Các nhà khoa học có thể đã vô tình đạt được một bước tiến lớn trong việc tìm ra phương pháp chữa trị ung thư - và điều này đến từ một căn bệnh vô cùng nguy hiểm khác - sốt rét.
Trong quá trình tìm hiểu cách thức bảo vệ sản phụ khỏi bệnh sốt rét, một nhóm các nhà nghiên cứu người Đan Mạch đã nhận thấy rằng, các protein có trong virut sốt rét có khả năng tấn công tế bào ung thư. Sự kết hợp của protein có trong virut sốt rét với một loại độc tố có thể tạo ra loại protein có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư.
Theo các nhà nghiên cứu, các protein có trong virut sốt rét sẽ tìm kiếm các phân tử carbohydrate có trong nhau thai – giúp bào thai phát triển. Họ cũng phát hiện ra các phân tử carbohydrat với chức năng tương tự trong các khối u. Điều này có nghĩa, nếu tiêu diệt được carbohydrate, các tế bào ung thư cũng sẽ bị tiêu diệt.
Giáo sư Ali Salanti thuộc ĐH Copenhagen cho biết: "Trong hàng thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cố gắng chứng minh sự giống nhau giữa quá trình phát triển của nhau thai và sự di căn của tế bào ung thư. Nhau thai phát triển rất nhanh, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho bào thai. Tế bào ung thư cũng vậy, chúng di căn và sử dụng cạn kiệt chất dinh dưỡng của chúng ta”.
Để có được những kết quả trên, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên những con chuột. Chúng được cấy ghép ba loại ung thư khác nhau ở người. Với bệnh ung thư hạch không Hodgkin (ung thư bắt nguồn từ hệ thống bạch huyết), các khối u trong cơ thể chuột được điều trị giảm còn ¼ kích thước so với khối u ở những con chuột không được tiêm thuốc.
Với bệnh ung thư tuyến tiền liệt, hai trong số sáu cá thể chuột đã hoàn toàn khỏi bệnh ung thư sau quá trình điều trị.
Với ung thư xương di căn, năm trong số sáu cá thể chuột được điều trị vẫn còn sống sau gần tám tuần, trong khi đó, với những cá thể không được điều trị, không một con nào còn sống sót.
“Chúng tôi đã tách các protein có trong virus sốt rét và kết hợp chúng với một loại độc tố”, Mads Daugaard, chuyên gia ung thư tại Đại học của British Columbia (Canada), một trong số các nhà khoa học thuộc dự án nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, theo giáo sư Salanti, câu hỏi lớn nhất là, “liệu phương pháp này có thể ứng dụng với cơ thể con người mà không gây ra các tác dụng phụ hay không? Nhưng chúng tôi cảm thấy khá lạc quan với kết quả trong tương lai bởi các phân tử carbohydrate bị tấn công chỉ có trong bào thai và các tế bào ung thư chứ không xuất hiện ở nơi nào khác.
Trong các thử nghiệm mới nhất trên hàng ngàn tế bào ung thư ở chuột, có tới 90% tế bào của tất cả các loại ung thư đã bị tiêu diệt.
Kết quả của nghiên cứu được mô tả trong một bài viết trên tạp chí Cancer Cell. Các nhà khoa học hy vọng rằng họ có thể bắt đầu thử nghiệm những khám phá mới này ở người trong bốn năm tới.