Nỗi đồng cảm đi tìm thân nhân
Gần một thập kỷ nay, ngôi nhà của ông Đặng Quang Huynh (SN 1958, ngụ xóm 4, xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, Nghệ An) có thêm bàn thờ nơi góc phòng để tưởng nhớ những liệt sĩ quê Nghệ An ngã xuống ở đất lửa Quảng Trị.
Cho dù những người đó ông Huynh chưa từng gặp mặt. Ông giải thích việc làm của mình là sự tưởng nhớ tri ân của một người may mắn sống sót qua chiến tranh đối với những đồng đội đã nằm lại đất mẹ vì độc lập quê hương.
Giới thiệu những bức ảnh về các ngôi mộ liệt sỹ do mình chụp lại, ông Huynh tâm sự, mỗi bức ảnh với ông là một kỷ niệm. Đó là hành trình dài trong quá trình ông quay trở lại chiến trường xưa ở Quảng Trị.
Nhớ lại những ngày chiến đấu, ông Huynh kể, đầu năm 1975 ông vào quân ngũ. Ông cùng đơn vị được lệnh vào miền Nam xây dựng cơ sở. Điều này giúp ông cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của cuộc chiến và những tổn thất, mất mát của quân và dân ta. Trong số những người ngã xuống, có cậu ruột của ông, vẫn chưa tìm thấy mộ.
Năm 1993, sau 8 năm rời quân ngũ, ông mang hơn hai triệu đồng, số tiền mà vợ chồng ông khó khăn lắm mới dành dụm được để vào lại Quảng Trị. Mục đích lớn nhất của ông cho chuyến đi là tìm lại mộ người cậu để thỏa ước nguyện của ông bà ngoại lúc còn sống, cũng là để thăm lại chiến trường xưa.
Hành trang ông mang theo trong chuyến đi ấy chỉ là chiếc ba lô với vài bộ quần áo, mấy gói mì tôm và chiếc máy ảnh cơ cũ, được một người bạn tặng. Ông đã đi hết nghĩa trang này đến nghĩa trang khác nhưng vẫn không thấy tấm bia nào khắc tên người thân của mình.
Từ Trường Sơn, Cam Lộ, Đường 9 đến Hải Lăng, Vĩnh Linh rồi Khe Sanh, Hải Trường... Đến đâu, ông cũng thấy tên tuổi liệt sỹ quê Nghệ An.
Từ đó, người cựu binh bắt đầu có ý tưởng chụp lại những tấm bia mộ ấy để về quê có cơ hội sẽ tìm đến báo cho thân nhân những người đang nằm lại nơi mảnh đất này. Ông tâm sự, trong hành trình đầu tiên, ông đã chụp được hơn 300 bức ảnh mộ liệt sỹ.
Nửa năm sau, trong hành trình tiếp theo, ông chụp thêm được 400 bức ảnh. Tổng cộng có khoảng 700 bức với trên 25 nghĩa trang khắp Quảng Trị, trong khi đó mộ người thân ông vẫn không có tin tức.
Trở về nhà, ông Huynh in tất cả những tấm ảnh đã chụp được. Tiền phim và tiền in tráng 700 bức ảnh là một khoản không nhỏ đối với gia đình ông, nhưng người cựu binh không ngần ngại. Rất may, việc làm của ông cũng được vợ con ủng hộ.
Bà Cao Thị Hải (SN 1962, vợ ông Huynh) nhớ lại, thời điểm cách đây 20 năm, gia đình bà còn khó khăn lắm. Ông Huynh xuất ngũ với chế độ bệnh binh 3, đau ốm thường xuyên, hầu như không làm được việc gì nặng.
Một mình bà phải chạy vạy đủ nghề, nuôi nấng 5 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Nhiều hôm thiếu ăn, tiền đi chợ không có, nhưng khi ông Huynh cần tiền để đi rửa ảnh các ngôi mộ liệt sỹ hay làm việc gì liên quan, bà vẫn cố lo đầy đủ. Bởi bà luôn cảm tạ việc chồng còn sống trở về là phúc phận của gia đình mình.
Những bức thư cảm ơn của thân nhân liệt sỹ gửi ông Huynh |
Hành trình đến hàng trăm gia đình liệt sĩ
Từ những tấm ảnh, ông Huynh quyết định lần theo địa chỉ được ghi trong những tấm bia mộ để tìm đến thân nhân các liệt sỹ, báo cho người nhà biết địa điểm người thân họ đang yên nghỉ.
Ông bắt đầu một hành trình mới, không kém phần vất vả với nhiều huyện ở Nghệ An như Đô Lương, Thanh Chương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu... Hàng ngày, với chiếc xe máy cũ, ông lần theo địa chỉ được ghi trên những tấm bia mộ để đưa ảnh đến cho họ.
Ông nhớ nhất lần mang bức ảnh mộ chí tìm đến một gia đình liệt sỹ. Đến nhà, sau một lúc trò chuyện, ông mới ngớ ra “liệt sỹ” vẫn còn sống, từ chiến trường trở về và đang tiếp chuyện với ông.
Thì ra trên đường hành quân, “liệt sỹ” ấy bị pháo của địch làm mất một cánh tay, đồng đội nhặt cánh tay và chôn rồi ghi tên lên mộ chí.
Về sau, đội quy tập thấy ngôi mộ có tên tuổi, quê quán nên đưa vào nghĩa trang. Cho đến một ngày ông Huynh chụp được tấm ảnh và tìm đến... Hai người cựu binh ôm chầm lấy nhau, nụ cười xen lẫn dòng nước mắt.
Chính cuộc gặp gỡ đặc biệt ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho ông trên hành trình tìm lại người thân cho những liệt sỹ nằm lại Quảng Trị. Hay cuộc gặp gỡ với người thân một liệt sỹ ở huyện Đô Lương.
Sau khi vượt qua gần 50 cây số đường rừng, ông Huynh tìm đến được địa chỉ ghi trên phần mộ. Người thân liệt sĩ này nhận được những thông tin quý giá liền bắt xe vào nghĩa trang ở Quảng Trị tìm mộ và không lâu sau đã tìm được hài cốt liệt sĩ đưa về.
Cho đến hôm nay, sau hơn 10 năm, trực tiếp tìm đến nhà, qua thư từ, nhắn tin truyền hình và bạn bè thân quen, ông Huynh đã chuyển được khoảng 450 bức ảnh. Đồng nghĩa với chừng ấy gia đình thân nhân liệt sĩ nhận được thông tin về nơi yên nghỉ con em, người nhà của mình.
Ông chia sẻ, hạnh phúc của ông là niềm vui của những gia đình tìm được mộ liệt sĩ, những cuộc điện thoại thông báo, cảm ơn. Cũng nhiều trường hợp dù đã biết được nơi an nghỉ của người thân nhưng khi ông đến, đặc biệt cầm bức ảnh ngôi mộ liệt sĩ trên tay, họ đều cảm kích, nghẹn ngào.
Rất nhiều gia đình sau khi tìm được mộ người thân đã tìm đến nhà ông Huynh cảm ơn, để tìm hiểu cuộc sống của người cựu chiến binh này.
Ông Huynh cho biết, hầu hết gia đình liệt sỹ đều trong hoàn cảnh khó khăn nên những món quà họ mang theo rất dân dã như mớ rau vườn, bó chè xanh, “sang” hơn thì chục quả cam hay trứng gà. Có người đến rồi không đủ tiền về quê, ông Huynh lại chở ra tận Quốc lộ 1A đón xe và biếu một ít tiền làm lộ phí.
Nhưng có lẽ với người cựu chiến binh ấy, món quà quý giá hơn cả là hàng trăm bức thư người thân liệt sỹ từ khắp nơi gửi về tri ân. Với ông, mỗi lần mở thư ra đọc là lại nghẹn lại vì hạnh phúc. Trong số hàng trăm bức thư ấy, ông Huynh ấn tượng với những dòng tâm tình của ông Nguyễn Văn Quảng, (ngụ xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), em trai liệt sỹ Nguyễn Văn Thư.
Bức thư có đoạn: “Vô cùng biết ơn anh Đặng Quang Huynh, cựu chiến binh có lòng nhân hậu giúp đỡ gia đình chúng tôi với tất cả sự vô tư. Và tôi được biết nhiều gia đình được anh Huynh giúp đỡ như gia đình chúng tôi. Bố tôi trước lúc qua đời có ước nguyện duy nhất là tìm được hài cốt anh Thư. Bây giờ chắc bố tôi đã được yên lòng nơi chín suối. Xin ghi ơn tấm lòng nhân hậu”.
Những bức thư này, được ông cất giữ cẩn thận, trang trọng. Nó như là động lực để ông tiếp tục thực hiện công việc của mình.
Hiện nay, dù sức yếu do tuổi tác và vết thương trái gió trở trời lại đau đớn, nhưng ông Huynh vẫn kiên trì tiếp tục hành trình của mình. Ông tâm sự, gần một tháng qua, ông phải đi bệnh viện liên tục, nhưng còn hơn 200 bức ảnh nữa, ông sẽ cố gắng gửi hết cho mọi người.
Dù mệt nhọc nhưng có thể làm được việc ý nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, đối với ông là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.