Điều này xuất phát là do tỷ lệ bán vé những bộ phim có diễn viên chuyên nghiệp sẽ không cao bằng nhân vật “hot”. Tuy nhiên đổi lại nhân vật hot sẽ “cho” ra đời những tác phẩm điện ảnh kém chất lượng.
Hướng đi không có kết quả tốt đẹp
Công bằng mà nói thì từ trước đến nay từng có những ca sĩ rẽ hướng sang điện ảnh và nhận được sự ủng hộ của khán giả. Chẳng hạn như trường hợp của Phương Thanh, Minh Hằng, Nhật Kim Anh…Đầu tiên phải kể đến Phương Thanh, dù là một ca sĩ gạo cội trong làng nhạc Việt nhưng khi rẽ hướng sang diễn viên dù vai chính lẫn vai phụ thì nữ ca sĩ này cũng để lại những ấn tượng sâu sắc và nhận được cơn mưa lời khen của công chúng.
Tiếp đến là Minh Hằng với gia tài diễn viên chính cho nhiều bộ phim được đánh giá là “bom tấn” của điện ảnh Việt. Sở dĩ các đạo diễn chọn Minh Hằng là vì cô có lối diễn xuất tự nhiên và chuyên nghiệp.Tuy nhiên, số lượng đấy chỉ đủ “đếm trên đầu ngón tay” còn lại số đông thì cái “duyên” của họ với bộ môn nghệ thuật thứ 7 vẫn chưa đủ lớn.
Trước đây, Mỹ Tâm và Tuấn Hưng trong “Cho một tình yêu” dù trên sân khấu ca nhạc họ dành được sự ủng hộ và ngưỡng mộ của người nghe bao nhiêu thì khi rẽ hướng sang làm diễn viên họ nhận phải “gạch đá” bấy nhiêu. Tuấn Hưng bị cho là mặt và giọng nói không cảm xúc xuyên suốt cả bộ phim. Mỹ Tâm thì bị đạo diễn Khải Hưng thẳng thừng chê diễn xuất của cô quá “chối tỉ”.
Mới đây nhất là Mạc Hồng Quân- một cầu thủ bóng đá chạm ngõ điện ảnh trong “Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ”. Ngay sau khi bộ phim công chiếu Mạc Hồng Quân bỗng nhiên có thêm biệt danh mới “mặt đơ” bởi lối diễn xuất quá “tệ”. Ngoài ra, ca sĩ Bùi Anh Tuấn, hoa hậu đại dương Đặng Thu Thảo góp mặt trong phim này cũng đều không được đánh giá cao về diễn xuất.
Nhiều đạo diễn, nhà làm phim lựa chọn người nổi tiếng ở lĩnh vực khác sang làm phim là để thu hút khán giả, tuy nhiên họ lại không hề quan tâm đến chất lượng chính vì vậy mà không ít lần điện ảnh Việt khiến công chúng thất vọng về giá trị phim mang lại lẫn diễn xuất của diễn viên phim.
Báo động về chất lượng phim
Bàn về lý do mà các ca sĩ, người mẫu, MC, cầu thủ đá bóng….đi đóng phim thì có rất nhiều mục đích khác nhau. Người ưa trải nghiệm, người muốn làm mới tên tuổi…Tuy nhiên cả nhà làm phim lẫn những người ngoại đạo đóng phim đều bỏ qua yếu tố quan trọng nhất đó chính là niềm tin khán giả dành cho điện ảnh nước nhà và giá trị đích thực của nghệ thuật.
Dẫu nhân vật “hot” đóng phim bao giờ cũng sẽ rầm rộ và thu hút ít nhất là lượng fan của nhân vật đó kéo đến rạp mua vé. Thế nên mới có thêm chuyện Hồ Ngọc Hà dù chỉ nhận một vai diễn “siêu” phụ trong phim “Hy sinh đời trai” nhưng khi in poster quảng cáo phim thì Hồ Ngọc Hà lại có hình ảnh to nhất, trung tâm nhất, đẹp nhất, lấn át cả diễn viên chính. Trên truyền thông, Hồ Ngọc Hà cũng là tâm điểm của các bài báo PR của phim.
Ca hát và đóng phim đều cần đến yếu tố diễn nhưng khoảng cách từ sân khấu ca nhạc hoặc thời trang đến màn ảnh là rất xa và rất khác. Bởi thực tế đã chứng minh, một ca sĩ có thể thành công trong âm nhạc, một hoa hậu hoặc người mẫu có thể nổi danh trên sàn diễn... nhưng chưa chắc đã có thể làm tốt vai trò của một diễn viên trước ống kính máy quay.
Nếu nhiều người vẫn không nhận ra mình không có “duyên” với nghiệp diễn viên mà sống trong sự tung hô của fan mình thì trong mắt những người yêu nghệ thuật chân chính họ sẽ trở nên “vô duyên”. Và nếu tình trạng tiếp tục kéo dài thì dấu chấm hỏi lớn sẽ được đặt ra rằng, phim Việt sẽ về đâu khi màn ảnh bây giờ tràn ngập những cái tên danh tiếng nhưng diễn xuất thiếu “muối”. PR càng rầm rộ, diễn viên ngoại đạo càng hào nhoáng nhưng lại tỷ lệ nghịch với chất lượng phim xưa nay không hề hiếm.
Đã đến lúc các nhà làm phim, đạo diễn nên đặt lợi ích, quyền lợi, niềm tin của khán giả lên đầu tiên thay vì câu khách bằng những bộ phim kém chất lượng về diễn xuất. Dần dà việc khán giả sẽ mất hết niềm tin vào chất lượng và quay lưng lại với chính những tác phẩm điện ảnh của nước nhà sẽ là điều “không sớm thì muộn”.