Đó là những lời bộc bạch của tập thể lớp 7B, Trường Trung học cơ sở Xuân Hòa, huyện Hòa Quảng (Cao Bằng), ghi trong Sổ cảm tưởng của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Để con, cháu hiểu thêm về lịch sử dân tộc, nhân dịp hè, bác Mai Xuân Kham ở Phú Giáo, tỉnh Bình Dương đã đưa gia đình ra thăm Thủ đô Hà Nội, trong đó có địa điểm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Theo bác Kham, qua việc tham quan và xem những hiện vật, hình ảnh đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ giúp con, cháu hiểu rõ hơn về những chiến công oanh liệt của ông, cha trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời góp phần giúp thế hệ trẻ yêu thích môn lịch sử hơn.
60 năm truyền thống
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong sáu bảo tàng Quốc gia; là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng Quân đội, được thành lập ngày 17/7/1956. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã từng bước phát triển về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và làm tốt vai trò của một thiết chế văn hoá; một bộ phận quan trọng trong hệ thống bộ máy tổ chức hoạt động công tác đảng, công tác chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bảo tàng hiện đang trưng bày và lưu giữ hàng vạn hiện vật; trong đó có nhiều hiện vật quý, đặc biệt là 4 Bảo vật Quốc gia gồm: Máy bay MIC 21 số hiệu 4324; máy bay MIC 21 số hiệu 5121; tấm bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh; xe tăng T54B số hiệu 843.
Hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu hàng nghìn hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học bổ trợ, phim tư liệu, sa bàn phản ánh lịch sử quân sự Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nội dung trưng bày tại Bảo tàng được giới thiệu theo tiến trình lịch sử như: Lịch sử Quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương - An Dương Vương đến trước năm 1930; lịch sử Quân sự Việt Nam giai đoạn 1930 -1953; chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ; lịch sử Quân sự Việt Nam giai đoạn 1954-1968; lịch sử Quân sự Việt Nam giai đoạn 1969-đầu năm 1975; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975; lịch sử Quân sự Việt Nam giai đoạn từ sau năm 1975 đến nay.
Ngoài ra, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có các phòng trưng bày như: Chuyên đề vũ khí thô sơ tự tạo Việt Nam trong chiến tranh giải phóng (1945-1975); chuyên đề Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh (1959-1975); chuyên đề Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; chuyên đề thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến và hệ thống trưng bày ngoài trời. Trong khuôn viên Bảo tàng có di tích Cột cờ Hà Nội với kiến trúc độc đáo, được xếp hạng Di tích Kiến trúc lịch sử Quốc gia năm 1990.
“Cuốn sử sống” giáo dục lịch sử, truyền thống
Hiện nay, một trong những nhiệm vụ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại hiện nay là nhiều học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên thờ ơ với lịch sử, ngại học môn lịch sử cho dù lịch sử dân tộc ta rất hào hùng.
Để góp phần khắc phục tình trạng đó, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã trăn trở nhằm tìm ra những cách thức tuyên truyền, giáo dục hiệu quả. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - chia sẻ: "Trước đây, nội dung trưng bày của Bảo tàng tập trung chủ yếu vào quá trình xây dựng, phát triển của lực lượng vũ trang từ khi có Đảng. Nay nội dung trưng bày tại Bảo tàng là toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của hoạt động quân sự từ thời Hùng Vương dựng nước đến nay.
Đặc biệt, những năm gần đây, Bảo tàng thường xuyên củng cố, nâng cấp hệ thống trưng bày cả trong nhà và ngoài trời. Từ trưng bày theo tiến trình lịch sử đến chuyên đề theo hướng trưng bày hiện đại, áp dụng cả công nghệ mới trong việc giới thiệu nội dung trưng bày bảo tàng cho khách tham quan nắm sâu sự kiện lịch sử và cập nhật kết quả nghiên cứu mới nhất. Nhờ vậy, đối tượng học sinh, sinh viên và học viên các học viện nhà trường trong Quân đội đến tham quan Bảo tàng ngày càng đông".
Bên cạnh đó, khi khách tham quan đến Bảo tàng dù đăng ký trước hay đột xuất đều được bố trí người hướng dẫn. Nội dung thuyết minh của hướng dẫn viên tùy thuộc vào đối tượng và nhu cầu nghiên cứu, học tập. Đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên, học viên, chiến sỹ mới trong lực lượng vũ trang, hàng năm, Bảo tàng liên hệ với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội để nắm bắt chương trình môn học lịch sử của các đối tượng này.
Nhiều trường hợp trước khi tổ chức tham quan Bảo tàng, nhà trường đã gửi yêu cầu, câu hỏi cho bộ phận tuyên truyền của Bảo tàng nghiên cứu trước để có bài thuyết minh sát với nội dung học tập của các em. Ngoài việc thuyết minh theo biên niên sự kiện lịch sử, hướng dẫn viên còn lồng ghép những câu chuyện lịch sử thông qua các hiện vật giúp các em dễ nắm bắt nội dung và có hứng khởi hơn khi học môn lịch sử.
Ngoài ra, Bảo tàng còn giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử, nói chuyện chuyên đề về lịch sử quân sự Việt Nam; tổ chức triển lãm chuyên đề và lưu động; xuất bản sách...
Nhờ những nỗ lực trên, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2016, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã đón và phục vụ chu đáo cho hơn 190.000 lượt khách tham quan; trong đó có trên 18.500 học sinh, sinh viên. Hầu hết khách đến tham quan bảo tàng đều có ấn tượng sâu sắc với tầm vóc lịch sử quân sự Việt Nam thông qua những hiện vật, hình ảnh đang được trưng bày, đặc biệt là sự nhiệt tình đón tiếp, giới thiệu của đội ngũ hướng dẫn viên của bảo tàng.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có vai trò và vị trí hết sức quan trọng, là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống bảo tàng Việt Nam. Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, Bảo tàng đã và đang góp tiếng nói đặc thù của mình trên mặt trận tư tưởng, văn hóa nhằm giáo dục truyền thống vẻ vang của dân tộc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.