72 giờ qua (tính đến ngày 19/4) cả nước không có ca nhiễm mới nào. Đó là kết quả của nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, Covid-19 cũng đã dịp bộc lộ không ít yếu kém nội tại. Câu chuyện gần tháng nay, doanh nghiệp bị kẹt hàng trăm nghìn tấn gạo không xuất khẩu được vì cách điều hành giật cục, thiếu phối hợp của cơ quan quản lý, cho thấy nhiều vấn đề ngoài hạt gạo.
Ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Lập tức, 0h ngày 24/3, Hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
Đến cuối ngày 24/3, chính Bộ này lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Giải thích sau đó về việc hôm trước xin dừng, hôm sau xin hoãn này, Bộ Công Thương - cơ quan trực tiếp tham mưu, điều hành xuất khẩu gạo nhiều năm - cho biết “do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, cần tính toán lại sản lượng”.
Vênh số liệu hay “vênh” tư duy và đạo đức?
Sự bối rối của cơ quan điều hành còn ở chỗ, gạo nếp - không nằm trong danh mục dự trữ quốc gia nhưng vẫn được Bộ Công Thương gộp chung trong các mặt hàng gạo xin dừng xuất khẩu. Sau khi doanh nghiệp, địa phương “kêu”, Bộ Công Thương mới hỏi Bộ NN&PTNN việc “gạo nếp có nằm trong danh mục hay không” và đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến. Giải trình với Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã hai lần gửi ý kiến (ngày 3/4 và 10/4) nhưng Bộ Công Thương đều không tiếp thu.
Không riêng Bộ Công Thương, Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan, cũng có những cách điều hành khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Ngày 24/3, khi hàng ra tới cảng, chuẩn bị mở tờ khai thông quan, doanh nghiệp mới được hải quan báo dừng xuất khẩu gạo từ 0h.
Ngày 10/4, Thủ tướng đồng ý nối lại xuất khẩu gạo với hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4. Cả ngày 11/4 (thứ Bảy), nhiều doanh nghiệp đã túc trực để mở tờ khai nhưng hệ thống tự động (VNACCS) của hải quan chưa mở. Đến 0h sáng ngày 12/4 (Chủ nhật), hải quan bất ngờ cho mở hệ thống giữa đêm mà không hề thông báo công khai. 6 giờ sau đó, hệ thống lập tức đóng và thông báo đã đủ hạn ngạch xuất khẩu.
Doanh nghiệp rơi vào khốn đốn, doanh nhân chảy nước mắt tại các cảng biển, cửa khẩu đường bộ, thiệt hại không thể tính toán được. “Thảm họa toàn cầu” Covid-19 đang làm cho con người “mở mắt” ra nhiều điều.
Việt Nam đã hội nhập sâu và rộng vào quan hệ chính trị, kinh tế quốc tế, không thể không tính đến “kỷ nguyên” sau đại dịch Covid-19. Nêu câu chuyện “hạt gạo” xuất khẩu giữa mùa Covid-19 cho thấy tư duy và hành động đang là thách thức nội tại, thể hiện năng lực quản trị đang gặp nhiều vấn đề không hề nhỏ.