Cuộc sống giản dị của bà cụ già nhất Việt Nam giữa lòng Hà Nội

Chứng minh thư của bà cụ Tý.
Chứng minh thư của bà cụ Tý.
(PLO) - Bà ngồi đó, mặt hướng ra khung cửa sổ nhạt nhòa nắng, không biết nắng mưa, không biết sớm tối, không biết vui buồn. Những ngày tháng miên man như nước chảy môi trôi qua một cuộc đời nay đã 115 tuổi ta, 114 tuổi tây…

Sữa bà dành để nuôi cháu

Bà ngồi như một bức tượng tạc vào khung cửa sổ cũ kỹ của ngôi nhà giữa một buổi chiều mùa xuân mưa bụi giăng mờ lối xóm. “Bức tượng” đó thoắt cái bỗng chuyển động, đầy sinh khí khi nghe thấy tiếng của người con dâu út hỏi han. “Bà có thèm ăn gì không?”. “Không”. Bà đáp gọn lỏn. Bản chất tiết kiệm của một con người từng trải qua mấy nạn đói của cả dân tộc vẫn còn tồn tại trong bà khiến cho không muốn làm phiền hà cho đám con cháu nay đã đông vào khoảng hơn 100 người.

Kể từ khi bà Nguyễn Thị Trù ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM qua đời ở tuổi 123, có lẽ bà Trần Thị Tý ở xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội là một trong những người già nhất Việt Nam. Cuộc đời dài vắt qua hai thế kỷ của bà đầy những chìm nổi nhiều hơn cả xoáy nước sông Hồng vẫn cuồn cuộn qua cái bến Chương Dương quê chồng.

Vốn gốc gác ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, bà trải qua cả thảy hai đời chồng. Người thứ nhất cay nghiệt, tệ bạc khiến bà không ở được phải chạy trốn xuống nhà một người họ hàng ở huyện Phú Xuyên. Nào có yên, người ta bủa đi tìm bà lại trốn về Từ Vân. Lại một lần nữa nhà chồng đến tìm cách bắt bà mới trốn về Chương Dương rồi gặp người chồng thứ hai để rồi sinh hạ được 9 người con nhưng chỉ dưỡng được 8 người, cả sinh năm 1930, út sinh năm 1950.

Mỗi lần đẻ là 3 tháng ròng bà chỉ ăn trường chay cơm trắng với muối nướng (rang khô trong chảo). 47 tuổi bà sinh hạ người con trai út, sau đó ít lâu người con dâu cả cũng đẻ. Nhưng rủi thay chị không thoát khỏi cửa mả để lại cho chồng một đứa trẻ còn trứng nước, đỏ hỏn, oe oe khóc suốt ngày vì chán nước cơm khát sữa mẹ. Thương cháu nội, bà vỗ về với người con út rằng: “Thôi con sang ngủ với bố không bú mẹ nữa để nhường sữa cho cháu!”. Đứa cháu nội lớn lên nhờ sữa của bà, tình cảm của bà thay cho người mẹ vắn số.

Nửa đêm vẫn… bò đi thổi cơm

Con đàn, cháu đống dù bữa nào hầu như cũng phải cơm độn nhưng ông bà bao giờ cũng rất khoa học trong việc kèm cặp chúng bằng chính tấm gương của mình chứ không bao giờ dùng roi vọt, đánh đập. Đi cày họ cũng có giấy khen, đi nhổ mạ họ cũng có giấy khen. Bà hay lam hay làm đến không thể tưởng tượng được. Làm suốt ngày không nghỉ, ăn cơm xong là đã lăn lưng ra làm cỏ vườn, cỏ ruộng rồi. Chồng bà cũng vậy. Lúc sinh thời hai người đã trên dưới 80 tuổi vẫn ngày ngày ra đồng, làm quần quật trên mười tiếng liên tục từ sáng sớm đến tối mịt, có tiếng là chịu khó vào loại nhất nhì trong xã.

Bà cụ Tý mặc bộ lễ phục lúc mừng thọ ngoài 90 tuổi.
Bà cụ Tý mặc bộ lễ phục lúc mừng thọ ngoài 90 tuổi.

Làm quần quật nhưng cuộc sống của họ lại rất giản dị, không rượu chè, nước ngọt, sữa tươi, sữa bột chỉ có cơm rau thế mà gần như không bao giờ bị ốm. Đến khi ông mất, con cháu không cho ra đồng nữa nhưng không thể cấm được cái tay, cái chân của bà làm việc. Ăn xong là bà luôn tay dọn dẹp. 7 sào vườn nhà lúc nào cũng sạch bong cỏ, lợn gà trong chuồng lúc nào cũng bóng mượt lông da. Nết ăn đã vậy, nết ở bà cũng thường dạy con cháu bằng những câu ca dao đầy thấm thía: “Bố mẹ thiếp cũng như thể bố mẹ chàng. Đôi bên tạc đá bia vàng thờ chung”. “Đừng bóc ngắn cắn dài”. “Cờ bạc là bác thằng bần. Cửa nhà bán hết sa chân vào cùm”…

Lúc 97 tuổi trong một dịp ra vườn đuổi gà chẳng may bà bị trượt ngã, hoại tử nên phải cắt mất một nửa chân. Chỉ còn chân rưỡi nhưng bà vẫn lết đi bằng tay, khi thì làm cái này, lúc lại dặn việc nọ. Lúc người con dâu út Đỗ Thị Thư muộn màng về nhà chồng khi tuổi đã xế chiều, bà đã 103 nhưng còn vẫn dặn dò nề nếp gia phong: “Con nhá, sau này mẹ mất đi con phải thu vén cửa nhà, trông nom cẩn thận không thì mất hết”.

Không biết chữ, không phải đi họp hành bao giờ nên đầu óc bà nhẹ tênh, minh mẫn lạ thường. Sau này khi đã quá 110 tuổi, tai nói to mới nghe được, mắt đã kém chỉ nhìn thấy ánh sáng mà không rõ dáng hình, không làm được nữa, suốt ngày bà ngồi trên giường, khi mỏi lại nằm nhưng giọng nói vẫn còn sang sảng đầy nội lực. Có đêm thức ngủ lẫn lộn, bà lại lần hồi sờ xoong, sờ nồi loảng xoảng. Bà vẫn thường rù rì nói chuyện với cái bóng của mình trên tường hệt như nói với chính con cháu: “Cho con gà, con vịt vào chuồng đi, trông nom cẩn thận không trộm nó bắt hết”.

Chân dung bà cụ Tý.
Chân dung bà cụ Tý.

Có những lúc bà bò đi khắp nền nhà, con dâu hỏi: “Cụ đi đâu thế này?”. Lúc thì bà đáp: “Tôi đi thổi cơm”, lúc thì bà đáp “Tôi đi làm cỏ”. Đời người có hai lần làm trẻ con, người ta thường bảo thế. Có lúc tự dưng bà khóc, có lúc lại hồn nhiên cười, nhất là những khi con cháu về đông chật sân, chật nhà, chật vườn, tiếng nói, tiếng cười cứ lao xao như cả bầy chim gáy đang nhất loạt gù.

Bởi thế, cứ một vài tháng, 5 thế hệ cả thảy hơn 100 con cháu chắt chút của bà lại về quê, tụ tập ngồi vừa đủ 30 mâm. Cháu nội của bà giờ nhiều người đã về hưu, chắt nội của bà mấy người đã làm đến phó tiến sĩ cả rồi chứ đâu còn trẻ trung gì nữa nhưng mỗi lần về đều chỉ muốn sà vào lòng. Từ lúc người con cả mất đi, bà bảo những buổi họp mặt thế tạm dừng vì “Lá vàng còn ở trên cây. Lá xanh rụng xuống còn vui thú gì?”. Mấy khóm giềng, bụi lá mơ lông trong vườn dành cho những buổi tiệc tùng quen thuộc bị đào tận gốc, trốc tận rễ.

Đã 114 tuổi nhưng răng bà mới chỉ mất có vài cái nên vẫn còn có thể ăn trầu tốt chỉ khổ nỗi nhai nhiều mỏi miệng quá nên bà cũng tự thôi. Ngày bà vẫn đều ba bữa, mỗi bữa một bát cơm với món tôm rang mặn hoặc thịt cắt nhỏ kho khô với mấy món tráng miệng khi là củ khoai lang luộc lúc lại ngô tẽ hạt. Cả đời bà không hề có cảm giác đau lưng, đau xương khớp, không nhức đầu xổ mũi nên không phải mất một viên thuốc tây nào trong khi người con dâu út là Đỗ Thị Thư thì đau luôn dù tuổi kém mẹ chồng hơn 50 năm.

Dù không còn biết no, biết đói nữa nhưng hễ mưa bà vẫn hò con cháu chạy thóc, nắng bà vẫn bảo chúng đưa ra vườn để đòi… làm cỏ. Dường như trong từng đường gân thớ thịt của bà vẫn còn nhớ những năm tháng lao động say sưa thủa nào.

Thiếp mừng đại thọ của nguyên Chủ tịch nước gửi bà cụ Tý.
Thiếp mừng đại thọ của nguyên Chủ tịch nước gửi bà cụ Tý.

Gần đến những ngày tết, bà cứ đòi ra ngõ nhất là ngày mồng một, khiêng vào thì bà bảo: “Dưới nhà em người ta làm cỗ to lắm, cho em về nhà với”. Hơn 100 năm rồi bà vẫn giữ được lối nói cổ, luôn nhún nhường tự gọi mình là em như vậy. Chỉ đến khi con cháu quây quần lại dỗ bà rằng: “Mảnh đất này là của chồng cụ, chái nhà này là của cả hai góp công sức tạo dựng lên, làm sao mà phải đi đâu?”. Bà mới chịu nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, nơi đó, dưới mái tranh nghèo, hơn một thế kỷ trước bà từng cất tiếng khóc chào đời.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.