Nằm ngay mặt tiền con đường Phạm Hùng (P. 5, Q. 8, TP.HCM), tiệm sửa xe của anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1973) rất đông khách vào ra. Những người thợ cứ thoăn thoắt dắt xe cho khách, miệng nở nụ cười thật tươi, không ít trong số họ là những mảnh đời bất hạnh được anh Phúc đưa về cưu mang.
Anh Phúc trực tiếp đứng phát cơm cho người nghèo |
“Đóng vai” người khuyết tật để tìm ra “giáo án” riêng
Anh Phúc bắt đầu dạy nghề sửa xe miễn phí từ năm 2008. Đến nay, anh cũng không nhớ đã dạy nghề cho bao nhiêu học viên, vì như anh chia sẻ: “Mình làm từ cái tâm nên có bao giờ để ý đến những việc đó đâu. Mình chỉ biết giúp được cho người khác có cái nghề, để họ sống và giúp đỡ được nhiều người nữa. Được như vậy là mình vui rồi”.
Hiện tại có 6 học viên được anh đào tạo nghề miễn phí, trong đó có hai người bị khuyết tật. Một người bị mất một chân và một tay, người kia bệnh tình nhẹ hơn, chỉ bị khuyết một chân. Với những người khuyết tật, bản thân sinh hoạt đã khó, nói gì đến việc sửa chữa xe cho khách. Để bài học của mình được học viên khuyết tật tiếp thu một cách dễ dàng và hiệu quả nhất, anh Phúc tự mình thử nghiệm trước.
Với người khuyết một tay và một chân, anh Phúc cũng “giả bộ” mình bị khuyết tật như vậy, rồi thực hành để xem hạn chế và thuận lợi của trường hợp này là gì, từ đó vạch ra một “giáo án” riêng cho học viên này. Như khi thao tác trên máy ép vỏ tự động thì học viên đứng ngồi ở tư thế nào, chân đặt vào đâu, tay đặt vào vị trí nào để thuận tiện nhất khi thao tác…
Cả hai trường hợp khuyết tật ở lớp học đặc biệt của anh Phúc đều được anh đón từ quê lên. Thông thường hàng năm, cứ mỗi lần về quê hay đi lo công chuyện ở đâu, anh Phúc đều để ý xung quanh xóm làng xem có gia đình nào có hoàn cảnh cần giúp đỡ hay không. Nếu thấy thanh niên nào có khả năng, có chí muốn học nghề, anh sẽ đến nói chuyện với gia đình và đưa các em xuống TP.HCM, vào học nghề trong tiệm sửa xe của mình.
Dù dạy nghề miễn phí cho học viên, nhưng anh vẫn trả lương cho mỗi học viên 2,7 triệu đồng/tháng. Nếu như trong quá trình học nghề mà học viên đó tiến bộ rõ rệt, anh Phúc sẽ tăng lương cho họ. Em Lê Văn Nhiều (SN 1992, quê An Giang), là một trong những học viên hiện tại của anh Phúc.
Nhiều cho biết: “Em bị tai nạn rồi mất đi một chân năm 18 tuổi. Cũng may có chú Phúc cưu mang dạy nghề cho, nếu không em cũng chẳng biết mình sẽ làm gì, chẳng biết con đường của mình sau này như thế nào. Em mới ở đây học nghề được hơn 1 năm nhưng hàng tháng đều được chú Phúc giúp đỡ cho 2,7 triệu đồng/tháng và cho ăn ở tại quán”.
Em Nguyễn Văn Tuấn (SN 1992, cùng quê An Giang) cũng chia sẻ: “Em may mắn hơn Nhiều khi chân tay lành lặn. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng em được chú Phúc đón lên đây dạy nghề cho. Lúc mới vào em cũng được trả 2, 7 triệu/tháng, sau đó tiến bộ dần thì được chú tăng lên cho 3 triệu, và hiện tại là 4 triệu đồng/tháng”.
Không chỉ dạy nghề miễn phí, cho học viên ăn ở tại quán mà anh Phúc còn tạo điều kiện cho các học viên có điều kiện hành nghề ngay sau khi “ra trường”. Cứ sau mỗi “khóa học” chừng 4 năm, khi đã có trong tay kha khá kinh nghiệm để hành nghề, anh Phúc sẽ tặng cho mỗi học viên một bộ đồ nghề.
Hiện tại, giá thấp nhất của mỗi bộ đồ nghề cũng phải chừng 50 triệu đồng. Anh Phúc lý giải: “Ngày xưa tôi có cuộc sống khổ cực lắm, nhưng tôi đã may mắn được nhiều người tốt giúp đỡ. Nay mình đã thành công rồi, tôi muốn làm được điều gì đó có ích cho người khác, muốn chia sẻ với những em còn khó khăn”.
San sẻ cả nồi cơm nhà mình cho người nghèo
Không chỉ dạy nghề miễn phí, anh Phúc còn có nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Đó chỉ là một việc đơn giản như đặt những thùng nước mát ở trước quán để những người qua đường nghỉ chân uống cho đỡ khát. Trước cửa nhà anh, có một bàn phát cơm miễn phí cho những người nghèo. Điều đặc biệt ở chỗ, công việc của gia đình anh vốn rất bận rộn và khuôn viên quán nhiều máy móc nên không thể nấu cơm, anh cùng vợ đặt cơm ở những quán cơm có uy tín.
Mỗi suất cơm giá 18 ngàn đồng, mỗi ngày vợ chồng anh phát 30 suất. Sợ cơm đã phát hết mà vẫn còn những người nghèo khổ tìm đến, anh dặn vợ nấu cơm ăn trong nhà thì nấu nhiều lên một chút. Lý giải cho việc làm ấy, anh Phúc cười: “Người ta đã khổ cực lắm mới tìm đến mình. Nhìn người ta phải ra về với sự thất vọng và cái bụng đói meo, mình thấy thương và áy náy lắm”.
Trước bàn phát cơm, anh để tấm biển ghi: “Phúc Mập – phát 30 hộp cơm trưa miễn phí cho người nghèo và người khuyết tật”. Người nào đi qua vội, không nhìn thấy tấm biển, cũng sẽ bị thu hút bởi dáng người to con, mập mạp của ông chủ tiệm sửa xe. Anh Phúc thường cùng với vợ trực tiếp đứng trao những hộp cơm cho người nghèo đến lấy. Nụ cười luôn thường trực trên môi hai vợ chồng nhân hậu.
Rảnh tay sau giờ phát cơm, anh Phúc tâm sự ngọn nguồn đưa mình đến với những công việc thiện nguyện. Quê ở xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, tuổi thơ của anh phải trải qua rất nhiều khổ cực, vất vả. Gia đình đông con nên với một công ruộng, cả nhà anh chẳng bao giờ đủ lúa gạo để ăn. Cũng chính bởi nhà nghèo nên mới chỉ học đến lớp 3 anh Phúc đã phải nghỉ học. Ở nhà, thương ba mẹ, Phúc lăng xăng ai kêu gì cũng làm, từ hái dừa cho đến xách nước thuê…
Cứ quanh quẩn ở nhà phụ giúp ba mẹ như vậy cho đến năm 17 tuổi, khi một số người bạn rủ xuống Sài Gòn làm ăn, Phúc xin theo. Tạm biệt ba mẹ, đặt bước chân đầu tiên lên thành phố hoa lệ, Phúc cảm thấy như cả thế giới rộng lớn đang mở ra trước mắt. Nhưng rồi những hồi hộp, những hy vọng dần lùi xa khi Phúc bắt đầu xin đi làm công cho một cơ sở sản xuất lốp cao su, bạt che. Làm việc cả ngày mà chỉ nhận được những đồng lương ít ỏi, ông chủ lại đối xử rất khắt khe nếu như cậu làm hỏng việc.
Làm được một thời gian, trong một lần sơ ý khi mở nồi áp suất, Phúc bị phỏng nặng. Với đồng lương “còm” được ông chủ thanh toán nốt, Phúc một mình nhập viện. Vết phỏng chưa lành, tiền chữa bệnh lại cạn, nhiều khi Phúc đành nhịn qua ngày, hoặc may mắn hơn thì những người bệnh bên cạnh san sẻ cho cậu chút thức ăn ít ỏi.
Đang lo lắng không biết sẽ xoay sở thế nào khi ra viện, bỗng dưng ở giường bệnh bên cạnh, một gia đình đề nghị sẽ đón Phúc về nhà nuôi ăn ở với điều kiện Phúc sẽ lo chăm sóc cho người cha của họ đang bị liệt. Họ còn hứa, nếu làm tốt Phúc sẽ được cho đi học nghề. Phúc vui mừng gật đầu đồng ý.
Sau 3 năm hết lòng chăm sóc cho người bệnh, Phúc được gia đình này giữ lời hứa gửi đi học nghề sửa xe máy. Nhưng hồi ấy, nghề sửa xe máy rất quý nên chẳng dại gì mà chủ tiệm dạy Phúc đến nơi đến trốn. Gọi là đến học nghề nhưng chẳng khác nào đi ở đợ: Buổi sáng đi chợ nấu cơm, sau bữa cơm trưa mới tranh thủ chạy lên học nghề, đến đầu giờ chiều, Phúc lại phải giữ con cho nhà chủ.
Sau 3 năm, Phúc mới thành thạo và bắt đầu sự nghiệp của mình bằng một bộ đồ nghề đơn sơ dựng ở gốc cây. Ra nghề được vài năm, Phúc lập gia đình với một cô gái bán chè bưởi quê An Giang, bán hàng sát bên cạnh nơi anh đứng sửa xe.
Cứ thế, cứ thế, từ bộ đồ nghề bơm vá xe ở gốc cây, với tay nghề cao và sự chăm chỉ, sáng tạo, cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Phúc phát triển ngày càng bề thế… Anh nói rằng mình có được cuộc sống như ngày nay là nhờ số phận run rủi cho được đi học nghề. Cảm ơn số phận, anh càng muốn giúp cho nhiều người được học nghề như mình.
Hà Bình