Ông Thơ cho biết, trong quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ) chưa có công trình hầm vượt sông Hàn: “Các bộ, ban, ngành T.Ư sẽ cùng với Đà Nẵng tính toán lại, qua đó tìm phương án tối ưu để trình Thủ tướng. Thủ tướng sẽ nghe báo cáo lại lần nữa. Vấn đề này cũng tùy thuộc vào việc đánh giá lại và sao cho kỹ hơn”, thông báo nêu rõ.
Theo ông Thơ, Thủ tướng không chỉ đạo “dừng dự án” mà chỉ yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành chọn phương án hợp lý và bổ sung vào quy hoạch theo đúng trình tự xây dựng cơ bản. Về nguồn vốn cho xây dựng hầm sẽ được huy động từ ngân sách và nguồn từ khai thác quỹ đất của địa phương. “Hai bờ sông Hàn sẽ có thêm một công trình nữa, dù hầm hay cầu cũng phải có. Chúng ta đang nói đến tầm nhìn cho cả 10 năm, 20 năm về sau”, ông Thơ nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 10/3, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp bàn về dự án hầm qua sông Hàn ở Đà Nẵng. Kết luận nêu rõ, TP Đà Nẵng là một trong những địa phương phát triển nhanh, khá toàn diện về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; trong tương lai phấn đấu trở thành thành phố thông minh, cạnh tranh được với các thành phố lớn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, Đà Nẵng hiện phải làm rất nhiều việc như: đầu tư phát triển khu vực phía tây thành phố; giải quyết các công việc cấp thiết (xây dựng bãi đỗ xe, xử lý rác thải, nước thải, bảo đảm an sinh xã hội...) hơn là đầu tư xây dựng công trình hầm dự kiến hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi ùn tắc giao thông có thể được giải quyết bằng nhiều giải pháp khác và nguồn lực của thành phố còn hạn chế.
Đồng thời, TP Đà Nẵng cần tham khảo kinh nghiệm từ bài học của dự án xây dựng hầm Thủ Thiêm ở TPHCM: nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện về việc đầu tư công trình hầm qua sông Hàn và phải tạo sự đồng tình của nhân dân.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TPĐà Nẵng làm việc, thống nhất với Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan làm rõ sự cần thiết của việc đầu tư xây dựng công trình hầm qua sông Hàn tại Đà Nẵng. Trường hợp cần thiết phải đầu tư thì nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
Liên quan đến dự án làm hầm chui vượt sông Hàn, ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, chắc chắn phương án làm hầm sẽ không tốt bằng cầu, nhưng hiện nay nhu cầu giao thông chưa bức xúc đến mức phải xây thêm hầm hay cầu. Hơn nữa, tất cả các dự án đề ra đều phải phân tích lý do phải làm để cho thấy tính cần thiết của một dự án, nếu không nêu ra được sẽ khó thuyết phục. “Thực sự sông Hàn khoảng cách bờ sông rất nhỏ, nên không đến mức di chuyển khó khăn, kể cả ách tắc. Còn với lý do như thành phố đã nêu, thậm chí cho tăng gấp đôi, gấp ba hiện nay cũng vẫn là quá nhỏ bé, vậy liệu có cần thiết phải lấy “dao mổ trâu để giết gà” không?”, ông Minh nói.
Đáng nói, cùng với ông Minh, nhiều ngày qua, dư luận Đà Nẵng cũng xôn xao với việc làm hầm. Theo ý kiến của một số hộ dân, với kinh phí trên 4.000 tỷ đồng các cầu khác chưa phát huy hết công suất, như cây cầu Thuận Phước chưa sử dụng hết công suất, mà từ điểm sông Hàn xuống cầu Thuận Phước không hề quá xa, thiết kế ngã ba Vân Đồn lại rất gần cầu Thuận Phước.
“Tại sao phải bỏ một số tiền lớn làm một công trình khác, mà bên cạnh một cây cầu chưa phát huy hết công suất. Trong khi đó phạm vi của TP Đà Nẵng nhỏ, khoảng cách các đường trục không lớn, các ngã tư chia cắt nhiều, bãi đậu xe chưa có. Nếu làm hầm chui qua sông Hàn với quy mô 6 làn xe (4 làn ôtô, 2 làn xe máy), khu vực nhỏ bé này sẽ có 3 cầu- hầm khủng (cầu Quay, hầm chui, cầu Thuận Phước ) phục vụ với khoảng cách chỉ 1,2 km, bình quân 1 cầu/50.000 dân”, luồng ý kiến phản ứng phân tích.