Nhiều hộ dân chưa được đền bù thỏa đáng
Trong nhiều đơn cầu cứu, khiếu nại của các hộ dân, trường hợp hộ bà Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1966, ngụ khu vực 6, phường Lê Hồng Phong) là chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của gia đình bà có từ năm 1975. Đất đai do cha mẹ tạo lập, rồi để lại cho bà và em trai bà là ông Nguyễn Chí Thành. Đến năm 2004, mảnh đất này được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 12200 ngày 30/6/2004, với tổng diện tích 49m2.
Cũng trong năm 2004, UBND TP Quy Nhơn có Quyết định số 1527/2004 ngày 9/6/2004, trong đó nêu: “Nhà trong khu giải tỏa không được chia tách từng phần mà chỉ được sang nhượng toàn bộ”. Như vậy, về phần pháp lý, đến năm 2006, cha mẹ bà Hồng thực hiện đúng quy định và chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất cho ông Thành. Tuy nhiên, về phần tình cảm, mảnh đất này được cha mẹ cho hai chị em bà để xây nhà ở. Bởi cả hai đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có nơi ở nào khác ngoài mảnh đất này.
Đến năm 2009, ngôi nhà bị hư hỏng nặng nên chị em bà Hồng đã làm đơn xin sửa chữa và được UBND TP Quy Nhơn cấp giấy phép xây dựng số 736/GPXD ngày 26/6/2009. Theo đó, chị em bà đã xây hai căn nhà riêng biệt để sinh sống. Đáng chú ý, thời điểm này, hộ bà Hồng là hộ nghèo được chính quyền địa phương xác nhận cấp sổ công nhận hộ nghèo. Thế nhưng, sau khi chị em bà xây xong nhà ở, UBND phường Lê Hồng Phong đã thu lại sổ và cho hộ bà Hồng thoát nghèo.
Năm 2017, chính quyền và ngành chức năng bắt đầu đo đạc để thu hồi đất làm dự án. Theo đó, hộ ông Thành được cấp một lô đất tái định cư với diện tích 55,7m2, nhưng hộ bà Hồng không được đền bù. Và mặc dù bà Hồng đã làm đơn xin mua đất tái định cư, nhưng UBND TP Quy Nhơn không chấp thuận.
Hai ngôi nhà của chị em ông Thành vừa bị cưỡng chế mặc dù chưa được đền bù thỏa đáng. |
Một trường hợp khác là hộ bà Lê Thị Hạnh (SN 1952, ngụ khu vực 6, phường Lê Hồng Phong). Hộ bà Hạnh có đầy đủ chứng từ hợp pháp về quyền sử dụng đất, gồm: Văn tự chuyển đoạn mãi (chứng thư hợp đồng mua bán) ghi ngày 10/3/1964; Trích lục sổ kiến điền mang tên Lê Đinh và Nguyễn Thị Thơ (là ông bà nội của bà Hạnh), cấp ngày 3/12/1964, tờ bản đồ số 19, số thửa 1570, diện tích 2.051m2; Tờ khai nộp thuế đất mang tên Lê Thị Nhơn (mẹ ruột bà Hạnh) với tổng diện tích 168m2, ghi ngày 19/10/1993; Tờ khai xin đo lại diện tích đất để kê khai đóng thuế sử dụng đất đã được Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong ký ngày 12/4/2002 và được cơ quan thuế truy thu thuế sử dụng đất từ tháng 11/1999 - 12/2001 (có biên lai); Thông báo nộp thuế ngày 27/9/2012, tổng diện tích đóng thuế là 500m2, loại đất ở là đất đô thị; Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được ông Hoàng Xuân Hải - Phó Chủ tịch phường Lê Hồng Phong ký ngày 25/3/2005, mục đích sử dụng là đất ở, công trình xây dựng trên đất là nhà cấp 4.
Với hồ sơ bà Hạnh cung cấp thì theo quy định của pháp luật, hộ bà hoàn toàn được hưởng các quyền lợi về bồi thường và cấp đất tái định cư theo quy định của Nhà nước. Thế nhưng, trong khi chưa thỏa thuận được về giá đất đền bù thì UBND TP Quy Nhơn lại nhiều lần gửi thông báo đền bù theo đất nông nghiệp và thông báo cưỡng chế nhà bà Hạnh. Đến ngày 17/8, UBND TP Quy Nhơn đã cưỡng chế nhà của bà.
“Đừng o ép dân nghèo, đẩy chúng tôi vào đường cùng”
Vì hoàn cảnh quá nghèo khổ nên bà Hồng mong muốn chính quyền cấp đất tái định cư có diện tích đủ lớn (theo quy định của Nhà nước là không quá 150m2) để chị em bà chia đôi ra ở. “Với diện tích 55,7m2 thì không thể chia đôi vì quá nhỏ. Nếu không được thì chính quyền cho tôi mua một lô đất tái định cư theo giá Nhà nước quy định”, bà Hồng bộc bạch.
Ngôi nhà bà Hạnh đã bị cưỡng chế. |
Trò chuyện với chúng tôi, bà Hạnh nghẹn ngào: “Tuổi già sức yếu, lại bị bệnh tim, bây giờ nhà cũng bị cưỡng chế, khiến tôi rơi vào khó khăn, bế tắc. Điều tôi mong muốn bây giờ là chính quyền giải quyết thỏa đáng việc đền bù, chứ đừng o ép dân nghèo, đẩy chúng tôi vào đường cùng”.
Về vấn đề này, ông Hoàng Xuân Hải - Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong cho rằng, nếu hộ nào chưa được đền bù thỏa đáng, chính quyền địa phương sẽ đề xuất cấp trên xem xét, xử lý. Còn việc giải quyết thiếu sót trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đang tồn đọng trong các hộ dân còn lại thì vượt qua thẩm quyền của phường, vì cấp phường chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
PV Báo Pháp luật Việt Nam cũng đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND TP Quy Nhơn đăng ký làm việc, nhưng kết quả nhận được là sự im lặng…
Được biết, ngày 10/8, Ban Tiếp công dân tỉnh Bình Định đã chuyển đơn khiếu nại của bà Hạnh đến Thanh tra tỉnh. Đồng thời, nêu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, giao Thanh tra tỉnh kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ vụ việc, báo cáo đề xuất trước ngày 20/9/2020 cho UBND tỉnh để xem xét, giải quyết khiếu nại của công dân theo quy định.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri phường Lê Hồng Phong ngày 6/11/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: “Phải nghiên cứu kỹ lịch sử từng hộ, từng gia đình để xem xét, giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho những trường hợp khó khăn, không đẩy người dân ra khỏi xã hội”.
Với tinh thần chỉ đạo thực hiện công tác đền bù giải tỏa thỏa đáng cho dân của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thiết nghĩ UBND TP Quy Nhơn cần làm rõ những bức xúc của người dân trong vụ việc này, nhằm tránh tình trạng đền bù giải tỏa thua thiệt cho người dân, đẩy họ từ có chỗ ở ổn định thành khó khăn về nhà ở, bất ổn về đời sống.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn (Giám đốc Công ty Luật TGS, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Với hồ sơ bà Hạnh cung cấp thì theo quy định tại Điểm a, h, k Khoản 2 Điều 21 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 về việc sử dụng đất ở ổn định; quy định tại Điểm b, e, h, l Khoản 5 Điều 5 Quyết định 13/2015/QĐ-UBND ngày 7/7/2015 UBND tỉnh Bình Định về điều kiện để được bồi thường đất; quy định tại Điểm c, d Khoản 1 và Điểm a, e, h Khoản 5 Điều 5 Quyết định 04/2019/QĐ-UBND ngày 14/2/2019 của UBND tỉnh Bình Định về xét điều kiện được bồi thường, hộ bà hoàn toàn được hưởng các quyền lợi về bồi thường và cấp đất tái định cư theo quy định của Nhà nước”.