Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển công chức, viên chức của Bộ Tư pháp quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đối với công chức, viên chức của Bộ Tư pháp
Quy chế nói trên áp dụng đối với công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ bao gồm: Cục, Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đối với công chức, viên chức của Hệ thống thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định riêng.
Về tuổi bổ nhiệm, dự thảo Quy chế quy định: Tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ. Trường hợp đặc biệt, thực sự cần thiết và đơn vị chưa có phương án nhân sự khác thích hợp thì cũng phải bảo đảm tuổi công tác còn ít nhất 2/3 nhiệm kỳ (tròn 40 tháng) nhưng phải báo cáo xin ý kiến Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng.
Công chức, viên chức đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sau một thời gian công tác, nếu được xem xét để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì điều kiện về tuổi được thực hiện như quy định tuổi bổ nhiệm lần đầu.
Tuổi được tính theo Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); nếu không có Giấy khai sinh thì theo Lý lịch gốc khai khi được tuyển dụng vào cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, lực lượng vũ trang (có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền). Đối với đảng viên, trường hợp tuổi ghi trong Lý lịch cán bộ hoặc các giấy tờ liên quan khác kèm theo Hồ sơ cán bộ không trùng khớp với Hồ sơ lý lịch đảng viên gốc, thì tuổi tính theo Hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng.
Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao; không đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên; không trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật, điều tra, truy tố hoặc xét xử.
Người bị kỷ luật từ khiển trách trở lên thì không được bổ nhiệm vào các chức vụ cao hơn trong thời gian ít nhất 01 năm, kể từ khi có quyết định kỷ luật. Người bị kỷ luật cách chức thì không được bổ nhiệm vào chức vụ tương đương và cao hơn trong thời gian ít nhất 01 năm, kể từ khi có quyết định kỷ luật.
Trong quy hoạch của chức danh dự kiến bổ nhiệm; trường hợp thật đặc biệt mới chọn trong quy hoạch các chức danh tương đương. Trong Tờ trình, văn bản đề nghị bổ nhiệm cần nêu rõ về nhân sự có trong quy hoạch chức danh bổ nhiệm hay không; nếu không thì phải giải trình rõ lý do.
Bên cạnh việc quy định về tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể, dự thảo quy định trường hợp đặc biệt cần thu hút nhân tài từ nguồn bên ngoài, do đặc thù nhân sự bổ nhiệm chưa thể có đủ tiêu chuẩn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngạch công chức, viên chức theo quy định thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể để quyết định bổ nhiệm, báo cáo Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng và có trách nhiệm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu theo quy định.
Thời hạn giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho mỗi lần bổ nhiệm theo dự thảo là 05 năm, tính từ thời điểm quyết định bổ nhiệm có hiệu lực
Dự thảo Quy chế cũng quy định Quy trình bổ nhiệm Lãnh đạo cấp Phòng các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Luật, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Quy trình bổ nhiệm Lãnh đạo cấp Phòng thuộc Cục và đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ.
Dự thảo Quy chế quy định điều kiện luân chuyển. Bên cạnh đó, quy định không thực hiện luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch trong các trường hợp sau: Không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều này; công chức, viên chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật, thi hành kỷ luật hoặc đang trong giai đoạn bị điều tra, khởi tố; công chức, viên chức uy tín bị giảm sút; không đảm bảo sức khỏe để thực hiện luân chuyển; công chức, viên chức nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Công chức nam phải nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi (do vợ mất hoặc trường hợp khách quan khác) thì cũng được áp dụng như công chức nữ quy định tại điểm này.