Theo quan niệm dân gian, mỗi năm sẽ có các vị thần khác nhau về cai quản hạ giới. Hết năm, các vị thần sẽ bàn giao cho những vị thần mới tới cai quản. Bởi vậy, để "tống cựu nghênh tân" (tiễn thần cũ, đón thần mới), các gia đình thường chuẩn bị 2 mâm cỗ: Một mâm cỗ trong nhà cúng tổ tiên và một mâm cỗ ngoài trời cúng các vị thần.
Vào thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ, nên thực hiện cỗ cúng ngoài trời trước rồi mới tới trong nhà. Mâm cỗ cúng Giao thừa đã là lễ nghi truyền thống từ xưa đến nay. Ai cũng quan niệm thời khắc năm cũ đi qua và năm mới đến là thời khắc hết sức thiêng liêng nên nhà nhà người người đều cầu mong bình an. Cỗ cúng trong nhà cũng là cúng tổ tiên, ông bà còn mâm cỗ ngoài trời là cúng trời, Phật.
Bao giờ cũng phải khấn ngoài trời, khấn Phật và các quan trước, xin trời Phật phù hộ, cầu dân an quốc thái, cầu cho sức khỏe gia đình bình an sau đó mới lễ trong nhà. Nếu lễ trong nhà trước là quan niệm không đúng lắm vì cao nhất là trời Phật rồi mới đến ông bà, tổ tiên nhà mình.
Về thời điểm tiến hành nghi lễ cúng Giao thừa ngoài trời thường sẽ đúng giờ tý tức 12 giờ đêm 30 tháng Chạp. Sau đó, trở vào để cúng ông bà tổ tiên nhà mình.
Về những món ăn bày biện trên mâm cỗ cúng là điều không bắt buộc mà nên "tùy tiền biện lễ", quan trọng là cái tâm, khả năng bao nhiêu bày lễ bấy nhiêu miễn là có tâm.
Tuy nhiên, vẫn có những món đồ đã trở thành truyền thống, hầu như được các gia đình sử dụng sẽ là cặp bánh chưng, đĩa xôi gấc và bát canh măng, một vài món chay thanh tịnh.
Khi cúng Giao thừa trong nhà, tất cả thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong năm mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt.