Nhà giàu… khóc ròng
Dự án Ao Sào là tên gọi theo địa danh còn theo giấy tờ thì dự án có cái tên khá mỹ miền: Lexington Estate. Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 (Công ty Lũng Lô 5) làm chủ đầu tư, nằm ở phường Thịnh Liệt, Quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Trước đây theo quảng cáo của chủ đầu tư, dự án này có tổng diện tích 9,9 ha được thiết kế với 54 biệt thự, 12 biệt thự liền kề; 310 căn hộ. Phía Đông giáp đường quy hoạch có mặt cắt rộng 30m và khu đô thị mới Thịnh Liệt, phía Tây Nam giáp sông Sét, phía Đông Nam giáp đường quy hoạch có mặt cắt rộng 30m và các phía còn lại giáp khu dân cư hiện có.
Chính bởi những lời quảng cáo hoa mĩ đó nhiều người dân đã nháo nhào đổ tiền vào mua nhà với niềm hi vọng mãnh liệt sẽ được sống tại khu đô thị sang trọng, hiện đại và văn minh nhất.
Vậy nhưng sau gần 2 năm vật lộn với bộn bề cam khó, thiếu thốn đủ thứ, những cư dân của khu đô thị “kiểu mẫu” này đã kiệt sức trong “cuộc chiến” đòi quyền lợi chính đáng và hợp pháp của họ.
Hạ tầng khu đô thị Ao Sào vẫn chỉ là bãi đất nham nhở |
Khi bỏ gần 3 tỷ ra mua căn nhà liền kề xây thô tại khu đô thị này, ông Nguyễn Xuân Cơ (65 tuổi, trú tại nhà số 30 TT5.2) rất tin tưởng về tiến độ và năng lực hoàn thiện hạ tầng của Công ty Lũng Lô 5. Thế nhưng từ khi nhận bàn giao nhà vào cuối năm 2014, ông Cơ và gia đình đã hoàn toàn vỡ mộng.
“Lúc tôi đến tìm hiểu mua nhà, phía chủ đầu tư hứa hẹn đủ thứ với toàn lời hay ý đẹp nên quyết định bỏ số tiền tích cóp suốt cuộc đời mua lấy một căn. Nhưng khi cả gia đình chuyển về ở rồi mới thấy cuộc sống ở đây cơ cực biết chừng nào. Vô lý hơn, khi đã thanh toán hết tiền theo đúng hợp đồng ký kết, tôi và các hộ dân ở đây còn phải nộp thêm 7,2 triệu đồng/căn để được Ban quản lý khu đô thị cấp điện nước. Nhưng suốt 2 năm nay nước vẫn chẳng có giọt nào”, ông Cơ chán nản nói.
Không thể sống mà không có nước sinh hoạt, ông Cơ cùng một số hộ dân khác làm liều bằng cách thuê người về khoan giếng. Tuy nhiên vừa thấy tốp thợ, Ban quản lý đã hậm họe dọa nạt đuổi thẳng cánh thợ về kèm theo lời hứa: Sang tuần sẽ có nước!
Chờ dài cổ không thấy động tĩnh gì, gần trăm hộ dân chỉ còn biết một mặt cử cánh đàn ông khỏe mạnh xách can đi xin nước ở khắp nơi. Mặt khác tiếp tục gửi đơn cầu cứu cái gọi là Ban quản lý khu đô thị.
“Nước thì không cấp, gọi thợ khoan giếng thì không được phép. Cuộc sống của chúng tôi từ khi nhận nhà đến giờ khổ cực vô cùng. Người lớn chịu khổ đã đành, thương nhất đám trẻ con cũng phải chịu khổ lây. Tôi vay mượn tứ tung mới đủ gần 5 tỷ mua căn nhà, giờ có muốn chuyển đi cũng chẳng có điều kiện…”, anh Trần Văn Nam (trú tại nhà 26TT.1) than thở.
Anh Trần Văn Nam đang "kể khổ" với PV |
Theo ghi nhận của PV, không chỉ riêng nhà ông Cơ, nhà anh Nam mà gần 100 cư dân đã mua nhà tại khu đô thị này hiện đều lâm vào cảnh “ngửa cổ trông mưa”. Bà Phạm Thị Lưu (trú tại nhà số 33TT5.2) cho biết, sau khi chuyển về đây các hộ dân mới thấy quá dại dột vì trót tin lời chủ đầu tư (Công ty Lũng Lô 5).
Sau gần 2 năm bàn giao nhà, công ty Lũng Lô 5 vẫn để hạ tầng nham nhở và chưa có gì hoàn thiện. Cư dân như phải sống trong ốc đảo bởi ngay cả một con đường riêng để đi lại cũng không có. Muốn ra ngoài chỉ có cách đi nhờ con đường qua dự án của Công ty Licogi ra đường Tân Mai rất hoang vu, ngày mưa lầy lội, ngày nắng thì bụi mù trời.
Khu vực mà Công ty Lũng Lô 5 quảng bá rằng theo quy hoạch đây là nhà trẻ, vườn hoa và bãi đỗ xe thì giờ vẫn chỉ là bãi đất hoang cỏ dại mọc um tùm. Một số hộ dân đánh bạo mua hạt giống về trồng rau sạch. Oái oăm thay, gần đến lúc thu hoạch lại bị Ban quản lý mang xe ủi vào phá sạch với lý do… ảnh hưởng đến cảnh quan dự án!
“Đem con bỏ chợ” đến bao giờ?
Quay trở lại câu chuyện không có nước của gần 100 hộ dân. Người dân sau thời gian dài gửi đơn cầu cứu tới Ban quản lý nhưng chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu nên họ buộc phải tự cứu lấy mình.
Để có thể tiếp tục sống ở khu đô thị Ao Sào - Lexington Estate, một người đàn ông được cho là rất dũng cảm khi dám “vượt mặt” Ban quản lý để khoan một cái giếng cứu hạn.
Đó là trường hợp anh Lê Trung Hiếu (ở nhà 12BTT1). Anh Hiếu bức xúc: “Tôi biết khoan giếng nước ngầm là không được phép nhưng không làm vậy cứ ngóng chờ mấy ông Ban quản lý thì có mà chết khát. Giờ tiền của người dân họ đã thu đủ rồi, họ đẩy chúng tôi vào tình cảnh này khác gì đem con bỏ chợ…”.
"Nhà máy nước" của 40 hộ dân khu đô thị Ao Sào |
Vậy nhưng cái giếng khoan “bất chấp lệnh cấm” đó của anh Hiếu cũng chỉ đủ để “cứu hạn” cho khoảng 40 hộ dân. Hệ thống giếng khoan cỡ lớn với đầy đủ giàn mưa, bể lọc, bể khử khuẩn tiêu tốn của gia đình anh Hiếu gần 70 triệu đồng nữa nhưng nước ngầm ở đây rất bẩn và các hộ dân không còn lựa chọn nào khác là sống chung với bệnh tật rình rập từ cái nguồn nước vàng vàng đục đục ấy.
Khi lâm vào cảnh khổ, các hộ dân rất dễ đồng cảm. Bà con bàn nhau mỗi tháng góp cho anh Hiếu tiền điện, tiền mua vật tư và khấu hao máy móc để có nước sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi có trận mưa lớn là các loại thùng xô chậu của bà con được tận dụng hết công suất để chứa nước mưa.
Bà Phạm Thị Lưu phải bỏ ra gần trăm triệu đồng để làm hệ thống lọc nước |
“Tôi nghiện nước trà, nhưng khi pha trà với nước giếng khoan cứ ra mùi thum thủm. Thế nên tôi đầu tư một cái thùng phuy rất lớn, hễ trời mưa to là tôi cố gắng hứng đầy để… pha trà dần”, ông Cơ ngao ngán cho hay.
Vì lượng nước giếng khoan nhà anh Hiếu không đủ cho 100 hộ dân nên các hộ còn lại buộc phải “ngoại giao” với các khu dân cư gần đó để mua lại nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên, giá nước “chuyển nhượng” đó lên tới gần 50.000 đồng/m3.
"Nhiệm vụ" của anh Nam là dậy từ 5h sáng để nối vòi bơm nước về nhà |
“Dù gia đình tôi đã sử dụng rất tiết kiệm nhưng trung bình mỗi tháng cũng mất cả triệu đồng. Biết là đắt nhưng chúng tôi vẫn phải cắn răng mà chịu, còn hơn phải dùng nước giếng khoan”, anh Trần Văn Nam chia sẻ.
Bên cạnh những nỗi khổ đó thì một điều khiến cả trăm hộ dân ở đây rất đỗi băn khoăn đó là sau khi trả hết tiền và nhận nhà đã 2 gần năm, công ty Lũng Lô 5 vẫn chưa bàn giao được bất cứ chiếc sổ đỏ nào cho người dân.
Điều này khiến người dân cho rằng mảnh đất của họ có vấn đề về pháp lý nên việc làm thủ tục sổ đỏ cấp cho cư dân của chủ đầu tư mới bị “vướng”. Vậy quyền lợi của các cư dân tại khu đô thị Ao Sào - Lexington Estate bao giờ mới được giải quyết?
Cách hành xử với các “thượng đế” của mình như vậy chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty Lũng Lô 5. Thêm vào đó việc hạ tầng mãi không được hoàn thiện làm cho nhiều người nghi ngờ rằng tài chính của Công ty Lũng Lô 5 đang gặp khó khăn? Và ở các dự án sau này của Công ty Lũng Lô 5, thử hỏi còn ai dám đặt niềm tin vào đó?