Nhằm có thông tin rõ hơn về Công ty này, trong vai là người có nhu cầu đi XKLĐ, PV đã liên hệ điện thoại thông qua website: www.laodongvietnam.vn. Tại đây, PV được hướng dẫn đến văn phòng tại địa chỉ 75/45 Bùi Huy Bích, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội).
Ngày 3/4/2017, PV đến trụ sở tại địa chỉ trên và được một người giới thiệu là Nguyễn Thị Tô Lịch - Giám đốc Trung tâm Đào tạo tư vấn về các chương trình XKLĐ của công ty.
Dù Công ty đã bị thu hồi giấy phép, nhưng ngày 7/4/2017, trang web của công ty Hoàng Phát vẫn hoạt động bình thường. |
Khi PV ngỏ ý muốn được đi XKLĐ sang thị trường Singapore, người phụ nữ này cho biết, để đi Singapore sẽ mất chi phí khoảng 6.000 USD. Nếu đơn hàng lương cao hơn có thể lên đến 6.500 USD. Mức lương nhận được vào khoảng xấp xỉ 20 triệu đồng (tiền Việt). Công việc chủ yếu là làm dịch vụ, bán hàng siêu thị, bưng bê quán ăn, massage.
Cũng theo lời vị Giám đốc này tư vấn, việc đi Singapore với hợp đồng 2 năm nếu làm tốt thì sẽ được gia hạn. Trong trường hợp người lao động chán có thể tìm chủ khác và thuê môi giới để làm thủ tục tiếp tục ở lại. Bên cạnh đó, người lao động sẽ phải nộp 1.000 USD tiền đặt cọc khi nhập học tại công ty.
Nhằm tăng sức thuyết phục, bà Lịch tư vấn khi đi Singapore chỉ cần nói giỏi tiếng Anh, tiếng Trung mà không cần biết bằng cấp thế nào.
Chuyển sang chương trình đi XKLĐ tại Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Tô Lịch cho PV được biết, với mức phí đi là 5.500 USD, 30 triệu tiền đặt cọc nộp khi nhập học, 25 triệu đồng đóng phí tiền học, tiền ăn, tiền ở, số kinh phí để đi XKLĐ sang Nhật Bản được đóng nhiều đợt, khi nào người lao động có visa, đến ngày bay thì đóng đủ nốt số tiền còn lại.
Đi Singapore dưới dạng hợp đồng cá nhân?
Để rộng đường dư luận, ngày 6/4/2017, PV đã liên hệ với ông Trần Thanh Minh – Lãnh đạo của Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tư vấn Giáo dục Hoàng Phát. Theo đó, ông Minh cho biết, đối với XKLĐ sang thị trường Singapore chỉ cần có bằng cấp 2 là có thể đi được. Công ty Hoàng Phát chỉ đóng vai trò tư vấn. Người lao động phải có trách nhiệm đăng ký với Sở LĐTB&XH.
Cách thức nhân viên của công ty tư vấn cho người có nhu cầu đi XKLĐ. |
Dẫn dải về vấn đề này, ông Minh cho rằng: “Như thị trường Singapore, các doanh nghiệp sẽ không đăng ký với Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH - PV), vì đăng ký sẽ rất gặp khó khăn. Người ta chỉ tư vấn với người lao động để người lao động ký hợp đồng với chủ sở hữu bên kia.”
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, XKLĐ sang thị trường Singapore chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Chính phủ Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit. Đó là lao động phổ thông làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, hàng hải, chế biến và dịch vụ.
Vậy, tại thời điểm này, việc Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tư vấn Giáo dục Hoàng Phát có khả năng, thực hiện tư vấn và kết nối cho người lao động ký hợp đồng, cung ứng người lao động sang Singapore là sự thật hay gian dối để “lòe” người lao động hoặc bằng cách này hay cách khác “qua mặt” cơ quan chức năng?
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp dù có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, nhưng để đưa người đi xuất khẩu lao động thì phải đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước gồm 3 loại hợp đồng gồm: Hợp đồng cung ứng lao động giữa công ty Việt Nam với công ty nước ngoài. Hợp đồng của công ty ký hợp đồng dịch vụ với người lao động, các điều khoản trong hợp đồng được ghi cũng phải giống với hợp đồng cung ứng lao động. Hợp đồng giữa người lao động ký trực tiếp với chủ sử dụng lao động, trong đó ghi rõ điều kiện về điều kiện việc làm việc, tiền lương, bảo hiểm…
Nghỉ hoạt động nhưng nhân viên vẫn tư vấn?
Cũng trong buổi làm việc ngày 6/4, ông Trần Thanh Minh một mực khẳng định, công ty ông đã dừng hoạt động lĩnh vực XKLĐ được một tuần nay. Ngày 5/4/2017, công ty cũng đã bị thu hồi giấy phép số 810 do Thứ trưởng Bộ Lao động TB&XH, Doãn Mậu Diệp ký (?)
Ông Minh cho rằng hình thức đi Singapore dưới dạng hợp đồng cá nhân là hợp pháp. |
Nhưng khi PV hỏi về việc nhân viên tư vấn vào ngày 3/04/2017 cho người lao động về số tiền tư vấn cho lao động sang Nhật Bản vượt mức rất lớn mà Bộ Lao động TB&XH quy định, ông Trần Thanh Minh cho biết: “Nhân viên của tôi có thể muốn đưa người A, người B đi chương trình khác, ví dụ du học thì phải “thổi” XKLĐ cao lên, du học thấp xuống. Để cho người ta “ngán” đi xuất khẩu lao động. Nhân viên đưa thông tin đến hơi quá một chút”.
“Việc tư vấn đi xuất khẩu lao động là muốn người ta bỏ để đi du học. Người lao động có quyền đi theo hợp đồng cá nhân của người ta”, ông Minh nói.
Như vậy, nhân viên tư vấn Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tư vấn Giáo dục Hoàng Phát đã cố tình tư vấn sai quy định về mức phí XKLĐ sang thị trường Nhật Bản do Bộ Lao động TB&XH đưa ra nhằm “đẩy” người có nhu cầu XKLĐ sang lĩnh vực du học mà công ty này hướng tới.
Trao đổi qua điện thoại với ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước, ông Nam thông tin, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tư vấn Giáo dục Hoàng Phát đã bị Bộ Lao động TB&XH rút giấy phép hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Nếu công ty còn hoạt động sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Trước những vi phạm nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý nghiêm hoạt động XKLĐ của công Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tư vấn Giáo dục Hoàng Phát.
Tại Chương I, khoản 7 điều 7, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nghiêm cấm tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài làm việc khi chưa đăng ký hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Tại khoản b, Điều 2, chương 5 Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: Hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có nêu rõ: Doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của người lao động sau khi ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với người lao động và người lao động được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh (visa).
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu