Bất tuân thượng lệnh
Sau 8 năm chờ đợi, đến bây giờ, khu đất vốn được dành để xây dựng công viên hồ điều hòa Nhân Chính chỉ còn là 1 bãi đất được xà xẻo với đủ các loại hình dịch vụ lộn xộn. Thậm chí, thời điểm hiện tại, người dân quận Thanh Xuân đã “quên” mất rằng, ngay ở quận này sẽ có 1 khu vui chơi rộng lớn, hiện đại.
Khu đất đang được xẻ ra cho tư nhân thuê đến năm 2015 |
Trao đổi với báo chí, ông Lưu Tất Thắng (Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân) khẳng định Công viên hồ điều hòa là dự án hết sức cần thiết đối với người dân.
Đó là điều mà ông Thắng hay bất cứ người dân nào cũng biết. Tuy nhiên, sự cần thiết đó đang tạm “treo” lại với thời hạn tiếp tục xây dựng đang kéo dài mà chưa thấy điểm dừng.
Với sự lý giải là để “giữ đất”, UBND quận Thanh Xuân đã thành lập “Trung tâm phát triền quỹ đất” vào năm 2010. Cũng chính vì mục đích “giữ đất” đó mà UBND quận Thanh Xuân đã đề nghị với TP Hà Nội cho sử dụng khu đất vàng làm nơi vui chơi, giải trí. Chính vì lẽ đó, các sân bóng, bãi trông giữ xe nhan nhản mọc lên.
Theo tìm hiểu của PLVN, hiện nay, đã có 9 đơn vị ký hợp đồng với Trung tâm phát triển quỹ đất. Và có nhiều đơn vị đã ký hợp đồng với Trung tâm với thời hạn hợp đồng là 15/01/2015. Tức là các sân bóng, bãi xe đang tiếp tục được thu lời với mục đích cá nhân trên bãi đất công gần 1 năm nữa.
Trong khi đó, vào ngày 8/5/2013, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao đất số: 5589/UBND-TNMT gửi UBND quận Thanh Xuân trong đó có yêu cầu thời gian sử dụng đất tạm thời không quá 12 tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc các đơn vị đang sử dụng khu đất công để kinh doanh sẽ chỉ được chỉ được hoạt động đến 8/5/2014. Như vậy Trung tâm phát triển quỹ đất đã làm trái hoàn toàn với chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Bao giờ công viên được xây dựng?
Theo tìm hiểu của PLVN Online, rất nhiều người dân sống ở khu vực Trung Hòa – Nhân Chính (Thanh Xuân) đều đặt chung câu hỏi: “Số tiền cho thuê khu đất vàng là bao nhiêu? Số tiền đó sẽ đi về đâu?”
Liên quan đến vấn đề trên, PV đã nhiều lần đặt câu hỏi với lãnh đạo các cơ quan liên quan đến dự án hồ điều hòa. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn đang bỏ ngỏ vô thời hạn.
“Theo các văn bản của UBND TP Hà Nội và quận Thanh Xuân, thì các đơn vị đang kinh doanh tại đây là được phép. Không biết trước khi giao đất vàng cho các cá nhân kinh doanh, cơ quan chức năng đã tính đến hệ lụy lâu dài chưa? Nhưng điều dễ nhận thấy là khi đã bỏ vốn đầu tư lớn, chắc chắn người ta sẽ không dễ bỏ đi khi chưa thu lại được lợi nhuận mà phải tính toán thời thời gian cụ thể. Chúng tôi nghi ngờ rằng, có lẽ khu đất vàng này sẽ còn tiếp tục bị xà xẻo lâu dài” – ông Nguyễn Tuấn Anh (Khu CC Trung Hòa – Nhân Chính) bày tỏ.
Chủ các sân bóng đã xác định được là sẽ thuê đất dài hạn? |
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay để làm 1 sân bóng 7 người với mặt cỏ nhân tạo sẽ mất khoảng 350 triệu đồng/ sân, chưa kể tiền thuê đất, tiền nhân công, bảo vệ… Như vậy, chi phí cho 1 sân bóng có thể lên đến 500 triệu đồng cho 1 sân, tức là nhiều tỷ đồng cho 1 hệ thống sân bóng.
Một chủ sân bóng ở quận Long Biên cho biết: “Nếu xác định làm sân bóng, việc quan trọng nhất là phải thuê được sân với thời hạn lâu dài, vì thời gian thu hồi vốn sẽ rất lâu. Thời gian 1 năm mà đã thu hồi được vốn là điều rất khó, chứ đừng nói là có lãi. Các sân bóng nội thành hay ngoại thành có giá thuê chênh nhau không hề nhiều, và cũng vấp phải sự cạnh tranh cao”.
Trong khi đó, thời gian các sân bóng này hoạt động ở khu vực đất dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính hầu hết đều chỉ trên dưới 1 năm. Liệu các đơn vị đầu tư vào đây đã xác định rằng họ sẽ được kinh doanh khu đất này lâu dài? Hay họ chấp nhận mạo hiểm đầu tư nhiều tỷ vào 1 dự án với chỉ mục đích là thu hồi vốn hoặc có lãi nhưng không đáng kể?
Sẽ phải cần nhiều thời gian nữa để trả lời, bởi vì ngay cả tiến độ của dự án công viên hồ điều hòa Nhân Chính, ông Lưu Tất Thắng (Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân) cũng chỉ trả lời vào báo chí là: Việc chủ đầu tư khi nào thì khởi công và hoàn thành vào lúc nào thì tôi cũng không thể biết được”./.