Cuộc đời thăng trầm của ông chủ tàu cá cụt chân

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) -Cuộc đời của người đàn ông được đánh giá “lắm tài, nhiều tật” này trải qua nhiều thăng trầm. Chỉ vì một chút bất cẩn thời trai trẻ, ông phải lần lượt cắt bỏ hai chân. Cũng trong thời gian này, ông vướng vào ma túy khiến kinh tế gia đình khánh kiệt, đến mức liều thuốc cảm cho con cũng không có tiền mua.

Với quyết tâm làm lại cuộc đời, cùng với nỗi nhớ sóng, nhớ gió khơi xa, ông Xuân lê đôi chân cụt của mình lên những con tàu lớn, tiếp tục vượt sóng trùng dương. Từ hai bàn tay trắng, ông đã xây dựng được cơ ngơi cho gia đình, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Gia cảnh cùng quẫn

Khuôn mặt sạm đen, khắc khổ, đôi chân cụt lên đầu gối… nếu không giới thiệu, ít người hình dung ông Lê Văn Xuân (SN 1962, ngụ phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) hiện là chủ tàu có tiếng tại địa phương. 

Nói về cuộc đời mình, ông tâm sự: “Nếu không có biến cố lớn trong cuộc đời, có lẽ giờ đây tôi vẫn là một kẻ nô lệ của ma túy, đến nơi chui ra chui vào cũng không có, chưa nói đến cơ ngơi như thế này”. 

Không ngừng tay vá lưới, ông Xuân kể mình sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 người con tại miền biển, từ nhỏ đã quen với vị mặn chát của biển. Mười bốn tuổi, ông theo cha lên tàu ra biển đánh cá dài ngày. Bốn năm sau, khi tay lái đã vững chắc, ông được tuyển vào làm thợ máy ở Hợp tác xã tàu biển Hồng Hải. 

Nhưng tai họa ập đến trong một lần ra khơi. Năm 1986, ông Xuân giẫm phải cáp dưới thuyền, bị nhiễm trùng nặng. Dù được người thân đưa đến Bệnh viên Phong - Da liễu Quỳnh Lập điều trị nhưng bàn chân ông ngày càng bầm đen. Sáu tháng sau, khi mới ở tuổi 24, ông buộc phải cắt bỏ chân trái tới sát đầu gối. 

Từ một chàng trai khỏe mạnh từng vượt sóng to gió lớn với nhiều hoài bão, trong chốc lát, Xuân trở thành người tàn phế. Khi nỗi đau ấy chưa kịp nguôi ngoai, ông tiếp tục phát hiện chân còn lại bị viêm tắc động mạch. Chứng bệnh gây đau nhức khắp cơ thể không cách chữa trị, cũng đành cắt bỏ phần chân này.

Khi lên cơn đau quằn quại, các bác sỹ đã tiêm cho anh một loại thuốc giảm đau có chất gây nghiện tên Morphine. Sau đó mỗi lần lên cơn đau nhức, hoặc những lần đi biển đánh cá mệt nhọc, Xuân thường dùng ma túy nhằm xoa dịu nỗi đau. Cứ như vậy, anh trở thành “con nghiện” lúc nào không hay. 

Từ khi người đàn ông trụ cột trong gia đình sa vào nghiện ngập, mọi tài sản trong nhà đều lần lượt “đội nón” ra đi. Cuộc sống đói kém đến mức có lúc không đủ tiền mua liều thuốc cảm cho con. 

Ông Xuân vẫn theo tàu ra khơi cho thỏa nỗi nhớ nghề, nhớ biển
Ông Xuân vẫn theo tàu ra khơi cho thỏa nỗi nhớ nghề, nhớ biển 

Chứng kiến chồng mỗi ngày lại hủy hoại cơ thể vì ma túy, bà Hồ Thị Linh (vợ ông Xuân) nhiều lần khuyên nhủ cũng không kết quả. Tuy vậy, những lúc hết cơn thèm thuốc, nhìn cảnh vợ con nheo nhóc, ông Xuân lại tự hứa phải cai nghiện để chuộc lỗi với gia đình.

Vì không có tiền vào trung tâm, ông quyết định cai nghiện tại nhà. Ông kể, đó là những ngày tháng đau đớn, tàn tệ nhất trong đời.

“Những lúc lên cơn, tôi nói các con giẫm trên lưng để quên đi nỗi đau, có khi lại bắt vợ con trói mình lại và cấu véo khắp nơi trên cơ thể. Cũng có khi vì không chịu đựng được sự dày vò của ma túy, tôi bắt vợ cấu thật mạnh vào người…”, ông nhớ lại. 

Trong hành trình đoạn tuyệt với “chất chết trắng”, không ít lần trong cơn “vật”, ông đã phá được cuộc dây quanh mình, hất tung đồ đạc vỡ loảng choảng để tìm thuốc, thậm chí đánh cả người thân.

Để đến khi tỉnh lại, ông lại không ngừng hối hận về hành động của mình. Nhìn vợ ngày càng tiều tụy, ông quyết tâm từ bỏ ma túy. Và người đàn ông này đã cai nghiện thành công trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Gượng dậy khi gia tài khánh kiệt và đôi chân không còn lành lặn, ông thấy mình có lỗi với vợ con. Quyết tâm làm lại từ đầu, ông mang sổ đỏ của gia đình đi cầm vay 85 triệu đồng để ra khơi.

Thấy người đàn ông cụt hai chân mà sắm tàu đi biển, nhiều người ngạc nhiên, có người cười giễu. Một người lành lặn khỏe mạnh đã rất vất vả để bám trụ với nghề biển, huống chi một người nhỏ bé tật nguyền, đi đâu cũng phải nhờ vợ cõng, con bế thì làm được gì giữa muôn trùng sóng bể?

Bỏ ngoài tai những lời bàn tán ngờ vực, chỉ sau 3 năm bám biển, với sự chịu khó cộng với kinh nghiệm một thời, ông Xuân đã trả hết nợ. Kinh tế gia đình bắt đầu có đồng ra đồng vào. 

Nhưng, tới năm thứ tư thì ông nghiện trở lại. Những cơn thèm thuốc triền miên khiến người đàn ông này thường xuyên bỏ bê công việc.

Hút hít một thời gian, tất cả vốn liếng hai vợ chồng gầy dựng lại tích góp được đã lần lượt ra đi. Khi tiêu hết tiền mặt trong nhà, ông Xuân còn bán tháo tàu, lưới với giá bèo. Cuộc sống túng thiếu lại tái diễn trong gia đình này.

Khao khát vươn khơi

Ông Xuân tâm sự, trong khoảng thời gian làm bạn với “nàng tiên nâu”, ông vẫn khao khát được vươn khơi bám biển. Vậy nên đầu năm 2000, ông cùng người em trai thứ sáu hùn vốn đầu tư sắm con tàu với giá 100 triệu đồng. Có tàu mới, ông lại có thêm động lực làm việc. 

Công việc thuận lợi khi những lần thuyền ông ra khơi đều trúng cá. Nhưng trong một lần ra khơi, người em của ông đã gặp nạn không trở về.

“Hôm ấy, bất chợt trời nổi sóng to, gió lớn lắm. Tôi cầm tay lái để tránh các đợt sóng cao. Em trai tôi đang đứng ở mạn tàu bị gió đẩy xuống biển. Vì tính mạng của những anh em khác trên tàu, tôi đành bất lực nhìn em mình bị sóng cuốn trôi”, ông Xuân buồn rầu nhớ lại. 

Cái chết thương tâm của người em ngay trước mắt đã ám ảnh tâm lý ông Xuân suốt thời gian dài. Càng nghĩ đến sự mất mát lớn của gia đình, ông càng thấy mình là kẻ không ra gì khi hết lần này đến lần khác vướng vào ma túy.

Sau nhiều đêm trằn trọc, năm 2002, ông lại một lần nữa đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, tự dặn mình phải chăm chỉ làm việc thêm cả phần người em xấu số. 

Ông Xuân lao vào công việc đánh bắt hải sản. Dù không lành lặn như những người khác nhưng ông không hề thua kém những ngư dân lành nghề. Chứng kiến ông làm việc quần quật, người dân địa phương từ chỗ ngờ vực đã dần nể phục. 

Nhờ nỗ lực không ngừng, năm 2006, sau thời gian tích góp được số vốn kha khá, ông Xuân bán tàu cũ, sắm con tàu mới với công suất 200 mã lực, giá 1,7 tỷ đồng để ra khơi, dù đôi chân tàn tật thường xuyên bị tê dại vì đau đớn.

Ông Xuân vẫn theo tàu ra khơi cho thỏa nỗi nhớ nghề, nhớ biển
Ông Xuân vẫn theo tàu ra khơi cho thỏa nỗi nhớ nghề, nhớ biển 

Ông chia sẻ, trung bình mỗi năm, tàu của ông ra khơi từ 20-25 chuyến. Không những trang trải hết nợ nần, xây được nhà cửa khang trang, ông chủ tàu tật nguyền này còn tạo việc làm thường xuyên cho 14 thuyền viên với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ. 

Hình ảnh quen thuộc ông Xuân để lại mỗi lần ra khơi chính là bóng vợ chồng ông trên con đường đất lầy lội. Mấy chục năm kể từ khi chồng mất đi đôi bàn chân, vợ ông đã thay đôi chân cõng chồng ra biển.

“Người ta lành lặn đi biển còn lo, huống chi chồng tui có cái chân cụt thế kia. Tui sợ thiên tai một thì sợ chồng ốm đau trên tàu mười”, vợ ông Xuân tâm sự. Mỗi lúc trái gió trở trời, bà lại phải ra Hà Nội lấy thuốc cho chồng. 

Ngồi cạnh vợ, ông Xuân dõi ánh mắt ra xa, tâm sự: “Đời người đi biển chông chênh như sóng nước. Tôi bệnh tật, gia cảnh cũng nhiều lúc biến động lắm”.

Chỉ tay vào chiếc tủ kính hoen màu thời gian, trong đó có ảnh cô con gái được đóng khung trang trọng, ông trầm giọng: “Khi nhà có của ăn của để thì con gái tôi đi làm trong Nam chẳng may bị tai nạn qua đời…”. 

“Nhìn chồng tàn tật nhưng vẫn lên thuyền đi đánh cá, tôi không biết làm gì ngoài lời động viên. Cứ mỗi lần anh ấy ra khơi là ở nhà lòng tôi như lửa đốt, vì lo lắng cho sự an nguy của chồng. Chỉ đến khi tàu cập bến, thấy hình dáng nhỏ con lấp ló của anh ấy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, vợ ông Xuân tâm sự. 

Thương chồng quanh năm vất vả ngoài biển, bà từng muốn thuê người làm tất cả công việc trên tàu nhưng ông nhất quyết không nghe. Ông nói, muốn ra khơi vì nhớ sóng, nhớ gió, vì muốn hít hà vị mặn của biển.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.