"Buồn cũng đui, vui cũng mù"
Năm 1972, trong một trận chiến đấu ác liệt ở Quảng Trị, ông bị thương nặng do đạn pháo. Tuy không đến nỗi mất mạng nhưng vụ nổ đã cướp đi đôi mắt khiến ông bị mù vĩnh viễn.
28 tuổi - độ tuổi thanh niên đang tràn trề sức sống, "cú đánh oan nghiệt" tưởng đã làm ông gục ngã. Ông trở về quê hương với bộ dạng tàn phế, ngay cả việc đơn giản là bưng ly nước uống, ông cũng phải tập lại từ đầu. Nhưng may mắn có người vợ hiền động viên, giúp đỡ và may mắn hơn nữa là ông nhận ra rằng mình phải chiến thắng bản thân.
“Giai đoạn đầu cũng khó khăn lắm nhưng rồi tôi nghĩ buồn cũng đui mà vui cũng mù. Thế thì tôi phải chọn cái vui chứ, chọn cái buồn làm chi. Vui vẻ chấp nhận nó, chung sống với nó nên tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc lắm. Hơn nữa, tôi thấy mình bị mất đôi mắt nhưng đôi tay, đôi chân hãy còn khỏe mạnh, “không có cái mình yêu thì hãy yêu cái mình có”. Tôi nhìn xuống chứ không nhìn lên, cuộc sống xung quanh còn bao nhiêu người cực khổ hơn mình, mình chia sớt với họ thì bản thân mình cũng thấy vui, thấy thanh thản” - ông Hợp tâm sự.
Lúc thanh niên, ông Hợp đã là người không ngại ngần trong mỗi công việc của hàng xóm, láng giềng. Bây giờ bị mù rồi không nhìn thấy, không làm được những công việc nặng nhọc thì ông lấy nghề gia truyền của bản thân là châm cứu, bốc thuốc nam miễn phí giúp mọi người.
Ngay từ năm 1977, đôi chân của ông đã có mặt ở khắp nơi, từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho đến các tỉnh miền Đông Nam bộ để châm cứu từ thiện. Ròng rã suốt 17 năm không quản nắng mưa, đi lại khó khăn, có hàng nghìn người bệnh đã được ông châm cứu miễn phí trước khi bàn giao lại công việc này cho một nhóm thiện nguyện.
Biết ông có tấm lòng từ thiện nên bạn bè cứ nghe thấy ở đâu có khó khăn là lại “radio bằng miệng” đến ông. Có lần nghe người bạn kể nhiều bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng không có tiền mua cơm, cháo đến bữa ăn phải nhịn đói, ông bèn liên hệ với bệnh viện đặt vấn đề nấu cháo phát miễn phí. Nhờ vậy mà bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Sóc Trăng đã ra đời được gần chục năm nay. 300 phần cháo mỗi sáng, hàng trăm suất cơm chay mỗi trưa, chiều đã giúp bao gia đình nghèo vơi đi gánh nặng khi có người thân nằm viện.
Mảnh đất miền Tây thừa phèn, thừa mặn nhưng lại thiếu nước ngọt, biết nhiều địa phương người dân không có nước sạch dùng, thế là ông lại khăn gói lên Sài Gòn tìm bạn bè làm ăn khá giả vận động chi phí khoan giếng bơm tay cho hàng trăm hộ dân ở Sóc Trăng, Bạc Liêu. Lúc rảnh tay ở nhà, ông vò bột nghệ thành viên cho những bệnh nhân đau bao tử mà không có tiền mua thuốc.
Ăn chay, bớt gạo... giúp người nghèo
|
Ông Út Hợp tặng kính cho bà con nghèo ở Vĩnh Châu |
Những năm bao cấp là những năm cực kỳ khó khăn, ông lại bị mù lòa không giúp đỡ được gia đình nhiều nên mọi chi tiêu đều phải trông vào đồng lương giáo viên “ba cọc ba đồng” của người vợ. Vậy mà ông vẫn có tiền để giúp đỡ mọi người.
Hỏi ông có “bí quyết” gì, ông cười bảo: “Tôi ăn uống dễ lắm, ăn cái gì cũng được, người ta ăn thịt, ăn cá mới tốn kém, còn tôi ăn chay trường, rau cỏ thì có đáng bao nhiêu. Cả nhà tôi cũng ăn chay, nhờ đó mà có tiền cho con cái ăn học đàng hoàng, nhờ đó mà vẫn dư được chút ít để giúp bà con nghèo”.
Từ ngày con cái lớn có công việc ra ở riêng, ông Hợp lại càng có điều kiện để đi làm từ thiện. Căn hộ nhỏ ít khi có ông chủ ở nhà bởi ông thường xuyên đón xe ôm rong ruổi khắp nơi để làm việc thiện. Vừa rồi, ông tham gia đóng góp vào cuộc vận động “mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” cụ thể, giúp hàng tháng 100.000đồng/ em cho 5 học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Ông chia sẻ: “Có gia đình ở trên Sài Gòn nghèo quá tính cho con nghỉ học, tôi đến tận nơi động viên bảo phải cố gắng cho con ăn học bởi gia tài mà ba mẹ để lại không phải là tiền bạc mà là tri thức, là nghề nghiệp”.
Nghe báo đài đưa tin ở Vĩnh Châu (Sóc Trăng) có nhiều gia đình sống bằng nghề trồng hành tím, đôi mắt của các nông dân bị nhiễm bột thuốc trừ sâu nên nhiều người bị mù cả hai mắt, nghĩ bản thân mình bị mù trong chiến tranh đã đành, còn giờ là thời bình lại có những người bị mù vì lý do không đáng có thì thật tội nghiệp, ngay lập tức ông nhấc máy gọi điện cho người bạn thân làm bác sĩ ở Mỹ để hỏi thêm cách phòng tránh và được bạn gửi về cho 1.000 cặp kính bảo hộ lao động. Nhiệm vụ của ông Hợp là đến tận nơi trao kính cho bà con.
Nghe radio về trường hợp của một người mẹ ở Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh đang phải một mình nuôi 4 đứa con ăn học; chị này lại bị bệnh ung bướu, từ vùng quê nghèo lên Sài Gòn lập nghiệp thấm thoắt đến nay đã gần 20 năm, bươn chải đủ mọi nghề để kiếm sống nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn, cơ cực; cuộc sống quá nghèo khổ nên chồng chị đã bỏ 5 mẹ con chị ra đi không một lời từ biệt, ghi nhớ số phận người phụ nữ bất hạnh trong đầu, ông Hợp lại âm thầm lặn lội đón xe từ Sóc Trăng lên TP.HCM giúp đỡ.
Đi càng nhiều, càng thấy nhiều hoàn cảnh éo le, thương tâm cần giúp đỡ, ông Hợp đặt ra cho mình một lối sống không bao giờ được tiêu xài hoang phí, cũng không đòi hỏi được thụ hưởng cái này, cái kia mà tiết kiệm hết mức, dư được cái gì, có được cái gì là mang giúp mọi người cái nấy.
Cho đến nay, không chỉ gia đình ông mà cả các con mỗi tháng đều dành ra một ít gạo để giúp đỡ người khác. Mỗi tháng giúp cho 20, 30 người mỗi người cũng được 10 ký gạo, chủ yếu là những người già mất sức lao động, người mù, tàn tật...
Ông Hợp cũng không nhớ hết bao nhiêu cảnh đời mình đã đến thăm, nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất là có người được ông giúp rồi khi biết ông bị mù đòi hiến tặng ông một con mắt để ông “có được ánh sáng mà đi giúp thêm nhiều người nữa”.
“Tui giúp rồi thôi, cũng không nhớ mình đã giúp ai. Bỗng một hôm, tui nhận được điện thoại của một chị phụ nữ. Chị nói: “Bác ơi, con muốn tặng bác một… con mắt”. Tất nhiên, đề nghị đó không thực hiện được vì mắt tôi mù rồi, thay sao được nữa. Thường người ta chết rồi mới hiến xác, đằng này họ đang sống mà đòi hiến mắt cho mình nên tôi cũng thấy vô cùng xúc động. Mình chỉ giúp có chút xíu chứ có đáng kể gì đâu”.
Ông Hợp tâm sự: “Có nhiều khi không phải cứ có tiền mới giúp được người khác đâu. Có khi tôi đến để động viên, để chia sẻ, an ủi bằng lời nói cho người ta vui, vượt qua khó khăn trước mắt. Trong đời người không gặp khó khăn lúc này sẽ gặp khó khăn lúc khác, nên có khi lời nói động viên còn quan trọng hơn cả tiền bạc. “Tại sao ông ý mù mà ông ý lạc quan vậy?”. Chắc chắn sau đó họ phải phấn đấu vượt qua nỗi buồn, chiến thắng chính mình, chứ suốt ngày than thân, trách phận thì bản thân mình còn thành gánh nặng cho xã hội chứ làm sao giúp đỡ người khác được”.