẩn trương tiến hành. Quân đội, công an cần huy động tối đa nhân lực, phương tiện khai thông những điểm sạt lở để tiếp cận hiện trường trước khi bão số 10 đổ bộ.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu