Năm 2009, UBND TP.Hải Phòng và huyện Cát Hải chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải khu vực Cát Bà nhằm đảm bảo môi trường xanh cho huyện đảo du lịch. Tuy nhiên, gần 4 năm qua đi, dự án vẫn đang nằm trên....“giấy”. Còn những hộ dân khu vực này thì vẫn đang khốn khổ vì phải sống chung với... rác!
Bãi rác Đồng Trong quá tải, nằm sát khu dân cư |
Nông sản cũng bị “mang tiếng”
Với vẻ đẹp thiên nhiên ưu ái, Cát Bà được mệnh danh là “hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ”, trọng điểm du lịch của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Song, hiện nay, Cát Bà đang bị đe dọa vì tốc độ ô nhiễm môi trường tăng nhanh từng ngày.
Cách trung tâm thị trấn Cát Bà 8km, nằm kế cạnh tổ dân phố Hùng Sơn là bãi rác Đồng Trong - địa điểm tập kết rác của cả khu vực thị trấn và các vùng lân cận. Trung bình mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận 70m3 rác, ngày cao điểm có thể lên tới hơn 100m3.
Ông Hoàng Văn Sơn, Tổ trưởng tổ dân phố Hùng Sơn cho biết: “Người dân ngày ngày phải sống chung với mùi xú uế và ruồi nhặng từ bãi rác này. Mùa hè cũng như mùa đông, mùi hôi thối từ bãi rác theo chiều gió, trùm lên cả tổ dân phố. Không những thế, rau màu, nông sản của địa phương trồng ra chẳng ai mua được vì trót mang tiếng... trồng gần bãi rác, mang tiếng là sản phẩm không sạch.”
Cty công trình công cộng và dịch vụ đô thị Cát Hải là đơn vị quản lý, khai thác bãi rác Đồng Trong. Ngày ngày, các xe chở chuyên dụng của Cty thu gom rác từ các điểm trong thị trấn Cát Bà về bãi rác Đồng Trong đều phải chạy qua địa bàn tổ dân phố với chiều dài khoảng 3km, nước thải từ xe rác chảy dọc tuyến đường này cũng gây không ít khổ sở, phiền toái.
Bà Ngô Thị Lan (tổ dân phố Hùng Sơn) than thở: “Không những phải hứng chịu mùi nồng nặc từ bãi rác, nước rỉ rác còn rơi vãi dọc đường, ruồi muỗi lại được thể bu vào. Trông thật mất mỹ quan! Nếu tình trạng này không chấm dứt sớm thì khách du lịch có khi chẳng muốn quay lại Cát Bà mất!”
“Vướng” kinh phí
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Hòa – Giám đốc Cty công trình công cộng và dịch vụ Cát Hải cho biết, bãi rác Đồng Trong được đưa vào sử dụng làm nơi tập kết rác cho thị trấn Cát Bà từ năm 1997 với diện tích 10.000 m2. Theo chủ trương ban đầu, đây chỉ là địa điểm xử lý rác... tạm thời. Tuy nhiên, đã qua 15 năm nay, diện tích bãi rác vẫn y nguyên, còn khối lượng rác thải ngày càng “phình to” gấp ba gấp năm lần.
Hiện bãi rác đang ở trong tình trạng quá tải. Ông Hòa khẳng định, dù rất cố gắng để hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống người dân nhưng hiện DN cũng chỉ có thể xử lý theo phương pháp tạm thời là phun hóa chất, chôn lấp, chưa có cách nào khắc phục triệt để. Cùng với đó, các trang thiết bị phục vụ cho việc san lấp của DN đang bị xuống cấp nghiêm trọng, việc xử lý ô nhiễm vì thế gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải lo lắng: “Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng, nếu không được giải quyết từng bước một đi đến triệt để, Cát Bà sẽ “mất điểm” trong một tương lai gần. Hàng năm chính quyền chi cả tỷ đồng cho việc giải quyết số rác này nhưng hiệu quả không thấm vào đâu...”
Giải pháp trước mắt được ngành Tài nguyên- Môi trường Hải Phòng đưa ra là sớm triển khai dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải khu vực Cát Bà tại Áng Trà, xã Trân Châu, huyện Cát Hải. Chủ trương là vậy, tuy nhiên, đã qua 4 năm, mọi thứ vẫn “án binh bất động” do thiếu vốn, ngân sách eo hẹp.
Tuy nhiên, một tín hiệu mừng được ông Bùi Trung Nghĩa tiết lộ, một doanh nghiệp Hàn Quốc có tên SUNJIN đã được chọn là đơn vị tư vấn cho dự án. Hiện, với nỗ lực “chung vai sát cánh” cùng huyện đảo, DN này đang ráo riết kêu gọi vốn đầu tư của Chính Phủ Hàn Quốc để tài trợ cho dự án và kết quả ban đầu khá khả quan.
Trong khi người dân “dài cổ” chờ đợi dự án nhà máy xử lý rác thải được đưa vào hoạt động thì giải pháp trước mắt của huyện Cát Hải là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân.
Phương Thanh