Tăng thu nhưng vẫn không theo kịp chi
Cụ thể, tỷ lệ thu từ NSNN so GDP đã giảm từ 26,4% trong giai đoạn 2006-2010 xuống 23,4% trong giai đoạn 2011-2015, nguyên nhân chủ yếu là do giảm thu từ dầu thô (từ 4,8% xuống 3%), từ hoạt động xuất nhập khẩu (5,5% xuống 4,2%), và các khoản thu về đất (2,5% xuống còn 1,7%).
Việt Nam được đánh giá là đã thành công trong việc chuyển đổi hệ thống chính sách thuế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào các nguồn bên ngoài (thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu). Tỷ lệ thu nội địa trên tổng thu tăng từ 52,3% (giai đoạn 2001-2005) lên đến 58,9% (giai đoạn 2006-2010), và 68% (giai đoạn 2011-2015). Riêng trong năm 2015, tỷ lệ này ước đạt 74,2%.
Trong khi đó, tổng chi NSNN – bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu – bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011-2015, so với 28,9% trong giai đoạn trước và ở mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương. Đáng chú ý, cơ cấu chi thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư là khoảng 70:30 trong thời kỳ 2011-2015 so với 63:37 của thời kỳ 2006-2010.
“Chi thường xuyên tăng lên và cao hơn mức tăng thu chủ yếu là do tăng chi để thực hiện các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp và chi trả lãi các khoản vay. Quỹ lương tăng nhanh, chiếm khoảng khoảng 20% tổng chi ngân sách, chủ yếu do tăng lương cơ sở và tăng số lượng công chức, viên chức, đặc biệt ở địa phương, với tốc độ cao hơn tốc độ tăng dân số, đặc biệt là ở cấp địa phương…” - Báo cáo phân tích.
Mặc dù so sánh quốc tế cho thấy tỷ lệ chi lương cho công chức, viên chức của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy cần phải thận trọng.Chi đầu tư, mặc dù giảm tỷ trọng trong tổng chi tiêu NSNN, nhưng vẫn được duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới. Nếu so với tổng đầu tư toàn xã hội, chi đầu tư từ NSNN chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011-2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006-2010, cho thấy đầu tư của Nhà nước vào hạ tầng công cộng vẫn tiếp tục được duy trì trong thời gian qua, chủ yếu do cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện đang còn ở mức thấp, chưa phát triển.
Vẫn còn dư địa để điều chỉnh
Báo cáo có chủ đề: “Chính sách tài khóa hướng tới bền vững, hiệu quả và công bằng” gồm 15 chương và trong 15 chương đó, có 3 câu hỏi lớn được báo cáo đưa ra lời giải: Làm thế nào để tạo dư địa tài khóa đáp ứng các nhiệm vụ chi tiêu chính đồng thời đảm bảo bền vững tài khóa; Làm thế nào để chi tiêu công ở các cấp trung ương và địa phương gắn kết tốt hơn với các ưu tiên của quốc gia; Và làm thế nào nâng cao trách nhiệm giải trình về kết quả, sao cho chi tiêu công đem lại hiệu quả lớn nhất.
Theo báo cáo, Việt Nam hiện có nhiều cơ hội để nâng cao hiệu suất chi tiêu. Đó là thông qua việc tinh giản, cơ cấu lại bộ máy của khu vực công và giảm các chi phí đầu vào khác trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế như giáo dục, y tế, khoa học-công nghệ, nông nghiệp và giao thông. Ngoài ra, phân bổ và chi tiêu NSNN trong từng ngành còn chưa thực sự gắn kết với lợi thế cạnh tranh và chiến lược phát triển của quốc gia và từng tiểu ngành. Tình trạng thiếu gắn kết giữa chi đầu tư xây dựng mới và chi hoạt động, duy tu, bảo dưỡng, đã tồn tại khá lâu ở hầu hết các ngành, song chưa có nhiều tiến triển trong những năm gần đây. Việt Nam đang tích cực theo đuổi một loạt các chính sách liên quan với nhau, nhằm cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng thêm lựa chọn về dịch vụ cho người dân, giảm gánh nặng tài chính của Nhà nước, và từng bước hợp lý hóa vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp hàng hóa công cộng. Tuy nhiên, hiện còn tồn tại rủi ro đối với người dân, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương, về khả năng bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ cơ bản do mức thu phí tăng.
Báo cáo đã đưa ra 68 khuyến nghị chính, bao gồm: Các biện pháp chính sách có thể được cân nhắc cho một chương trình củng cố tài khóa, đảm bảo bền vững tài khóa nhưng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thông qua duy trì mức độ chi tiêu hợp lý cho đầu tư phát triển và đảm bảo các mục tiêu xã hội; và các khuyến nghị về định hướng cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, bao gồm phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên, và giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành. Đồng thời, báo cáo cũng khuyến nghị các biện pháp nhằm đảm bảo kết quả của sự phát triển tích cực của Việt Nam sẽ được phân phối công bằng và các biện pháp đảm bảo hỗ trợ thích hợp cho người nghèo và cận nghèo. Báo cáo cũng khuyến nghị một cách tiếp cận theo lộ trình và các biện pháp tạo động lực phù hợp đối với những cải cách về thể chế quản lý tài chính công phức tạp, cũng như trong việc cải thiện khuôn khổ chính sách và pháp lý, và tăng cường năng lực quản lý.
* Giám đốc quốc gia Văn phòng WB tại Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, Báo cáo này được thực hiện vào thời điểm Việt Nam đang đứng trước những sự lựa chọn về chính sách tài khóa quan trọng, và hy vọng báo cáo sẽ cung cấp những phân tích thiết thực cho Chính phủ và Quốc hội cân nhắc các kế hoạch và chính sách phát triển, tài chính và ngân sách trung hạn trong thời gian tới. “Trong thời gian tới, điều quan trọng là đảm bảo là năng lực đánh giá của Chính phủ được duy trì, bao gồm thông qua quá trình phối hợp tiếp theo giữa các bên trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của đánh giá này, cũng đảm bảo rằng các kết quả đánh giá được chia sẻ rộng rãi hơn, thông qua nhiều hoạt động chia sẻ khác bắt đầu từ buổi lễ công bố ngày hôm nay.” - Ông Ousmane Dione lưu ý.