Những triệu chứng phổ biến
Cho đến nay, vẫn chưa có định nghĩa được chấp nhận rộng rãi về hội chứng COVID-19 kéo dài. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người mắc Covid-19 kéo dài có các triệu chứng thường là trong vòng 3 tháng sau khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và các triệu chứng đo kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể giải thích bằng một chẩn đoán thay thế.
Giới chức y tế Anh mô tả COVID-19 kéo dài là trường hợp người đã khỏi bệnh tiếp tục gặp phải các triệu chứng kéo dài hơn 12 tuần sau khi bị nhiễm virus mà không thể giải thích được do nguyên nhân khác ngoài việc mắc COVID-19. Một số nơi xác định COVID-19 kéo dài là trường hợp người bệnh tiếp tục có những triệu chứng trong vòng 4 tuần trở lên kể từ khi nhiễm COVID-19.
Những triệu chứng cơ bản của tình trạng COVID-19 kéo dài có thể bao gồm cực kỳ mệt mỏi; thở gấp hoặc khó thở, tim đập nhanh, đau hoặc tức ngực, ho; các vấn đề với trí nhớ và sự tập trung (hay còn gọi là sương mù não); thay đổi mùi vị; đau khớp, đau cơ hoặc đau đầu; trầm cảm hoặc lo lắng... Tuy nhiên, các cuộc khảo sát trên các bệnh nhân được cho là mắc hội chứng COVID-19 kéo dài đã xác định được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu chứng khác.
Nhiều người bệnh phải chịu đựng các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức, sương mù não... hậu COVID-19 |
Mặc dù COVID-19 được xem như một căn bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến phổi, nhưng nó cũng có thể gây tổn hại đến nhiều cơ quan khác, bao gồm tim, thận và não. Tổn thương nội tạng có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe kéo dài sau khi bị COVID-19. Ở một số người, các ảnh hưởng sức khỏe lâu dài có thể bao gồm các vấn đề về hô hấp, biến chứng tim, suy thận mãn tính, đột quỵ và hội chứng Guillain-Barre - một tình trạng gây tê liệt tạm thời. Một số người lớn và trẻ em gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống sau khi họ đã mắc COVID-19. Trong tình trạng này, một số cơ quan và mô bị viêm nghiêm trọng.
COVID-19 có thể làm cho các tế bào máu dễ tụ lại và hình thành cục máu đông. Các cục máu đông lớn có thể gây ra các cơn đau tim và đột quỵ, phần lớn các tổn thương tim do COVID-19 gây ra được cho là xuất phát từ các cục máu đông làm tắc nghẽn các mạch máu nhỏ (mao mạch) trong cơ tim. Các bộ phận khác của cơ thể bị ảnh hưởng bởi cục máu đông bao gồm phổi, chân, gan và thận. COVID-19 cũng có thể làm suy yếu các mạch máu và khiến chúng bị rò rỉ, góp phần gây ra các vấn đề lâu dài về gan và thận.
Những người lớn tuổi và những người mắc nhiều bệnh lý nề nghiêm trọng có nhiều khả năng gặp phải các triệu chứng COVID-19 kéo dài nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy, những người nhiễm COVID-19 ban đầu chỉ có triệu chứng nhẹ hay thậm chí không có triệu chứng vẫn có thể bị suy nhược, tàn tật do hội chứng COVID-19 kéo dài.
Ảnh hưởng quy mô lớn
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết, tính đến ngày 6/1, ước tính có khoảng 1,3 triệu người ở Anh (2% dân số) gặp phải những triệu chứng kéo dài trong hơn 4 tuần sau khi lần đầu nhiễm COVID-19. Trong số đó, 270.000 người lần đầu nhiễm COVID-19 trước đó chưa đầy 12 tuần, 892.000 người nhiễm COVID-19 cách đó ít nhất 12 tuần và 506.000 người nhiễm ít nhất một năm trước.
Theo khảo sát của ONS trên 352.000 người, hội chứng COVID-19 kéo dài phổ biến nhất ở những người trong độ tuổi từ 35-69 tuổi, là nữ giới, những người gặp phải các vấn đề khiến họ bị hạn chế các hoạt động trong ngày, những người làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xã hội và những người sống ở các khu vực nghèo hơn.
Trước đó, hồi tháng 4 năm ngoái, ONS chỉ ra rằng, cứ 10 người nhiễm COVID-19 thì có 1 người gặp các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng. Đến tháng 9/2021, tỷ lệ này được cập nhật là 1/40. Với trẻ em, một nhóm các nhà nghiên cứu do Viện Sức khỏe Trẻ em Great Ormond Street dẫn đầu đã phân tích hơn 200.000 trường hợp ở trẻ từ 11-17 tuổi trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 3/2020. Kết quả cho thấy từ 4.000 đến 32.000 trẻ trong số này vẫn gặp các triệu chứng COVID-19 sau 15 tuần kể từ khi nhiễm bệnh.
Dù có rất ít bằng chứng về việc trẻ em phải nằm liệt giường hoặc không thể đến trường do mắc hội chứng COVID-19 kéo dài nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đã nhấn mạnh rằng rủi ro đối với những người trẻ tuổi là “không hề nhỏ” và trẻ em cần được hỗ trợ y tế khi gặp phải tình trạng này.
Một nghiên cứu lớn được công bố vào tháng 11/2021, sử dụng dữ liệu từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ, ước tính rằng khoảng 7% người có ít nhất 1 triệu chứng của COVID-19 kéo dài trong 6 tháng sau khi nhiễm bệnh. Một nghiên cứu có quy mô nhỏ hơn trước đó cho thấy khoảng 30% số người từng mắc COVID-19 cho biết gặp các triệu chứng dai dẳng sau khi khỏi bệnh.
Còn tờ Times of India của Ấn Độ dẫn báo cáo của các nhà nghiên cứu từ Đại học Michigan cho hay, tỷ lệ người nhiễm COVID-19 mắc phải hội chứng này lên đến 57% đối với những người phải nhập viện vì bệnh. Theo tờ báo này, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên thế giới đang ngày càng tăng, số người hồi phục cũng tăng lên. Điều đó có nghĩa là xác suất có nhiều người bị COVID-19 kéo dài cũng tăng lên.
Vaccine vẫn là cách phòng bệnh duy nhất
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra hội chứng COVID-19 kéo dài vẫn chưa được xác định. Có ý kiến cho rằng, có thể việc bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 ban đầu khiến hệ thống miễn dịch của một số người hoạt động quá mức, tấn công không chỉ virus mà còn tấn công các mô của cơ thể. Việc virus xâm nhập và tấn công tế bào của cơ thể có thể là nguyên nhân gây ra một số triệu chứng như mất khứu giác và vị giác, còn tổn thương mạch máu được cho là góp phần gây ra các vấn đề về tim và phổi.
Một giả thuyết khác cho rằng các mảnh xác virus có thể vẫn còn trong cơ thể, nằm im và sau đó được kích hoạt trở lại, tương tự như cơ chế một số virus khác như herpes và Epstein Barr gây ra tình trạng sốt viêm tuyến bạch cầu. Một nghiên cứu nhỏ ở những bệnh nhân gặp hội chứng COVID kéo dài vừa được công bố gần đây cho thấy nguyên nhân gần 60% số bệnh nhân này bị tổn thương dây thần kinh là do khiếm khuyết trong phản ứng miễn dịch.
Do hiện không có xét nghiệm tiêu chuẩn nào để xác định nguyên nhân nên những người bị nghi ngờ mắc hội chứng hội chứng COVID-19 kéo dài thường được kiểm tra để loại trừ các nguyên nhân khác như bệnh tiểu đường, chức năng tuyến giáp và thiếu sắt, trước khi được chẩn đoán và điều trị.
Trong bối cảnh như vậy, tránh bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 là cách chắc chắn duy nhất để tránh nguy cơ mắc hội chứng COVID-19 kéo dài và tiêm vaccine là công cụ hiệu quả nhất. Một nghiên cứu của Anh cho thấy việc mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai ít nhất 2 tuần trước khi bị bệnh có thể giúp giảm 41% tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 kéo dài ít nhất 12 tuần sau đó.
Một nghiên cứu khác do các nhà nghiên cứu tại Khoa Dược, trường Đại học Bar-Ilan (Israel) với các bệnh nhân nhiễm COVID-19 từ tháng 3/2020 đến tháng 11/2021 cũng cho thấy, việc tiêm chủng đầy đủ đã đưa đến sự giảm đáng kể các triệu chứng hội chứng COVID-19 kéo dài phổ biến nhất ở người bệnh và tăng khả năng hồi phục hoàn toàn cho họ. Điều này đặc biệt rõ ràng hơn ở những người trên 60 tuổi. Kết quả trên không được quan sát thấy ở những người được tiêm một liều vaccine.