Em bé vui mừng chào mọi người vào thời khắc 0h ngày 11/8 khi lệnh phong tỏa ở khu phố được dỡ bỏ |
Nhưng trong thịnh lặng của ngày, của đêm…, lắng sâu bên trong, Đà Nẵng vẫn cuồn cuộn sục sôi mạch ngầm của tin yêu, của kiên cường, của trách nhiệm, của sự nỗ lực gấp bội phần từ mỗi công dân thành phố.
Tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của Linh, cô bạn thân có nhà đối diện Bệnh viện Đà Nẵng. 6h ngày 28/7, điện thoại của Linh reo inh ỏi. Bắt máy chưa kịp cất lời, Linh đã nghe người cô họ dặn: Đợt này thôi cháu không phải về quê chồng làm gì, đám giỗ ông, đã có các bác, các anh, chị ngoài này lo chu toàn. Cháu giữ sức khỏe!”
Linh cũng như hàng vạn người Đà Nẵng, trong những ngày dịch Covid-19 ập đến với thành phố, đều nhận lại sự lo lắng, kèm cả ý né tránh của họ hàng nơi khác gọi báo. “Covid-19 ai cũng sợ mà”, Linh và tôi dặn lòng thế nhưng vẫn thấy buồn. Từ ngày Đà Nẵng xuất hiện các ca nhiễm, không ít những cụm từ chúng tôi nhận được “ổ dịch đấy; ai qua lại với người Đà Nẵng lo mà chuẩn bị tinh thần…”
Nhưng, bạn biết không, từ ngày Đà Nẵng đón dịch Covid-19 quay trở lại, nhóm zalo Phòng chống dịch của thành phố luôn sáng đèn. Trong ngày, hàng trăm thông tin được cập nhật từ cơ sở cùng sự điều hành sát sao của lãnh đạo thành phố, quận, huyện và các ban, ngành… cứ hối hả, thôi thúc. Tại các cơ sở khám chữa bệnh, các điểm phong tỏa, lực lượng quân đội, công an, thầy thuốc liên tục bám sát trận địa để quyết liệt thực hiện các phương án phòng, chống dịch.
Không chỉ vậy, các cuộc họp của lãnh đạo Nhà nước, các cấp, các ngành bàn cách hỗ trợ, chi viện cho Đà Nẵng liên tục diễn ra. Từ đó, tâm dịch Đà Nẵng bắt đầu đón những cái sãi bước yêu thương từ khắp nơi ngược về.
40 y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có cả giám đốc và phó giám đốc; các chuyên gia điều trị bệnh truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai; 550 giảng viên và sinh viên năm cuối Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng, Trường Đại học Y dược Huế; 400 học viên Trường Quân sự Quân khu 5; rồi cả đội bác sĩ tâm lý Bệnh viện Bạch Mai. Mới đây nhất, Đoàn y bác sĩ từ Hải Phòng, Bình Định, Huế đã đến “chia lửa” cùng Đà Nẵng với quyết tâm “khi nào hết dịch mới trở về”!
Ngược về tâm dịch của các đoàn y bác sĩ |
Hình ảnh những anh hùng áo trắng, tình nguyện viên, những đoàn xe tăng cường lực lượng hỗ trợ chống dịch, những hộp cơm nóng, chai cam tươi, cả những nhu yếu phẩm thường nhật: kem, bàn chải đánh răng, xà phòng gội… được gửi đi vội vã cho kịp nơi nhận, tô vẽ nên bức tranh đầy màu sắc mang hơi thở của cuộc sống, để hy vọng.
Khi tôi ngồi viết bài này, tại cửa ngõ thành phố hay đỉnh đèo Hải Vân, những chiếc xe chở lương thực, thiết bị y tế vẫn tấp nập đưa đến Đà Nẵng. Cùng với đó, nhiều câu chuyện cảm động đang âm thầm theo đuôi, chắc chắn sẽ ở lại dài lâu trong sự cảm phục, tri ân của người Đà Nẵng.
Dặn dò, “hãy thoải mái lên. F1, F2 hay cả F0 cùng là cách gọi, chỉ có lạc quan mới chiến thắng bệnh tật”; nhưng chúng tôi biết, chúng tôi có cả trăm mối lo. Ai đó hỏi, chúng tôi lo lắng không? Là có. Chúng tôi mệt mỏi không? Là có. Nhưng là người Đà Nẵng, đang ở tâm dịch, thay vì mệt mỏi hay lo lắng, chỉ còn lựa chọn bình tĩnh đón nhận và xử lý theo từng bước mà thành phố đã trang bị cho người dân.
Rồi câu chuyện những bác sĩ ở Bệnh viện C Đà Nẵng đàn hát cho bệnh nhân nghe, để họ thấy “không bỏ ai lại phía sau” cũng đã nói lên 1 Đà Nẵng nghĩa tình như thế.
Tự nhiên, tôi nhớ đến những lời của nhà thơ Nguyễn Phong Việt, với đại ý: Chúng ta nhớ… chúng ta… !
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đúng là con người chỉ có xu hướng nhớ người khác. Chúng ta nhớ những người chúng ta thương yêu, những người đã mất đi và cả những người vì lý do gì đó đã rời xa. Chúng ta nhớ những gì bên ngoài chúng ta nhiều hơn là ở bên trong chúng ta…
Khi dịch bệnh ập đến và “chúng ta nhớ …chúng ta”, trở thành cái ý rất hợp với Đà Nẵng hôm nay.
“Chúng ta ít nói hơn (có lẽ vì đeo khẩu trang thường xuyên), ít gặp gỡ hơn, ít tương tác trực tiếp với người thân hơn và cũng ít bước ra ngoài hơn…
Và thế là, một sáng mai nào đó ngồi một mình với tách cà phê tự pha bên bàn làm việc. Một khuya nào đó thức dậy với một nỗi niềm trống vắng không thể tả xiết. Một buổi chiều nào đó bước chân cứ quẩn quanh nơi một góc nhà quen thuộc. Giây phút ấy, thốt nhiên, chúng ta nhớ chúng ta quay quắt…”
Nhưng để được quay lại của những ngày bình thường, ngoài nổ lực đang có, Đà Nẵng cần lắm những yêu thương. Sẽ không xa đâu, ngày bình yên rồi sẽ đến, dòng sông Hàn hiền hòa xanh biếc lại hát bản tình ca níu chân người phương xa. Sẽ không xa đâu, phố biển xinh đẹp này sẽ là nơi quay về, là nơi dừng chân, để bạn lại cùng tôi ngồi thật lâu bên nhau, hít thật sâu không khí trong lành và chuyện trò về chuỗi ngày đã đi qua…