Hơn 40 năm vẫn chưa hết buồn chuyện quá khứ
Lần đầu gặp cụ Phạm Thị Ngày (71 tuổi, quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), ở giữa Sài thành, chúng tôi có hỏi về gia đình, chồng con của cụ. Cụ bảo, con cái ở quê hết. Còn nhắc đến ông nhà, cụ Ngày nói ngay: “Ông ấy chết rồi”. Mãi một lúc sau cụ mới rỉ rả: “Ông ấy chưa chết đâu, mà đang sống với vợ bé ở Tây Ninh”.
Vậy mới biết, trong mắt cụ Ngày thì người chồng ấy đã chết từ lâu. Nghe kể, thời điểm trước những năm giải phóng, không ít lần người chồng bạc ác này đuổi vợ và các con thơ ra khỏi nhà ngay giữa đêm khuya để đến đón nhân tình về chung sống.
“Chồng cũ của tôi người ở Tây Ninh. Lần ấy, quê tôi gặp thiên tai. Đói khổ, dân làng kéo nhau bỏ đi tứ xứ. Tôi theo một số người làng ngược vào Nam. Số phận đưa đẩy, tôi về Tây Ninh sống với người dì. Tại đây, gặp ông Đ. (người chồng cũ – PV), lúc đó đang làm công nhân mủ cao su, sau đó thương nhau. Cả hai bên gia đình đều khó khăn, nên đám cưới diễn ra đơn giản” - cụ Ngày ngậm ngùi nhớ lại.
Ông Đ. được cha mẹ cho mảnh đất, vợ chồng này dựng căn nhà nhỏ ở riêng. Cuộc sống hôn nhân những ngày đầu của đôi vợ chồng trẻ cũng rất hạnh phúc. Sau đó, lần lượt ba đứa con ra đời. Dù gặp nhiều khó khăn, túng thiếu về vật chất, tuy nhiên trong ngôi nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười. Bi kịch bắt đầu ập đến, khi ông Đ. vướng vào án và phải ngồi tù một thời gian trong nhà ngục của chế độ cũ.
Những ngày người chồng ngồi khám, là quãng thời gian cơ cực nhất của cụ Ngày. Lúc đó, cụ mới sinh con nhỏ được vài tháng. Không có chồng ở bên đỡ đần, cụ Ngày phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh và hàng tháng đi cấp dưỡng thăm nuôi chồng trong trại.
Cụ Ngày còn nhớ: “Khi ấy, con thơ mới được 7 tháng tuổi nhưng chỗ làm mướn họ không cho mang theo. Do vậy, tôi đã bỏ con ở nhà một mình. Trong khi đó, hai người con bên trên vẫn còn nhỏ và chưa thể chăm em. Con đói sữa khóc ngặt nghẽo, có bữa bé út còn bị kiến bu đầy người. Nhưng hoàn cảnh mình như vậy, thương con lắm nên tôi cũng chẳng còn lựa chọn nào khác”.
Cái ngày ông Đ. trả án cũng hết, những tưởng gia đình trùng phùng sống vui vẻ hạnh phúc, bù lại khoảng thời gian xa cách trước đó. Thế nhưng, mọi sự lại diễn ra trái ngược. Cụ Ngày kể, từ lúc đi tù về, tính nết ông Đ. cũng thay đổi nhiều.
Trước đây, ông Đ vốn là người điềm đạm, hiền lành, có trách nhiệm và thương vợ con. Tuy nhiên, lần này ông “lột xác” thành kẻ cục súc, côn đồ. Nếu vợ mà làm điều gì đó khiến bản thân không vừa ý, thì y như rằng sẽ bị ông chửi bới, đánh đập. Không những vậy, ông Đ. chẳng phụ giúp vợ, đoái hoài gì đến các con. Sau này, ông Đ còn thêm thói nghiện rượu.
Tâm sự với người viết, cụ Ngày cho biết, khi ấy cụ vẫn hy vọng một ngày nào đó, ông Đ. nghĩ đến những hy sinh, cơ cực của vợ mà thay đổi tâm tính. Nhưng rồi, cụ Ngày như bị dội gáo nước lạnh, khi hay tin chồng công khai cặp bồ bên ngoài. Cụ Ngày suy sụp, oán trách người chồng đã phản bội lại lời nguyện ước trăm năm. Lúc đó, cụ Ngày đã định cắt đứt với người đàn ông một dạ hai lòng ấy, nhưng rồi nghĩ đến con thơ, cụ không đủ can đản làm vậy.
Cụ cố gắng níu kéo tình cảm, kéo chồng về với gia đình. Nhưng ngược lại những cố gắng của người vợ, thì ông Đ. lại càng mù quáng lún sâu vào mối tình tội lỗi. Ông quay sang đánh đập hắt hủi vợ con. Như lời kể của cụ Ngày, ông Đ. cố tình làm vậy, để mong “tống cổ” được vợ con ra khỏi nhà, sau đó danh chính ngôn thuận đón người tình về chung sống. Cuối cùng người chồng ấy cũng đoạt được ý định, với cụ Ngày tình với người chồng ấy đã cạn, nhưng chỉ thương cho ba đứa con vô tội khi bị người cha tàn nhẫn ruồng rẫy.
Bán chổi làm thú vui sống qua ngày
Có lẽ, cụ Ngày là người có thâm niên lâu nhất trong nghề bán chổi ở TP.HCM. Cụ nhẩm tính, đến nay, cụ đã sống với nghề này được 40 năm. Cụ bán từ lúc còn xuân xanh, tóc dài đen nhánh, cho đến tận bây giờ, khi đã ở tuổi xế bóng chiều tà.
Tâm sự với người viết, cụ bảo cái nghề bình dân này đã cứu cuộc đời mình, cũng nhờ thế mà cụ Ngày nuôi những đứa con thơ lên người. Nghề bán chổi có ý nghĩa đặc biệt với cụ, nó không đơn giản chỉ là mưu sinh, mà còn giúp cụ quên đi những vết thương đang âm ỉ trong lòng.
Lần ấy, sau khi bị gã chồng bạc ác đuổi ra khỏi nhà, ba mẹ con cụ bơ vơ lạc lõng. Tâm lý cụ Ngày suy sụp hoàn toàn, sau một đêm ngủ ở ngoài đường, sớm hôm sau cụ dắt con lên chuyến xe khách về Sài Gòn. Như lời tâm sự của cụ, khi đó trong đầu không hề xác định được phương hướng bến đỗ. Cụ đi như vô thức, chỉ muốn rời xa mảnh đất chất chứa nhiều ký ức đau thương này. Đến Sài Gòn, mấy đồng bạc lẻ trên người cũng đã hết, bốn mẹ con cụ đói khát, dần lả đi trước một xóm trọ nghèo ở khu vực cầu Bình Lợi (Q. Bình Thạnh).
“Tôi được mấy người tốt bụng cưu mang. Họ cho cơm ăn, áo mặc, rồi chỗ ngủ”, cụ Ngày nhớ lại. Ân nhân của mấy mẹ con cụ Ngày cũng là người quê Quảng Ngãi, họ làm nghề bán chổi. Cũng chính những người ấy đã dẫn cụ vào nghề này. “Lần ấy, thấy tôi buồn phiền chuyện tình cảm, cô Tư (ân nhân của cụ - PV), bảo lấy chổi của tôi đi bán, lao động sẽ khiến bản thân quên đi hết mọi ưu tư. Hơn nữa, tôi cũng phải kiếm tiền nuôi con. Do vậy, hôm sau tôi theo cô Tư đi bán chổi” - cụ tâm sự.
Mấy đứa con nhỏ, cụ Ngày lần lượt gửi về quê, còn mình lưu lại Sài thành, vật lộn với miếng cơm manh áo. “Đi làm về mệt, tôi cũng chẳng thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện quá khứ. Hơn nữa, đi ra ngoài, gặp nhiều mảnh đời, tôi thấy số mình cũng may mắn hơn nhiều”, cụ Ngày tâm sự nếu bản thân cứ cam chịu sống với một người chồng như thế, thì sẽ khổ cả đời. Cụ Ngày luôn bảo, giữa mình và ông Đ. chẳng còn một chút tình cảm gì nữa cả, có chăng đó là những hối tiếc mà thôi.
“Khoảng thời gian đầu, tôi vẫn hy vọng và chờ đợi một ngày nào đó ông ấy nghĩ lại, sau đó xuống xóm trọ đón mẹ con tôi về nhà. Đó là lý do tôi cố gắng bám trụ ở Sài Gòn và không đi bước nữa, dù có rất nhiều người để ý. Nhưng năm tháng qua đi, ngày đoàn tụ mà tôi mong ngóng, mường tượng đã không xảy ra”, cụ kể. Điều khiến cho cụ Ngày cay đắng và bẽ bàng, đó là dù vợ chồng hết tình nghĩa đã đành, nhưng ông Đ. cũng không buồn đoái hoài đến con cái. Có lẽ vì thế, mà vết thương trong lòng cụ Ngày càng thêm nhức nhối, chưa bao giờ nguôi ngoai.
Con cháu cụ Ngày đều sinh sống ở Quảng Ngãi, lâu lâu cụ mới về thăm nhà. Nhưng về vài bữa cụ lại bắt xe đò vào TP.HCM. Hoàn cảnh của gia đình cụ cũng không quá khó khăn. Thấy cụ tuổi đã cao, con cháu giữ ở nhà phụng dưỡng, không cho đi nữa. Nhưng ý cụ đã quyết, thì chẳng ai ngăn cản được. Cụ Ngày nói rằng mình không muốn làm liên lụy, phiền hà đến con cháu, giờ cụ vẫn khỏe vẫn tự lo, chăm sóc cho bản thân mình được. Nhà cao cửa rộng ở quê cụ Ngày không ở, cụ bảo mình quen với ngõ nhỏ, nhà trọ chật hẹp, cả những tiếng ồn ào chốn thị thành.
Thương mẹ, các con cụ cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn theo bóng cụ đổ xuống đường xa tít tắp. Có mấy ai hiểu được nỗi niềm riêng của người mẹ già, cuộc sống mưu sinh hằng ngày khiến mình được vui vẻ, khỏe mạnh. Người khác nhìn vào bảo cụ lam lũ, cơ cực, thậm chí có người hiểu nhầm còn bảo cụ bị con cái bạc đãi. Nhưng họ đâu biết rằng, làm như vậy cụ thấy thanh thản, bình yên trong cõi lòng…