Từ bỏ những công việc đáng mơ ước…
Nguyễn Đăng Quang (SN 1978), chủ cửa hàng ăn uống mậu dịch 81 Xuân Diệu, Hà Nội vốn là một du học sinh ở Anh, theo học nghề quản lý Marketing. Khác với nhiều bạn trẻ khác, Quang chỉ đau đáu muốn được trở lại quê hương sau nhiều năm đi du học. Vừa nhận tấm bằng tại Anh, Quang trở về Việt Nam, vào TP Hồ Chí Minh làm truyền thông cho Hội đồng Anh.
Làm được vài năm Quang nhớ không gian Hà Nội, nhớ người thân nên quyết tâm nghỉ việc. Sau nhiều lần thử làm các ngành khác không thành công, Quang quyết định mở quán bar nhưng hình như không khí ồn ào của bar không hợp với tính cách của chàng trai này. Dù quán khá đông khách, phục vụ đến 80% là khách Tây nhưng Quang vẫn quyết định đóng cửa.
Quay ngoắt 180 độ, từ bar, Quang chuyển thành cửa hàng ăn uống mậu dịch với mong muốn tái hiện được một thời kỳ lịch sử khó khăn qua những đồ vật, những món ăn đậm chất Hà Nội xưa. Nhưng điều này không làm khó được chàng trai mang nhiều tính cách truyền thống. Bởi khi quyết định mở quán bar, Quang cũng đã hướng đến một mô hình bar châu Á, mang hơi hướng Việt Nam.
Tuy nhiên, chỉ đến khi mở cửa hàng ăn uống mậu dịch Quang mới tạm thấy hài lòng bởi anh tìm được sự bình yên trong những buổi họp lớp của các ông, các bác, tìm thấy được ký ức của những ngày còn bà nội khi xưa. Quang chia sẻ về những quầy mậu dịch mà anh nhớ như in thời bao cấp. Những quầy hàng giải khát treo đầy câu tuyên truyền, những khẩu hiệu cổ động, rồi nhớ những ngày xưa, bia hơi giống như trà đá bây giờ.
Anh kể, ngày xưa, mỗi lần bà nội đón anh đi học về là đều ghé qua quầy giải khát, uống một cốc bia rồi mới đứng dậy về. Còn cậu bé Quang cứ lởn vởn chạy quanh các cụ ông, cụ bà chuyện trò tranh thủ chớp nhoáng lúc chuẩn bị bữa cơm chiều. Và anh nhớ nguyên vẹn ký ức xếp hàng mua gạo, thực phẩm theo chế độ tem phiếu khi xưa.
Quang chia sẻ: “Ngày xưa, thời kỳ mua gì cũng phải xếp hàng, đi đâu cũng thấy chiếc cân đặt trước mỗi cửa hàng là đặc trưng mà lứa chúng tôi không thể quên. Ngày ấy, 5-6 tuổi đã có thể đi xếp hàng mua gạo cho bố mẹ rồi. Bọn trẻ chúng tôi nhớ lắm, cái cân to uỳnh, đặt chình ình trước mặt mỗi cô mậu dịch viên mà các cô mậu dịch viên ngày ấy cũng mang chung một khuôn mặt, lúc nào cũng khó đăm đăm… bọn chúng tôi không dám nghịch ngợm mỗi lúc xếp hàng vì sợ bị mắng”.
Thế nên khi quyết tâm mở cửa hàng, việc đầu tiên mà anh Quang làm là đi tìm mua chiếc cân, cũng phải gian nan, vất vả lắm Quang mới tìm được chiếc cân cho mình. Rồi tìm những vật dụng gia đình được làm từ vỏ máy bay, vỏ đạn ngày xưa, rồi mâm đồng, mâm gỗ, chiếc xe phượng hoàng thần thánh…
Đăng Quang kể lại việc tử bỏ nghề “hot” để mở quán ăn mậu dịch với PLVN. |
… để tái hiện không gian Hà Nội thời khó khăn
Quang cho biết, anh đặc biệt chú ý đến việc tái hiện lại không gian Hà Nội những năm 1970-1980 nên những câu chuyện mà bà nội vẫn kể mỗi khi đón anh đi học về luôn được anh nhớ đến. Nhiều khi trên đường đi bà vui lắm, chỉ cho Quang những pano khẩu hiệu thời kỳ ấy rồi giảng cho đứa cháu của mình nghe những câu chuyện xung quanh khẩu hiệu. Do đó, anh rất thích thú với việc tái hiện lại khẩu hiệu của thời xa xưa.
Thời ấy làm theo lời Bác Hồ là một khẩu hiệu được dùng nhiều nhất, thế nên, vị trí trung tâm của quán, Quang đặt tên là “Quầy thanh niên làm theo lời Bác”. Rồi những câu khẩu hiệu mà nếu không ở những ngày ấy, chẳng ai còn có thể nhớ nổi như “mỗi người phấn đấu làm ra 2 sản phẩm để chào mừng ngày bầu cử”, “ở đây có bán nước sôi”, cấm chen ngang…
Sau khi đã có không gian ưng ý, Quang nhớ đến mục tiêu mang ẩm thực Hà thành đến với bạn bè quốc tế của mình ngay khi bắt tay vào mở quán ăn mậu dịch. Do đó, những món đầu tiên mà Quang nghĩ đến là cơm cháy, canh cua, phở không người lái. Tất cả đều được tái hiện lại những vị giống đến 80-90% của ký ức. Bởi anh quan niệm, cũng cần phải thay đổi một chút cho hợp thời với khẩu vị hiện đại.
Và từ một địa chỉ phục vụ các bạn trẻ, bật nhạc sàn, địa chỉ 81 Xuân Diệu đã trở thành điểm hẹn của những cô cậu học sinh một thời hoa mộng nay tóc đã muối tiêu, gương mặt đã nhuốm màu thời gian qua những vết chân chim, da đồi mồi… bên cạnh những du khách nước ngoài tò mò khám phá ẩm thực Việt và cả những vị khách quốc tế thường xuyên sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Không chỉ vậy, quán mậu dịch cũng có vô khối người trẻ 9X, 10X đến đây để thưởng thức, để trải nghiệm không khí của quá khứ mà ông bà, cha mẹ họ đã sống.
Nhưng trong đa dạng thực khách ấy, Quang nhớ nhất đến một buổi họp lớp của một nhóm cựu học sinh cấp 2. Anh kể, anh không nhớ các ông, các bà tuổi bao nhiêu nhưng đặc biệt ấn tượng bởi họ mời được thầy cô cùng đến giao lưu và trong số đó, có những bà giáo hiện đã ở tuổi 90. Hôm ấy họ ngồi trong cửa hàng ăn uống mậu dịch cả ngày, râm ran chuyện xưa, chỉ trỏ chiếc cân, sờ nắn chiếc tivi vỏ đỏ rồi chạm vào chiếc chạn bát.
Mỗi gương mặt đều bộc lộ nhiều cảm xúc, cảm giác như họ đang cố gắng kìm giữ những giọt nước mắt… khiến những nhân viên phục vụ trong quán ăn hôm ấy cứ ngây ra cùng với những cảm xúc, câu chuyện xúc động của họ. Lại có những người đến quán ăn nhưng ăn là phụ, ngắm những đồ vật ngày xưa, đọc vanh vách tuổi đời, đặc trưng của chúng là chính. Có những Việt kiều mang quốc tịch Pháp, một tháng về Việt Nam công tác là 30 ngày qua cửa hàng mậu dịch, mỗi ngày gọi một món xưa cũ để thưởng thức, nhớ lại vị Việt Nam ngày xưa…