Đội ngũ của những ông thầy đã “phủ sóng” toàn quốc, ngoài những người làm nghề giáo viên ra thì còn rất nhiều người công tác, làm việc ở các lĩnh vực khác cũng trở thành thầy, xã hội học tập thì tất yếu phái sinh xã hội giảng dạy. Bởi câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nên xã hội ta rất nhiều loại thầy khác nhau và đều được tôn vinh trong ngày 20/11 này.
Nhưng người thầy đích thực, chọn nghề giáo làm nghiệp cho mình thì đòi hỏi nhưng phẩm chất mà nghề khác không nhất thiết phải có, đó là sự thương yêu học trò, lòng bao dung, độ lượng, nghiêm khắc cả với bản thân mình và giữ gìn nhân cách sáng trong, mẫu mực. Lịch sử nước ta đã để lại những ông thầy như thế, tiêu biểu là nhà giáo Chu Văn An, xứng đáng được tôn vinh là “vạn thế sư biểu”. Lấy trí tuệ, phẩm chất, nhân cách của ông làm thước đo chuẩn mực, chúng ta có một tấm gương ngời sáng về tư cách ông thầy.
Sứ mệnh cao quý của người thầy là làm con thuyền chở đạo. Cùng với việc truyền thụ tri thức, người thầy hướng dẫn các học trò hình thành nhân cách trên nền tảng đạo lý và nhân văn. Sự nghiệp trồng người chính là việc làm tròn sứ mệnh đó, suốt cuộc đời mình và cách làm tốt nhất là bằng chính nhân cách mẫu mực của mình, là tấm gương đồng thời là người truyền cảm hứng sáng tạo, lý tưởng và đạo lý làm người cho các thế hệ mai sau.
Trong tâm khảm của mỗi chúng ta, đều có hình ảnh trân quý của người thầy – người đã có ảnh hưởng tốt đến cuộc đời chúng ta và suốt đời chúng ta tri ân những người thầy đó. “Học thầy mới được làm thầy”, đạo lý truyền thống thể hiện một sự nhắc nhở và cũng là tôn vinh những ông thầy đúng nghĩa.
“Ngày Nhà giáo Việt Nam”, những từ đó vang lên đầy cảm kích và tự hào. Xin chúc những “con thuyền chở đạo” cập bến bờ vui!