Những rưng rưng thầm lặng…

Cuộc chiến thầm lặng, những hy sinh, vất vả của nhiều “mảnh ghép” nơi tuyến đầu chống dịch.
Cuộc chiến thầm lặng, những hy sinh, vất vả của nhiều “mảnh ghép” nơi tuyến đầu chống dịch.
(PLVN) - Mỗi lần dịch bệnh bùng phát là các bác sỹ lại bước vào “trận chiến” mới. Có người không ngần ngại xung phong  vào tâm dịch cả hai đợt bùng phát. Có người hoãn cưới và nhiều y, bác sỹ đã để lại cái Tết sum họp sau lưng, ngày đêm căng mình chạy đua với dịch bệnh…

Chúng ta sớm chiến thắng đại dịch

Bác sỹ Vương Xuân Toàn, chàng bác sĩ thuộc thế hệ 9X của Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai đã hai lần xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Trước đó, bác sỹ Toàn  đã hai tháng “chiến đấu” với Covid-19 trong tâm dịch Đà Nẵng với nhiều bài học và kinh nghiệm quý giá. Vì vậy, khi được lựa chọn đến Hải Dương đợt dịch lần này, chàng bác sĩ trẻ không ngại ngần xếp quần áo vào ba lô lên đường.

Là người đã từng đồng hành cùng Đà Nẵng suốt quá trình gần 2 tháng để điều trị cho tất cả các bệnh nhân nặng, thời kỳ đỉnh điểm có đến 12 ca tại Khoa ICU, bác sĩ Toàn cho biết: “Dịch bùng phát ở Đà Nẵng và Hải Dương đều rất nhanh. Tuy nhiên, tại Đà Nẵng virus lan nhanh trong bệnh viện, đặc biệt lại là Khoa Thận nhân tạo, các bệnh nhân tử vong trong đợt dịch đó đa phần đều mắc suy thận mạn và những bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, đã có tiên lượng xấu ngay từ đầu”.

Còn ở “chiến trường” Hải Dương, bác sĩ Toàn cho rằng điều may mắn là tại ổ dịch Poyun, đa phần người mắc là công nhân đều khỏe mạnh, ít bệnh lý nền, sức đề kháng tốt, khả năng diễn biến nặng thấp hơn so với Đà Nẵng. Cùng với đó, bác sỹ Toàn chia sẻ: “Bên cạnh chúng tôi luôn có các thầy. Giám đốc bệnh viện luôn đến động viên và có chỉ đạo trực tiếp. Ngoài ra, còn nhiều thầy thuốc giỏi nhất cả nước, lãnh đạo Bộ Y tế luôn sẵn sàng hội chẩn từ xa qua truyền hình trực tuyến, giúp chúng tôi thêm vững vàng”.

Ngay sau khi tiếp nhận các ca nặng vào đêm 6/2, bác sĩ Toàn nhận thấy tiên lượng của các bệnh nhân đều tốt, bởi đây đều là đối tượng tuổi không quá cao, ít bệnh lý nền. Ngoài ra, việc phát hiện nhanh giúp các bệnh nhân được điều trị và tiếp cận với phác đồ sớm. 

Và vào đêm 29 Tết, một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, tim đập nhanh, huyết áp cao, khó thở và toàn thân tím tái. Nhận định sơ bộ tình hình, bác sĩ Toàn thấy bệnh nhân có triệu chứng giảm oxy máu thầm lặng khiến diễn biến bệnh trở nặng nhanh hơn. Ngay lập tức, bác sĩ Toàn tức tốc triển khai cho bệnh nhân thở máy. Sau khi bệnh nhân đã có đáp ứng với máy thở, ê-kíp nhanh chóng xin chỉ đạo của các chuyên gia đầu ngành. Họ đề nghị dùng tất cả các trang thiết bị vật tư có tại Bệnh viện dã chiến 2 để điều trị cho bệnh nhân.

Ngay trong đêm, ê-kíp đã tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân để loại bỏ bớt các chất độc trong máu, đồng thời bổ sung thêm thầy thuốc để theo sát bệnh nhân liên tục. Đêm trắng đó, khi bác sỹ Toàn đang điều trị theo những khuyến cáo của Bộ Y tế nhưng bệnh nhân diễn biến cực kỳ nhanh, buổi sáng chỉ có biểu hiện khó thở nhưng đến chiều, chỉ số oxy trong máu trung bình chỉ còn 60%, so với 95% của người bình thường, đây là con số vô cùng thấp. Bác sỹ Toàn và ê-kíp đã túc trực cùng bệnh nhân đến sáng sớm. Sau 6 tiếng cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch, dần ổn định và đáp ứng tốt phác đồ điều trị.

Ở tâm dịch lần này, chàng bác sĩ trẻ quê huyện Tứ Kỳ - nhà anh cách Bệnh viện Dã chiến số 2 chỉ 15km. Nếu không có Covid, không vướng bận những ca trực, chỉ 30 phút là anh có thể được ăn cơm mẹ nấu. 

Nếu bảo không nhớ nhà, nhớ người thân là không đúng. Khi vào Đà Nẵng, thời gian đầu mọi thứ chưa ổn định, bác sĩ Toàn không dám nói với bố mẹ. Sợ bố mẹ lo lắng, cho tới khi dịch bệnh ổn định, anh mới gọi về động viên gia đình: “Con ở trong này chống dịch, bố mẹ cứ an tâm vì có đồ bảo hộ an toàn, mọi người cùng chung tay sớm đẩy lùi dịch bệnh”.

Còn nhớ những buổi chiều 30 Tết mọi năm, bác sĩ Toàn vẫn cùng bố mẹ chuẩn bị cúng tất niên, rồi quây quần bên nhau xem Táo quân. Năm nay là năm đầu tiên anh ăn Tết xa nhà. Nhưng với chàng bác sỹ trẻ, hễ có dịch là lên đường và anh tin, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng.

Bác sỹ 9x Vương Xuân Toàn (Bệnh viện Bạch Mai) trong tâm dịch Hải Dương.
 Bác sỹ 9x Vương Xuân Toàn (Bệnh viện Bạch Mai) trong tâm dịch Hải Dương.

Cho một ngày mai hết dịch

2020 là năm đặc biệt với bác sỹ Đỗ Thị Băng Ngân (Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Phổi Quảng Ninh), khi chị đã bao lần hoãn cưới để lao vào “điểm nóng” chống dịch.

Khi ấy, những ngày đầu năm Canh Tý, chị và hôn phu đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh định sẵn ngày cưới. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát, chị tham gia vào công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Ninh. “Đợt dịch đầu tiên, tôi vào viện từ giữa tháng 2/2020, lúc đấy cũng không xác định thời điểm nào sẽ trở về nhà, chỉ nghĩ là cùng các đồng nghiệp đồng hành chống dịch đến khi nào các bệnh nhân khỏi bệnh mới chịu rút quân và khi tôi hết thời gian cách ly thì đã là tháng 5/2020”, bác sỹ Ngân chia sẻ.

Sau khi đợt dịch đầu tiên được kiểm soát, chưa kịp lo toan chuyện cưới xin, đợt dịch mới tại Hải Dương (tháng 8/2020) lại bùng phát, bác sỹ Ngân tiếp tục tham gia công tác chống dịch, tuy nhiên lần này chị không phải cách ly. Thế nhưng, chồng chưa cưới của chị quê ở Hải Dương nên vợ chồng chị không thể tổ chức đám cưới.

Thế rồi một lần nữa dịch bệnh lại ập tới đầu năm nay, tâm dịch lần này ở Quảng Ninh và Hải Dương, Bệnh viện Phổi nơi bác sĩ Ngân công tác trở thành cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Bác sỹ Ngân và chồng sắp cưới lại cùng nhau tham gia công tác chống dịch, người vòng trong, người vòng ngoài.

Bác sỹ Ngân chia sẻ niềm vui giản dị: “Trước đây mỗi người một khoa cứ đi làm rồi về không có thời gian trò chuyện với nhau. Lần này cùng nhau điều trị bệnh nhân Covid-19 rồi cùng ăn ở ngay trong viện, mọi người có dịp để trò chuyện và hiểu nhau hơn. Ban Giám đốc bệnh viện còn tổ chức chuyến xe cứu thương đặc biệt ngày 30 Tết chở khoảng 30 cán bộ y, bác sĩ chỉ ngồi trên xe đi một vòng thành phố ngắm không khí Tết rồi quay về viện”.

Có thể nói, với các chiến sỹ áo trắng trong tâm dịch Tết này sẽ là một cái Tết vất vả nhưng vô cùng đặc biệt, khi họ gác lại tất cả mọi riêng tư để chiến đấu với dịch bệnh. Họ đã làm việc xuyên Tết với cường độ cao, rất vất vả. Trong đó, có những gia đình, cả vợ lẫn chồng đều xung phong vào tâm dịch. “Tôi là nhân viên phụ trách môi trường, còn chồng làm kỹ thuật viên X-quang tại Trung tâm Y tế Chí Linh. Mấy ngày Tết, vợ chồng tôi đều thực hiện nhiệm vụ chống dịch. Hai con tôi, cháu lớn 5 tuổi và cháu bé chỉ mới 2 tuổi nhưng ông bà nội, ngoại đều ở xa. Chúng tôi đành phải gửi con ở nhà một người quen ăn Tết, còn 2 vợ chồng ở đơn vị chống dịch”, chị Hoàng Thị Thanh, cán bộ Trung tâm Y tế Chí Linh chia sẻ.

Cũng gác lại cái Tết sum vầy cùng gia đình để ra tuyến đầu chống dịch, câu chuyện của vợ chồng chuyên gia sinh học phân tử Nguyễn Danh Duy (SN 1977) và Phạm Bích Kiểu (SN 1980, cùng trú ở TP Hồ Chí Minh) gây xúc động cho mọi người. Bởi ngay những ngày đầu khi dịch Covid-19 bùng phát tại Chí Linh, vợ chồng anh Duy, chị Kiểu vội gửi con lại cho ông bà chăm sóc. Họ lập tức từ TP Hồ Chí Minh ra Hải Dương phối hợp với CDC Hải Dương thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm, truy vết Covid-19. Suốt  những ngày Tết, vợ chồng anh Duy, chị Kiểu sinh hoạt ngay tại CDC Hải Dương cùng một núi công việc chồng chất. Thi thoảng, họ dành khoảng thời gian hiếm hoi tranh thủ gọi điện hỏi thăm con ăn Tết rồi lại vùi mình vào công việc.

Cùng với đó, nhiều sinh viên ngành y tại Hải Dương dù đi học cả năm mong ngóng ngày Tết về với gia đình thì Tết năm nay là một cái Tết đặc biệt. Hàng trăm sinh viên đã tình nguyện ở lại tham gia công tác truy vết, chống dịch Covid-19.

Cũng từ ngày 28/1, sau khi phát hiện ổ dịch tại TP Chí Linh, lệnh phong tỏa toàn thành phố này được ban ra, những chiến sỹ công an được điều động tham gia chốt cách ly lên đường, dựng lều bạt tại những cửa ngõ ra vào thành phố, những đường làng, ngõ phố. Họ đã ăn, ngủ tại những chiếc lều bạt đó suốt gần 20 ngày qua, không thể hưởng một cái Tết sum vầy bên gia đình để thực hiện nhiệm vụ.

Mỗi ngày trôi qua, hàng trăm, hàng nghìn người thuộc các lực lượng lại được điều động tham gia nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch bất chấp đó là ngày Tết. Có những người chiều 30 Tết chưa kịp bày cỗ cúng cuối năm thì nhận lệnh ra chốt cách ly, người khác suốt những ngày Tết phải gọi điện về cho con ở nhà cúng gia tiên, còn mình thì làm nhiệm vụ ở chốt kiểm soát.

Cứ như thế, ròng rã suốt gần một tháng qua, những chuyên gia, đội ngũ y, bác sỹ, chiến sỹ công an, quân đội cùng các lực lượng khác ngày đêm làm việc không ngừng nghỉ nơi tâm dịch trong cuộc chiến khẩn cấp và thầm lặng. Cho một ngày mai sớm bình yên trở lại…

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.