Không những vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của DN khác, những đối tượng vi phạm còn có những thủ đoạn gian dối nhằm lừa dối cơ quan chức năng…
Qua hơn 30 năm trong ngành mỹ phẩm, ngày nay Cty TNHH hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727 (Cty Xuân Lan 727) đã tạo được một chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa về chất lượng cũng như mẫu mã bao bì sản phẩm và những nhãn hiệu nổi tiếng như : LE VANT, XUÂN LAN, 727, D&C, LOWANSAN727, ANGILINA, AL REHAB, SUNFLOWER …. Đến nay Cty Xuân Lan 727 đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) hàng trăm nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp (KDCN), bản quyền tác giả. Thế nhưng khi các sản phẩm của Cty Xuân Lan 727 có chỗ đứng trên thị trường thì cũng là lúc Cty phải đối đầu với nhiều đối tượng làm hàng nhái.
2 mẫu sản phẩm của Cty mỹ phẩm Bảy Hai Bảy do C ty Thành Đạt độc quyền phân phối đã xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Cty Xuân Lan 727 theo kết quả giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. |
Từ nhái kiểu dáng bao bì sản phẩm
Trong quá trình theo dõi thị trường, Cty Xuân Lan 727 đã phát hiện đối tượng chuyên bán hàng nhái sản phẩm của mình là Cty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thành Đạt (địa chỉ số 654 Cộng Hòa, P13, Q. Tân Bình, TPHCM, sau đây gọi là Cty Thành Đạt). Cơ quan giám định thuộc Viện Khoa học SHTT đã giám định và kết luận Cty Thành Đạt đã vi phạm SHTT.
Ngày 19/8/2011, Thanh tra Bộ KH&CN đã có Quyết định số 56/QĐ-TTra xử phạt Cty Thành Đạt với mức phạt 7 triệu đồng về hành vi xâm phạm quyền đối với KDCN “nhãn bột đắp mặt nạ” của Cty Xuân Lan 727 và hành vi cạnh tranh cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp khi sử dụng dấu hiệu “727” của công ty Xuân Lan dễ gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Theo đó Cty Thành Đạt đã có hành vi bán sản phẩm bột đắp mặt nạ các loại có đặc điểm tạo dáng không khác biệt đáng kể với KDCN “Nhãn bột đắp mặt nạ” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Cty Xuân Lan 727 theo Bằng độc quyền KDCN số 8121 và số 8122 (cấp ngày 23/12/2004), vi phạm điểm a Khoản 1 Điều 11 của Nghị định số 97/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
Cty Thành Đạt còn có hành vi bán sản phẩm bột đắp mặt nạ có chỉ dẫn thương mại là kiểu dáng bao bì của sản phẩm bột đắp mặt nạ tương tự gây nhầm lẫn với chỉ dẫn thương mại là kiểu dáng bao bì của sản phẩm bột đắp mặt nạ của Cty Xuân Lan 727 (tương tự về hình dáng bao đóng gói, cách trình bày, màu sắc, bố cục, tổng quan đối với người tiêu dùng), vi phạm điểm a khoản 1 Điều 14 của Nghị định số 97/2010/NĐ-CP.
Đến những hành vi gian dối
Để xây dựng được một thương hiệu mỹ phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến, Cty Xuân Lan 727 đã đầu tư nghiêm túc về chi phí , thời gian và công sức. Thế nhưng ăn theo thương hiệu có uy tín của Cty Xuân Lan 727, Cty Thành Đạt khi tung sản phẩm đưa ra thị trường đã ghi nhãn phụ lấp lửng trên sản phẩm là: “nhà sản xuất Cty mỹ phẩm 727” mà không ghi địa chỉ nhà sản xuất để người tiêu dùng dễ ngộ nhận là sản phẩm của Cty Xuân Lan 727.
Thế nhưng khi bị cơ quan Thanh tra Bộ Y tế mời lên làm việc, Giám đốc Cty Thành Đạt “chìa” ra hợp đồng phân phối độc quyền với nhà sản xuất hàng nhái là Cty TNHH mỹ phẩm Bảy Hai Bảy (địa chỉ số 06 đường Bình Quới, phường 27, Quận Bình Thạnh, TPHCM, sau đây gọi là Cty Bảy Hai Bảy). Trong thời gian Thanh tra Bộ Y tế xem xét xử lý về việc ghi nhãn không đúng quy định pháp luật hiện hành (cụ thể tên Cty là mỹ phẩm Bảy Hai Bảy bằng chữ, Cty này ghi bằng số 727), Cty Bảy Hai Bảy đã che giấu hành vi vi phạm của mình bằng cách đề nghị Sở KHĐT TPHCM thêm “cái đuôi” số 727 vào sau chữ Bảy Hai Bảy để trở thành Cty TNHH mỹ phẩm Bảy Hai Bảy.727, nhằm đối phó với thanh tra Bộ Y tế.
Chưa hết, Cty Thành Đạt và Cty Bảy Hai Bảy còn có những động thái lừa Cục SHTT và đối phó với cơ quan QLTT. Thể hiện là, khi QLTT TPHCM kiểm tra xử lý một số cửa hàng chuyên bán hàng nhái vi phạm quyền SHTT của Cty Xuân Lan 727 thì Cty Thành Đạt lại chìa ra đơn đề nghị hủy hai bằng độc quyền KDCN số 8121 và 8122 của chủ sở hữu là Cty Xuân Lan 727 cùng với công văn thông báo về việc hủy bằng của Cục SHTT. Thủ đoạn của Cty Thành Đạt là lợi dụng sự bất cập của pháp luật về SHTT đã tạo ra lý do đề nghị hủy bằng độc quyền nói trên bằng cách ngụy tạo một hợp đồng kinh tế giữa ông Ngô Văn Đức (không rõ nguồn gốc, nghề nghiệp) với Cty TNHH Dịch vụ Chiến Thắng nhằm thiết kế và in bao bì không khác nhiều so với hai bằng độc quyền KDCN số 8121 và 8122 của Cty Xuân Lan 727, hợp đồng ký từ năm 2001 (trước thời điểm Cty Xuân Lan 727 nộp đơn đăng ký hai bằng độc quyền KDCN nói trên tại Cục SHTT). Cho nên ngày 23/8/2001 Cục SHTT đã có Quyết định số 1880/QĐ-SHTT và Quyết định 1789/QĐ-SHTT giữ nguyên hiệu lực Bằng độc quyền KDCN số 8121 và 8122 của Cty Xuân Lan 727 bảo hộ kiểu dáng “Nhãn bột đắp mặt nạ”.
Tuy nhiên với hành vi gian dối như đã nói ở trên, Cty Thành Đạt đã lợi dụng thời gian chờ đợi sự kết luận trả lời của Cục SHTT đã tranh thủ tiêu thụ hết hàng nhái, hàng vi phạm quyền SHTT ra thị trường.
Từ những việc làm gian dối nói trên của Cty Thành Đạt và Cty Bảy Hai Bảy, thiết nghĩ Sở KH&ĐT TPHCM cần xem xét lại việc cấp phép bổ sung tên Cty của Cty TNHH mỹ phẩm Bảy Hai Bảy thành Cty TNHH Mỹ phẩm Bảy Hai Bảy.727. Bởi một khi phát hiện ra việc làm gian dối của Cty này nhằm đối phó với cơ quan QLTT thì không có lý do gì để nó được tồn tại với cái tên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng bởi tên 2 công ty có cùng một cái đuôi là 727 và nhãn hiệu này lại đang vi phạm quyền SHTT của Cty Xuân Lan 727.
Lại xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ
Cty Bảy Hai Bảy.727 dường như muốn xâm phạm quyền SHTT của Cty Xuân Lan 727 tới cùng. Cụ thể Cty Bảy Hai Bảy.727 đã gửi đến Cục SHTT tờ khai đăng ký nhãn hiệu gồm dấu hiệu “727 cosmetisc và hình”. Dấu hiệu này cũng đã được đơn vị này in trên sản phẩm “bột đắp mặt nạ”, trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh. Một lần nữa, Cty Xuân Lan 727 phải gửi đơn tới Thanh tra Bộ KH&CN và Cục SHTT đề nghị xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT đối với Cty Bảy Hai Bảy.727.
Theo Bản kết luận giám định số NH199-11YC/KLGĐ ngày 6/9/2011 của Viện Khoa học SHTT (Bộ KH&CN) thì dấu hiệu “727 cosmetisc và hình” mà Cty Bảy Hai Bảy.727 đăng ký nhãn hiệu là yếu tố xâm phạm quyền (theo Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung thêm Nghị định 119/2010/NĐ-CP) đối với Nhãn hiệu “BẢY HAI BẢY 727 MP XUÂN LAN và hình” dùng cho các sản phẩm nhóm 03 (gồm mỹ phẩm các loại như bột đắp mặt nạ, kem uốn lông mi cong, keo xịt tóc, kem lột nhẹ, kem thoa mặt, sữa tắm, phấn thơm) được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 71458 ngày 19/4/2006 (sau đây gọi là Nhãn hiệu) mà Cục SHTT đã cấp độc quyền cho Cty Xuân Lan 727.
Cụ thể, Dấu hiệu “727 cosmetisc và hình” (sau đây gọi là Dấu hiệu) mà Cty Bảy Hai Bảy.727 đăng ký được coi là tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ của Cty Xuân Lan 727 vễ chữ số “727”, tương tự về cấu trúc, tương tự về phần chữ, tương tự về phần hình (đều là hình elip màu xẫm nằm ngang, chỉ khác nhau ở chỗ dấu hiệu là hình elip khuyết ¼ phía trên bên phải)… Rõ ràng đây là hành vi Cty Bảy Hai Bảy.727 “ăn theo” nhãn hiệu nổi tiếng khác của Cty Xuân Lan 727 nhằm mục đích trục lợi.
Với những gì như chúng tôi đã phân tích ở trên, cho thấy Cty Thành Đạt và Cty Bảy Hai Bảy.727 đã có những hành vi xâm phạm trắng trợn quyền SHTT của Cty Xuân Lan 727, gây tổn hại trực tiếp đến lợi ích của khách hàng. Việc xử lý nghiêm khắc vụ việc này là hết sức cần thiết để thực thi bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc xây dựng thành công một thương hiệu bằng uy tín với khách hàng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế thị trường và trên hết là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.
Báo Pháp Luật Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc này và thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới.
Nhóm PVĐT