Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ tới được xác định là tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát triển thành phố theo mô hình đa cực
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ thành phố Nam Định (diện tích 46,41 km2); huyện Mỹ Lộc (74,49 km2); 3 xã Đại An, Thành Lợi và Tân Thành của huyện Vụ Bản (26,48 km2) và 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá và Nghĩa An của huyện Nam Trực (40,6 km2), với tổng diện tích khoảng 187,99 km2.
Quy mô dân số của thành phố Nam Định đến năm 2030 khoảng 520.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 384.500 người. Đến năm 2040, dân số khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 485.000 người.
Về định hướng phát triển không gian, thành phố Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị về hướng Tây Bắc và Đông Nam theo hành lang trục quốc lộ 21B và đường vành đai 2 mới, với 3 vùng phát triển.
Cụ thể, vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố gắn với phát triển không gian đô thị hiện hữu Nam Định. Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên huyện Mỹ Lộc, với chức năng đô thị thông minh, với các trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại. Vùng phát triển phía Đông Nam với chức năng đô thị dịch vụ, du lịch, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên gắn với các dịch vụ hỗ trợ thành phố Nam Định.
Về hệ thống trung tâm, trong đó, trung tâm hành chính tỉnh cải tạo nâng cấp trên cơ sở hiện trạng. Trung tâm hành chính thành phố xây dựng mới tại Khu đô thị Thống Nhất, quy mô khoảng 1,1 ha. Trung tâm văn hóa cấp đô thị xây mới tại khu vực tại khu đô thị mới Nam sông Đào và khu đô thị mới Tây Bắc. Cải tạo và hoàn thiện mạng lưới công trình văn hóa tại các khu đô thị.
Trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng xây mới tại khu vực đô thị mới phía Tây quy mô khoảng 120 ha. Nâng cấp cải tạo các trường đại học, cao đẳng hiện hữu và khu vực phía Nam sông Đào. Cải tạo nâng cấp 14 trường trung học phổ thông hiện trạng, xây dựng mới Trường Trung học phổ thông Lê Hồng Phong và bổ sung 06 trường trung học phổ thông.
Xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh tại khu đô thị Mỹ Trung quy mô 700 giường, diện tích 9,25 ha. Xây dựng 01 trung tâm y tế cấp đô thị tại khu vực Nam sông Đào, quy mô khoảng 4 ha. Xây dựng bổ sung các trung tâm y tế theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng giai đoạn…
Sức bật từ những dự án giao thông trọng điểm
Cụ thể những mục tiêu trên, mới đây, ngày 18/9 vừa qua, UBND tỉnh Nam Định đã khởi công xây dựng tuyến đường bộ ven biển dài 65,58 km nối với tỉnh Thái Bình, Ninh Bình gần 2.700 tỷ đồng. Tuyến đường có quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, 2 làn xe cơ giới, mặt đường rộng 11m nền 12m.
Trên tuyến xây dựng mới 3 cầu, 16 cống hộp lớn, 210 cống ngang đường và 6 vị trí nút giao chính. Thời gian triển khai dự án là 45 tháng. Khi được thông tuyến, đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định sẽ kết nối với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và các tỉnh ven biển khác, hình thành trục giao thông ven biển Bắc Bộ; được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh khu vực ven biển phía Bắc.
Đại diện chủ đầu tư, ông Trần Văn Công, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nam Định cho biết: “Đây là dự án chiến lược quan trọng tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của vùng kinh tế biển nói riêng của tỉnh Nam Định và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung; đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão”.
“Dự án sẽ nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa tỉnh Nam Định và các tỉnh lân cận, kết nối với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy tối đa vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Nam Định đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ông Công thông tin.
Còn ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh, Dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như các địa phương có tuyến đường đi qua, đồng thời đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển của tỉnh, phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng, đảm bảo an ninh quốc phòng và phòng chống thiên tai.
Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công tuyến đường bộ ven biển. |
“Sở GTVT cùng các sở, ngành liên quan cần tích cực hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định; UBND huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng cùng các Sở, ngành liên quan tập trung thực hiện công tác GPMB để triển khai dự án hoàn thành đúng tiến độ bảo đảm chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư”, ông Nghị chỉ đạo.
Trước đó, một công trình quan trọng khác nằm trên tuyến đường bộ ven biển, đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định là cầu Thịnh Long do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 1.158 tỷ đồng đã được khánh thành được kỳ vọng sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Nam Định cũng như các địa phương lân cận.
Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Tiếp nối những thành công nhiệm kỳ trước, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra với chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”.
Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong tỉnh. Đại hội khẳng định quyết tâm chính trị của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy những thành tựu đã đạt được, tăng cường đoàn kết, tích cực đổi mới, nâng cao trách nhiệm, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phát huy mọi nguồn lực để đưa Nam Định phát triển nhanh và bền vững.
Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.
Nam Định khởi công tuyến đường bộ ven biển dài gần 66 km, tổng kinh phí gần 2.700 tỷ đồng. |
Đại hội sẽ thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025; tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh lãnh đạo của Đảng bộ; bầu đoàn đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định Phạm Thị Thu Hằng cho biết, Đại hội có 350 đại biểu chính thức gồm 51 đại biểu đương nhiên là các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIX và 299 đồng chí được bầu từ 15 Đảng bộ trực thuộc.
Trong đó, đại biểu nữ 43 đồng chí (chiếm 12,29%), đại biểu trẻ 38 đồng chí (chiếm 10,86%). Đại biểu có trình độ Tiến sỹ, Thạc sỹ 118 đồng chí (chiếm 33,71%), có trình độ Đại học 222 đồng chí (chiếm 66,43%). Đại biểu có tuổi Đảng cao nhất 38 năm, trẻ nhất 4 năm.