Các em giống hệt thầy khi trước
Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 gần kề, các em đang chộn rộn, lo lắng cho việc đi thăm các thầy cô, nào là chọn quà gì, nào tìm địa chỉ nhà của các thầy cô...
Ôi sao các em giống y thế hệ các thầy cô cách đây mấy mươi năm! Cuộc sống xã hội bao đổi thay nhưng câu chuyện ngày nhà giáo vẫn không hề đổi.
Ngày này, các em rồng rắn từng nhóm kéo đến chúc mừng các thầy cô. Em nào cũng thích được kéo đi cùng bạn bè hơn là ba mẹ chở đi. Các thầy cô thật vui khi ngày vui của nghề mình được các em đến thăm.
Ngày này, với thầy cô, các em là những vị khách quý, rất hồn nhiên, trong sáng, đáng yêu. Cứ tốp này ra là tốp kia vào, thầy cô không sợ tiếp khách vất vả, chỉ lo không tiếp không được chu đáo. Nhiều nhóm đông quá, không đủ ghế ngồi, các em phải ngồi bệt trên giường, dưới nền nhà trải chiếu.
Thương lắm, vì thầy cô mà các em vất vả. Đi thăm thầy cô, đâu chỉ một người? Các em kéo nhau đi đến hết nhà thầy cô này đến nhà thầy cô khác, nhiều khi xuyên qua cả buổi trưa, mệt và đói, có điều cũng rất vui ...
Nói thật với các em, thầy muốn “trốn” trong cái ngày này lắm, để tránh mệt cho các em, khỏi phiền cho phụ huynh.
Có năm thầy đã báo mình sẽ vắng nhà cả ngày 20/11, thế mà vẫn nhiều phụ huynh và các em đến chờ đợi, “mai phục”...
Sao các em không dành thời gian đến thăm thầy cô giáo cũ? Các thầy cô ấy sẽ rất vui và cảm động khi các em còn nghĩ đến họ. Và không bao lâu nữa, thầy cô cũng trở thành “thầy cô giáo cũ” của các em.
Tình cảm của các em, thầy cô ghi nhận. Sự quan tâm của phụ huynh, thầy cô trân trọng. Nhưng sao sự quan tâm chỉ dồn hết vào “ngày nhà giáo”? Còn 364 ngày còn lại thì sao?...
Thầy cô đòi hỏi quá đáng không? Không, thầy cô chỉ muốn 364 ngày còn lại êm đềm, các em chăm ngoan, tiến bộ, còn thầy cô bình yên. Bình yên như trang giáo án, điềm tĩnh như cây bàng trên sân trường. Bình yên khi các báo mạng “lặng sóng” bạo lực học đường, thầy cô tránh những điều tiếng, các em thân quý nhau...
Món quà quý nhất đối với thầy cô là uy tín nhà giáo, của mình và đồng nghiệp.
Các em đúng là "siêu nhân"
Lệ thường các em bày tỏ niềm biết ơn thầy cô nhân ngày Hiến chương nhà giáo, nhưng hôm nay thầy cô xin cảm ơn các em.
Chắc các em nghĩ thầy cô mới là người các em nể phục, đúng không?
Nhưng các em cũng đáng để thầy cô nể phục đấy!
Các em mới lớn, tuổi ăn tuổi ngủ nhưng phải lao vào học hành, học như cái máy. Nhẩm đi nhẩm lại, chính xác, học sinh cấp 3 học tất cả 15 môn, kể các “môn” Công nghệ, Hướng nghiệp, Nghề phổ thông!
Tâm sự ngày 20/11: 'Thầy nể các em quá!' |
Học chính khóa chưa đủ, các em còn học bồi dưỡng, phụ đạo, học thêm, sinh hoạt ngoại khóa, tham gia văn nghệ, thể thao, hoạt động đoàn thể... Các em đúng là siêu nhân!
Mà đâu chỉ có học, các em còn phải thực hiện răm rắp “hằng hà sa số” những quy định của nhà trường. Các bị “đóng khuôn” trong cái tuổi hồn nhiên, vô tư, hiếu động, tinh nghịch. Gần đây một số người lo ngại về quyền nhà giáo bị thu hẹp. Nhưng thầy cô nghĩ, trong trường học các em mới là những người ít quyền nhất.
“Cha mẹ nói oan, làm quan nói ép”. Thầy cô đôi khi cũng thế. Thầy cô luôn áp đặt các em vào những khuôn khổ, vào những quy định do người lớn đặt ra. Thầy cô rất ít khi đặt mình vào vị trí các em để hiểu và chia sẻ, cảm thông. Làm sao các em có thể thực hiện đầy đủ mọi yêu cầu do người lớn đặt ra?
Thầy cô dạy một môn, dạy đi dạy lại từ lớp này đến lớp kia, từ năm này sang năm khác. Vậy mà vẫn thấy vất vả, lao tâm khổ tứ.
Thế mà thầy cô lại bắt các em “hoàn hảo” 15 môn học, môn nào cũng yêu cầu các em hiểu bài, thuộc bài, làm đủ các bài tập, soạn bài mới trước khi đến lớp, giờ học giơ tay phát biểu sôi nổi? Các em đúng là “siêu nhân”!
Thầy thấy mình có lỗi
Có lẽ do thầy cô làm thầy đã lâu nên quên mất thế nào là làm học trò, không đặt mình vào vị trí của các em. Nghĩ đến điều này, thầy cô rất thương các em và thấy mình có lỗi.
Các em đã làm được những điều rất phi thường mà các em không biết đó thôi.
Thầy cô nể phục các em vì điều đó. Người lớn ngoài giờ làm việc còn có thời gian “xả stress”, bù khú với bạn bè, cà phê cà pháo, xem phim, lướt web, nghe nhạc, ăn ngủ thoải mái vô lo... Còn các em thì sáng học, chiều học, tối học. 5 giờ sáng, nghe đồng hồ báo thức, bật dậy học tiếp. Thế mà các em vẫn khỏe mạnh, hồn nhiên, đầu óc sáng suốt, tỉnh táo. Điều này các em làm cho thầy cô rất nể phục.
Các em học biết bao điều cao siêu, biết rất nhiều tên tuổi các nhà văn, nhà khoa học, các vị anh hùng. Nhưng với thầy cô, cha mẹ các em thực sự là những anh hùng trong đời thường.
Gần cả cuộc đời của mình họ không ngừng làm việc để nuôi các em ăn học bằng bạn bằng bè. Đồng tiền chân chính được làm ra khó lắm, họ giảm thiểu tối đa nhu cầu chi tiêu cho bản thân để lo cho các em ăn học. “Trăm dâu đổ đầu tằm”, bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn cha mẹ các em chịu hết để các em ngày ngày đến trường với bạn với bè.
Chỉ tính 12 năm phổ thông thôi, nếu cộng dồn số tiền phụ huynh đầu tư cho các em ăn học, số tiền đó sẽ là bao nhiêu? Không ai tính xuể đâu, chỉ biết rằng rất nhiều. Có không ít ông bố, bà mẹ tự nguyện suốt đời ở trong căn nhà đơn sơ, tồi tàn để nuôi con ăn học nên người.
Thầy cô mong rằng các em luôn kính trọng, biết ơn cha mẹ như đối với thầy cô giáo. Hãy quan tâm chăm sóc cha mẹ ngay từ hôm nay. Thầy cô rất buồn vì một số em không lo học hành, ăn chơi sa đà lêu lổng, “tốn cơm phí của” cha mẹ mà không thấy xót, thấy thương.
Đố các em biết vì sao các em kính trọng thầy cô, vì sao phụ huynh các em quan tâm đến thầy cô?
Vì chúng ta cùng chung mục tiêu, mục đích, đó là sự khôn lớn nên người của các em. Niềm vinh dự, niềm vui của thầy cô luôn thống nhất với niềm vinh dự, niềm vui của phụ huynh và học sinh.
Bản chất của sự kính trọng và tri ân thầy cô chỉ giản dị như thế. Giản dị như không khí ta thở hằng ngày vậy.
Thầy giáo Lê Xuân Chiến