Nguyễn Xuân Sơn tham ô bao nhiêu tiền?
Chia sẻ với Báo chí, Luật sư Nguyễn Minh Tâm – Người bào chữa cho Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nói rằng, khi nghe Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án cao nhất là tử hình cho Bị cáo, ông thấy “lạnh người”.
Trước đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bị Viện kiểm sát đề nghị mức án 16-18 năm về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, án chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, án tử hình về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Do trước đây Nguyễn Xuân Sơn không chịu khai “đầu ra” của số tiền 246 tỷ đồng mà ông nhận từ Ocean Bank trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, nên ông bị cáo buộc về hành vi chiếm đoạt số tiền này. Trong số 246 tỷ đồng, theo quan điểm của Viện Kiểm sát, có 20% thuộc sở hữu Nhà nước do PVN là đại diện sở hữu. Vì vậy, Nguyễn Xuân sơ bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” số tiền 49 tỷ đồng.
Các luật sư cho rằng, con số 49 tỷ đồng là kết quả của phép tính “hoàn toàn cơ học” và không thuyết phục, bởi lẽ PVN, với tư cách là cổ đông của Ocean Bank, chỉ có quyền sở hữu đối với 20% vốn chủ sở hữu và cổ tức được chia từ Ngân hàng này, chứ không thể có phần sở hữu đối với mọi nguồn vốn mà Ocean Bank quản lý và sử dụng. Trong khi đó, số tiền 246 tỷ đồng, nằm trong số tiền 1.576 tỷ đồng mà Ocean Bank sử dụng để chi lãi ngoài và chăm sóc khách hàng, là thuộc nguồn vốn kinh doanh mà Ocean Bank huy động từ bên ngoài.
Khi luận tội Nguyễn Xuân Sơn về hành vi “Tham ô tài sản”, dường như Viện Kiểm sát đã “không phản ánh được không khí tranh luận trong thời gian qua mà chỉ bảo vệ Cáo trạng; số liệu không có gì khác, không đảm bảo nguyên tắc chứng minh hành vi phạm tội; không sử dụng những thông tin, số liệu trong quá trình xét hỏi mà chỉ sử dụng những tài liệu, chứng cứ trong quá trình điều tra và Cáo trạng” – trích lời Luật sư Nguyễn Minh Tâm.
Thật vậy, với việc bất ngờ thành khẩn tại phiên xét xử lần này về chuyện nhận tiền từ Ocean Bank và “đường đi” của số tiền đã nhận, Nguyễn Xuân Sơn đã phần nào chứng minh được việc ông không chiếm đoạt toàn bộ số tiền như cáo buộc trong Cáo trạng của Viện Kiểm sát. Cho đến khi Ninh Văn Quỳnh (Phó Tổng Giám đốc PVN) khai nhận việc hưởng lợi từ Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng, thì cũng với cách tính “hoàn toàn cơ học”, số tiền 246 tỷ mà Sơn bị cáo buộc chiếm đoạt phải trừ đi 20 tỷ đồng, còn 226 tỷ, và số tiền Sơn tham ô (nếu có) còn 45 tỷ đồng (20% của 226 tỷ), chứ không phải là 49 tỷ đồng. Lúc này, Cáo trạng của Viện Kiểm sát đã không còn phản ánh đúng các diễn biến khách quan của vụ án.
Ninh Văn Quỳnh – một cấp dưới của Nguyễn Xuân Sơn – được hưởng lợi số tiền “khủng” như vậy thì khó có thể nói rằng các “ông lớn” trong hệ thống PVN (trong bối cảnh quan hệ đặc biệt giữa PVN và Ocean Bank) lại không nhận gì từ Ocean Bank thông qua Nguyễn Xuân Sơn. Ngoài khoản chi cho Ninh Văn Quỳnh, mỗi khoản tiền khác mà Nguyễn Xuân Sơn phải chi trong số tiền 246 tỷ đồng nếu được chứng minh lại làm giảm đi số tiền mà Sơn có thể đã chiếm đoạt. Tương ứng với nó, số tiền mà Sơn tham ô nếu có (20% số tiền chiếm đoạt) cũng phải giảm theo.
Liên quan đến lời khai của Nguyễn Xuân Sơn, Cơ quan Điều tra đã khởi tố thêm bốn vụ án ngay trong thời gian Sơn đang bị xét xử. Ngày 31/8, Cơ quan Điều tra khởi tố vụ án và khởi tố năm bị can tại VPN về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngày 13/9, Cơ quan Điều tra khởi tố ba vụ án hình sự “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP); Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự; đồng thời khởi tố bổ sung vụ án hình sự và khởi tố bổ sung bị can đối với Ninh Văn Quỳnh với tội danh trên.
Theo nội dung các quyết định khởi tố thì Cơ quan Điều tra đã theo thủ tục luật định, tiến hành điều tra tiêu cực về quản lý kinh tế và hành vi chiếm đoạt mà các bị can thuộc hệ thống PVN thực hiện, bao gồm cả việc nhận tiền từ Ocean Bank thông qua Nguyễn Xuân Sơn.
Vậy thì, Nguyễn Xuân Sơn có phạm tội “Tham ô tài sản” hay không, số tiền tham ô (nếu có) là bao nhiêu, đến thời điểm này vẫn chỉ là ẩn số, vì để làm rõ Sơn đã chiếm đoạt bao nhiêu, phải chi bao nhiêu tiền “chăm sóc khách hàng” trong số 246 tỷ nhận từ Ocean Bank phải đợi kết quả giải quyết bốn vụ án liên quan nêu trên.
Trách nhiệm của Viện Kiểm sát là phải chứng minh hành vi phạm tội. Khi Viện Kiểm sát chưa làm rõ được chính xác số tiền mà Nguyễn Xuân Sơn có thể đã tham ô là bao nhiêu, chắc hẳn Hội đồng xét xử sẽ phải cân nhắc thận trọng về khả năng oan sai trước mức án tử hình được đề nghị đối với một con người.
Chứng cứ mới tại phiên tòa
Chiều 14/9, Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã đưa ra trước Tòa chứng cứ mới để bảo vệ quan điểm bào chữa cho Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, đó là văn bản thể hiện quan hệ hợp tác PVN – Ocean Bank được ký bởi người đứng đầu hai đơn vị.
Sự việc ngay lập tức trở thành tâm điểm trên các mặt báo, không chỉ vì nó liên quan đến ông Đinh La Thăng, mà còn do ý nghĩa quan trọng của văn bản này trong việc đánh giá hành vi phạm tội của Nguyễn Xuân Sơn.
Theo đó, ngày 18/9/2008, ông Đinh La Thăng - Chủ tịch HĐQT làm đại diện của PVN và ông Hà Văn Thắm - Chủ tịch HĐQT của Oceanbank làm đại diện đã ký Văn bản Thỏa thuận cam kết giữa PVN và Ocean Bank số 6934/TTTHT-Petrovietnamvà Ocean Bank. Trong đó PVN cam kết: “Hỗ trợ cho Ocean Bank về tài chính, vốn phù hợp với các quy định của pháp luật, đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc/đơn vị thành viên của PVN sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, các dịch vụ liên quan do Ocean Bank cung cấp”.
Ngày 22/6/2009, Tổng Giám đốc PVN ký Văn bản số 4566/DKVN-TCKT về việc triển khai hệ thống tài khoản mở tại Oceanbank thực hiện Công văn số 3405/DKVN-HĐQT ngày 13/5/2009 của HĐQT, nội dung yêu cầu: “Các đơn vị thành viên và các đơn vị có vốn góp của PVN, các đơn vị có vốn góp của các đơn vị thành viên tập đoàn phối hợp với Ocean Bank mở và phát triển hệ thống tài khoản thanh toán của đơn vị mình, các đơn vị thành viên, trực thuộc và các đối tác khách hàng truyền thống tại Oceanbank để tạo ra sự liên thông và hiệu quả trong quá trình thanh toán, chuyển tiền giữa PVN và các đơn vị, khách hàng được nhanh chóng và tiện lợi”.
Đến ngày 11/9/2009, Tổng Giám đốc PVN ra văn bản số 7009/DKVN-TCKT về việc sử dụng hệ thống tài khoản mở tại Oceanbank, yêu cầu các đơn vị chưa mở tài khoản tại Ocean Bank khẩn trương phối hợp với Ngân hàng để thực hiện mở và sử dụng tài khoản.
Ngày 17/9/2010, Chủ tịch HĐQT PVN lại ra Văn bản số 8436/DKVN-HĐTV gửi các đơn vị, kể cả các nhà thầu dầu khí yêu cầu phải: Thực hiện việc mở tài khoản tại Ocean Bank. Thực hiện các giao dịch qua tài khoản tại Ocean Bank. Các đơn vị khẩn trương phối hợp với Ocean Bank thực hiện việc mở và sử dụng tài khoản và báo cáo kết quả thực hiện về Tập đoàn trước ngày 15/10/2010.
Chứng cứ mới này có liên quan đến việc Nguyễn Xuân Sơn nhận tiền của Ocean Bank. Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, Nguyễn Xuân Sơn đã “lạm dụng chức vụ quyền hạn” để chiếm đoạt số tiền này, bao gồm cả số tiền “tham ô tài sản”, cụ thể là lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của Ocean Bank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo Ocean Bank phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân.
Nhưng dường như sự thật lại không phải như vậy. Chứng cứ mới của Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho thấy quan hệ đặc biệt giữa PVN – Ocean Bank đã được những lãnh đạo cao nhất xác lập về mặt pháp lý từ trước khi Nguyễn Xuân Sơn tới làm việc tại Ocean Bank. Ông Sơn, nếu có thể, chỉ là người thừa hành, là cầu nối cho sự tương tác qua lại giữa hai đơn vị.
“Từ đó có thể suy ra, ở PVN không ai có thể làm trái thỏa thuận cam kết đó để thực hiện mục đích cá nhân, kể cả Nguyễn Xuân Sơn. Tài thánh cũng không cho phép Nguyễn Xuân Sơn làm trái quy định tại văn bản này. Nguyễn Xuân Sơn có dám dùng tư cách cá nhân yêu cầu các đơn vị gửi tiền vào PVN hay không? Đương nhiên là không! Vì thế không thể quy buộc Nguyễn Xuân Sơn đã lợi dụng uy tín, vị thế và sự phụ thuộc của Ocean Bank vào nguồn tiền của PVN để gây áp lực và chi phối lãnh đạo OceanBank phải chi tiền lãi ngoài, nhằm thực hiện mục đích cá nhân” – Luật sư Nguyễn Minh Tâm nhận định.
Ở một góc độ khác, trong mối quan hệ đặc biệt với Ocean Bank thì PVN không thể không có những lợi ích gì khi đem lại những sự hỗ trợ to lớn cho đối tác. Và nếu Nguyễn Xuân Sơn dám “qua mặt” cả hệ thống, qua mặt lãnh đạo PVN để chiếm đoạt, tham ô số tiền mà Hà Văn Thắm nhờ cậy để “chăm sóc khách hàng lớn” thì sự ưu đãi của PVN dành cho Ocean Bank có lâu dài, bền chặt và không ngừng phát triển suốt giai đoạn từ 2009 đến 2014 như đã diễn ra trên thực tế hay không?
Những thông tin tưởng chừng là “vùng cấm” liên quan đến vụ án đã được phơi bày, liệu Hội đồng xét xử có xem xét để truy cứu trách nhiệm của những nhóm lợi ích, những kẻ hưởng lợi bất chính đang giấu mặt đằng sau Nguyễn Xuân Sơn? Và có phải vì vậy mà Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã khẩn thiết đề nghị: “Mong HĐXX đừng vội quy kết vì liên quan đến sinh mạng của 1 con người. Phán quyết của HĐXX rất quan trọng đến ông Nguyễn Xuân Sơn. Tôi tin rằng ông Nguyễn Xuân Sơn sẽ không tâm phục khẩu phục với quy kết này”?