Người phụ nữ Hà Nội 70 năm đau đáu nỗi nhớ đất mẹ
Trung tá Vũ Văn Hiệp là một trong 3 sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được cử đến Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA). Tại đây ngoài những kỷ niệm về cuộc sống đầy đau thương bất ổn của vùng đất này thì việc gặp gỡ được cụ bà Nguyễn Thị Luyến. Bà là người phụ nữ Việt Nam duy nhất sống tại thủ đô Bangui, nước Cộng hòa Trung Phi và đã 70 năm rồi lăn lộn, tần tảo nuôi con cháu ở vùng đất xa lạ ấy mà chưa một lần trở lại quê nhà.
Nhân duyên để giúp anh Hiệp gặp được cụ Luyến là nhờ cô cháu ngoại của cụ. Trong một lần vào ăn cơm trưa tại quán ăn đối diện trụ sở công tác, khi nhìn thấy hai chữ “Việt Nam” trên ngực trái của anh Hiệp, cô cháu gái đã nói về việc bà ngoại của mình cũng là một phụ nữ Việt Nam. Sau nhiều lần lỡ hẹn vì bận công tác, dịp Tết Dương lịch 2019, anh Hiệp mới có điều kiện tìm đến thăm nhà gia đình cụ Nguyễn Thị Luyến.
Bức ảnh cụ Luyến thắp hương tri ẩn tổ tiên và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp Tết cổ truyền. |
Gia đình cụ Luyến nằm trong một con ngõ gập ghềnh đất đá và bụi đất ở quận 2, thủ đô Bangui. Theo lời kể của Trung tá Hiệp, cụ Luyến ra tận cổng đón anh cùng đồng đội, sau đó vội vàng kéo cánh cổng sắt hoen gỉ và ôm chầm lấy anh Hiệp. Giống như những người mẹ già, cụ nắn vai anh Hiệp như một cách quan tâm, yêu thương, đồng thời như thể muốn chắc chắn rằng bà đang được gặp người đồng bào đầu tiên của mình sau 63 năm nơi đất khách.
Bằng chất giọng quê hương nhưng không còn nói được lưu loát và tròn rõ tiếng Việt, cụ Luyến kể rằng, cụ quê gốc là người ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Năm 1953, cụ theo một người lính lê dương về Trung Phi và sống ở Bangui từ đó đến giờ, vì một số lí do, bà chưa một lần trở về Việt Nam.
Trong suốt buổi gặp gỡ, cụ Luyến rưng rưng hỏi anh Hiệp đủ thứ chuyện về quê hương mình. Nhiều lúc bí từ để diễn tả, bà lại nói bằng tiếng Pháp, bởi từ khi sang Trung Phi bà chưa từng một lần liên lạc về Việt Nam. Cũng bởi theo bà, ở nơi này, chỉ có bà là người Việt duy nhất, do đó, bà không có cơ hội dùng tiếng mẹ đẻ giao tiếp với bất cứ ai. Bà vẫn dùng cách nói của những năm 1950, như xưng “tôi” và gọi anh Hiệp là “ông” dù bà đã 86 tuổi.
Những chiếc túi bột bánh bao của Việt Nam được cụ Luyến giữ gìn làm kỷ niệm. |
Cũng trong một dịp tới thăm cụ Luyến, Thượng tá Nguyễn Xuân Thành - Trưởng phòng tham mưu kế hoạch, nguyên sĩ quan tham mưu phái bộ gìn giữ hòa bình Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi nhớ như in niềm vui của cụ Luyến khi khoe với các anh về các món quà đậm chất Việt Nam.
Cụ cho các anh xem 1 chiếc áo và gói bánh bao hết hạn. Cụ nói đó là những món đồ Việt Nam mà cụ rất trân trọng. Bà Luyến nhờ cháu mua từ cộng đồng người Việt ở Pháp. Bánh hết hạn, áo chưa bao giờ dám mặc vì sợ hỏng mất. Bà luôn đau đáu nhớ về Việt Nam nhưng chưa có điều kiện về được.
“Kể từ đó, chúng tôi thăm hỏi bà thường xuyên hơn, cũng có những món quà nho nhỏ mang theo tặng bà như gói mì tôm, bột canh, chai nước mắm”, Thượng tá Thành chia sẻ.
Các anh cũng thường xuyên mời bà cùng con cháu tham dự những sự kiện như ngày Quốc khánh 2/9, tham gia gói bánh chưng, tổ chức Tết cổ truyền.
Tết Âm lịch năm 2017, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam ở Bangui đã mời cụ Luyến đến dự. Tuy điều kiện còn thiếu thốn, nhưng mọi người vẫn cố gắng chuẩn bị một cái Tết đầy đủ, đúng với cành đào, câu đối, phong bao lì xì đỏ, bánh chưng, nem rán. Mọi người cũng cùng nhau bày bàn thờ, mâm ngũ quả và treo ảnh Bác Hồ. Đây là lần đầu tiên sau gần 70 năm cụ Luyến được cảm nhận cái không khí Tết cổ truyền ở Việt Nam.
Thắp nén hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Nguyễn Thị Luyến xúc động nói: “Cảm ơn các cháu đã cho bà cơ hội nhớ lại những ký ức của 70 năm về trước, cho bà được đón một cái tết truyền thống của dân tộc Việt Nam ngay tại Trung Phi, điều mà trước đây bà nghĩ có lẽ đến khi qua đời cũng bao giờ có được”.
“Phụ nữ Việt bao giờ cũng hy sinh tất cả vì con”
Đó là câu nói của cụ Nguyễn Thị Luyến khi nhớ lại những ngày tháng gian khổ khi sống tại một vùng đất có nền văn hóa hoàn toàn khác lạ với Việt Nam, một mình nuôi 4 người con khôn lớn cuộc đời cụ Luyến cũng trải qua không ít nỗi thăng trầm.
Khi theo chồng về Trung Phi làm vợ, kinh tế gia đình ông gần như chẳng có gì. Có lẽ chẳng ai tại Việt Nam có thể hình dung những năm 1950, người dân nơi này còn nghèo đến mức nào nữa, bởi giờ đây Trung Phi vẫn đang là một trong những quốc gia đói nghèo và lạc hậu nhất thế giới.
Sau hơn 10 năm đưa bà về chung sống ở Bangui, chồng bà chết vì bạo bệnh. Bà ngấn lệ khi kể về nỗi gian truân khi một mình nơi đất khách tần tảo nuôi 4 đứa con thơ: “Tôi làm tất cả mọi việc có thể, ai thuê làm việc nặng nhọc cũng chẳng quản, miễn là kiếm được miếng ăn cho con. Phụ nữ châu Phi có thể bất lực ngồi nhìn con chết đói. Phụ nữ Việt bao giờ cũng hi sinh tất cả vì con”.
Người dân Trung Phi có ít khả năng tăng gia, và ngay cả đến bây giờ, theo lời kể của nhiều sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam, ít gia đình khai thác hiệu quả khu vườn họ có, phần lớn là bỏ hoang hoặc trồng những cây dễ sống như chuối, xoài. Với cụ Luyến, ngay từ hồi mới tới Trung Phi, bà đã bắt tay vào canh tác khu vườn nhà mình. Bà tập trung vào những cây trồng cho lương thực, như mùa khô thì trồng sắn, mùa mưa thì trồng ngô.
Do vậy, trong khi nhiều gia đình hàng xóm đói quanh năm, các con của bà vẫn có ngô và sắn để cầm cự. Bà bảo: “Cứ có đất, dù cằn cỗi đến mấy cũng vẫn trồng cấy được, miễn là phải cần cù, chịu khó”. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đảm đang, kiên cường dù thời chiến hay thời bình vẫn luôn như thế. Cụ Luyến là minh chứng rõ ràng nhất về tinh thần không chịu khuất phục trước hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam.
Chính nhờ thế, 4 đứa con của bà đều có thể đến trường đều đặn và họ được bà rèn đức tính cần cù, chịu khó, không quản ngại gian khó của người Việt. Kết quả là họ đều trưởng thành, trừ 1 người con trai mất sớm. 2 người con gái của bà lấy chồng và đều sang Pháp sinh sống, người con trai còn lại ở Bangui, làm cho một cơ quan của Chính phủ.
Người cháu gái bà khẳng định: “Đến giờ, bà Luyến vẫn là người “trụ cột” của gia đình, bà vẫn chỉ đạo các cháu chế biến các món ăn để kinh doanh”. Bà Luyến cười: “Người Việt ở đâu cũng sống tốt mà!”. Kinh tế của gia đình bà khá hẳn lên từ khi bà bắt đầu mở quán hàng ăn cách đây hơn 10 năm. Đồ ăn là những món ăn thuần Việt mà bà vẫn chế biến cho gia đình mình và truyền lại cho các con, rồi đến các cháu, như như rau cải xào lòng gà, cá sốt cà chua, cá kho riềng…
Món chủ đạo là nem rán. Sau 70 năm sống tại Trung Phi, cụ Luyến vẫn gọi món đặc sản này với tên tiếng Việt: Nem, mà không dùng một từ tiếng Pháp hoặc tiếng địa phương (Sango) tương đương. Điều đó vừa là giữ gìn và quảng bá nét đẹp ẩm thực Việt Nam ra thế giới đồng thời nói lên nỗi nhớ quê hương da diết của cụ Luyến.