Những ngày giáp Tết Nguyên đán, người dân vẫn gay gắt việc chính quyền địa phương thu hồi đất không đúng thực tế, gây thiệt hại và ảnh hưởng đến uy tín của dân…
“Hô biến” đất ở thành đất kinh doanh
Năm 1991, ông Lương Đình Nông (trú tại Xóm Tân Phú, xã Kỳ Thọ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) mua đất cửa hàng của Hợp tác xã Kỳ Thọ (nay là chợ Chào) với giá 600.000 đồng, do ông Dương Đình Hới - kế toán (nay là Chủ tịch xã) viết phiếu thu. Sau đó, Chủ tịch xã Kỳ Thọ Phan Đồng Ngữ chỉ đạo Ban ruộng đất xã: “Toàn bộ khu vực cửa hàng Chào đã bán cho anh Nông giá 600.000 đồng để trả nợ cho chị Hòa; đề nghị đo đất cho anh Nông quản lý”. Tiếp đó, Ban ruộng đất xác nhận: Ban Quản lý nhất trí đo đúng thực tế theo sơ đồ của xã và đã bàn giao cho anh Nông.
Năm 1998, UBND huyện Kỳ Anh có quy hoạch chợ Chào. Các khu đất phía sau, ông Nông đã được đền bù hỗ trợ cấp đất nơi khác. Giáp đất ông Nông là đất của chị Cao Thị Hoài, phân biệt ranh giới là một bức tường và giữa hai gia đình chưa bao giờ xảy ra tranh chấp. Cả khu đất đều được cấp đất ở, điều này cho thấy nếu không có quy hoạch chợ Chào, cả khu vực này sẽ là đất ở. Tại một số văn bản của chính quyền cũng nêu lên một số công trình của gia đình ông Nông được xây dựng trong khoảng thời gian 1997-2000. Bởi vậy, nếu các công trình của ông Nông có từ trước khi có quy hoạch Chợ Chào, nếu có lấn chiếm thì chỉ lấn chiếm đất của gia đình chị Hoài.
Ngày 29/6/2000, UBND huyện Kỳ Anh ra Quyết định 367 giải quyết đất đai của ông Lương Đình Nông đã công nhận vùng đất của ông Nông, nhưng chỉ là cho phép xây dựng kiốt kinh doanh. Quyết định này cũng đã phân rõ ranh giới khu đất của ông Nông. Vậy nhưng, điều khó hiểu là ngày 27/10/2000, UBND huyện Kỳ Anh lại ra Quyết định 725 cưỡng chế tháo bỏ kiốt và một số công trình khác của ông Nông, sau đó tường của chợ Chào được xây sát nhà ông này.
Năm 2003, ông Nông làm đơn xin cấp đất ở cho con, UBND huyện Kỳ Anh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho anh Lương Đình Dương (con ông Nông) diện tích 123,5m2 có ranh giới đúng như Quyết định 367. Tuy nhiên, GCN này sau đó đã bị UBND huyện Kỳ Anh ra Quyết định số 100 (ngày 24/1/2008) thu hồi với lý do chỉ cấp đất kinh doanh, không cấp đất ở (Căn cứ Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007). Tuy nhiên, một cán bộ trợ giúp pháp lý cho rằng, Khoản 1 Điều 67 của Nghị định 84/2007 không thể hiện văn bản này có hiệu lực hồi tố.
Cần xem xét thấu đáo sự việc
Tìm hiểu văn bản của các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh liên quan đến vụ việc này, chúng tôi nhận thấy thực tế hiện nay không xác định ranh giới đất của gia đình anh Dương với diện tích 123,5m2.
UBND huyện Kỳ Anh cho rằng gia đình ông Nông chiếm đất chợ Chào để ra quyết định cưỡng chế, nhưng các công trình của gia đình ông Nông đều nằm trong ranh giới đã được xác định tại Điều 1 Quyết định 367: Ông Nông chỉ được phép sử dụng 123,5m2 đất để làm kiốt kinh doanh tại khu vực phía Tây Nam chợ Chào. Đông giáp đất chợ Chào dài 19m; Tây giáp chỉ giới 203 quốc lộ 1A dài 19m; Nam giáp vườn nhà ông Du dài 6,5m; Bắc giáp cổng vào chợ Chào dài 6,5m.
Với Quyết định 100 về việc thu hồi GCN của anh Dương, tại Điều 2 ghi rõ: Giao Phòng Tài nguyên & Môi trường kiểm tra cấp lại GCN cho ông Lương Đình Dương theo Quyết định số 367…. Vụ việc được đưa lên tỉnh và UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công nhận tính pháp lý và nội dung của Quyết định số 100, đồng nghĩa với việc công nhận tính pháp lý của Quyết định 367 về phân định ranh giới đất của ông Nông.
Có thể thấy, các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đều công nhận ông Nông được phép sử dụng 123,5m2 đất tính từ mốc 203 của quốc lộ 1A trở vào với chiều dài 6,5m. Tuy nhiên, nếu trừ đi mốc 203 hiện nay thì khu đất gia đình ông Nông được sử dụng chỉ chưa đến 40m2. Câu hỏi đặt ra là giả sử gia đình anh Dương xây kiốt kinh doanh theo ranh giới như đã xác định và nêu ở trên, liệu UBND huyện Kỳ Anh có ra quyết định cưỡng chế, bởi lẽ nếu có xây thì công trình cũng nằm trên đất chợ Chào?
Những dấu hiệu trên rất cần được cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh xem xét lại một cách thấu đáo, hợp tình, hợp lý, tránh khiếu kiện kéo dài.
Quang Trung