Những bộ phim Việt đình đám nhất thời bao cấp

(PLO) - "Cánh đồng hoang", "Biệt động Sài Gòn" hay "Bao giờ cho đến tháng 10" là những tác phẩm ghi dấu ấn trong 10 năm trước Đổi mới.

Theo sách Lịch sử điện ảnh Việt Nam (2003) của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, điện ảnh Việt Nam thực hiện 149 bộ phim truyện ra mắt công chúng từ tháng 4 năm 1975 đến năm 1985. Mỗi năm có trung bình 12 phim hoạt hình và nhiều phim tài liệu.

10 tác phẩm nổi bật nhất của giai đoạn 1975 - 1986 cho thấy sự chuyển mình dần dần của dòng phim tuyên truyền sang phim phản biện và đến phim có khả năng thu hút công chúng.

Mối tình đầu (1977)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap

Mối tình đầu là một trong những phim đầu tiên tạo nên cơn sốt ở hệ thống các rạp chiếu bóng nhà nước nửa cuối thập niên 1970. Bộ phim, do đạo diễn Hải Ninh thực hiện và nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ chấp bút, là một những tác phẩm đầu tiên dám đề cập tới đề tài tình yêu vốn khá nhạy cảm khi đất nước vừa ra khỏi chiến tranh. Cốt truyện kể về một chàng sinh viên Sài Gòn trước năm 1975 đau đớn vì thất tình nên lao vào con đường nghiện ngập cho quên tình và quên đời. Sau đó, anh được người chị giúp đỡ trở lại con đường tốt.

Đây là bộ phim làm nên tên tuổi cho NSND Thế Anh. Đóng vai chàng sinh viên đôi mươi ở Sài Gòn, nghệ sĩ khi đó đã gần 40 tuổi nhưng vẫn diễn xuất tự nhiên và chiếm được thiện cảm của người xem. Ngoài ra, hình tượng nhân vật người chị trong phim (do NSND Trà Giang đóng) được xây dựng theo nguyên mẫu nữ tình báo Hoàng Thúy Lan.

Tội lỗi cuối cùng (1979)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-1

Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Trần Phương trở thành hiện tượng ăn khách ngay sau khi ra đời vào giữa năm 1979. Phim kể về hành trình của Hiền "Cá Sấu" từ một cô gái giang hồ thành người phụ nữ lương thiện.

NSƯT Phương Thanh đảm nhiệm vai Hiền "Cá Sấu". Giai nhân Hà thành xưa thuyết phục người xem khi diễn tả hai giai đoạn một con người từ một phụ nữ ngang tàng, chán nản với cuộc đời thành một người yêu và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống. Đạo diễn Trần Phương từng kể lý do ông chọn Phương Thanh vì vẻ ngoài của cô nhìn hiền hậu nhưng có những xáo động rất lạ lùng trong nội tâm, hợp với tính cách nhân vật.

Đồng thời, ca khúc trong phim Đời gọi em biết bao lần (do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác) trở thành bản nhạc kinh điển hơn 30 năm qua.

Cánh đồng hoang (1979)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-2

Đây là một trong những phim đầu tiên phần nào vượt thoát được lối làm cường điệu quá mức của dòng phim tuyên truyền cách mạng. Tác phẩm do đạo diễn Nguyễn Hồng Sến thực hiện từ kịch bản của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nguyễn Quang Sáng kể trong hồi ký rằng ông ấp ủ kịch bản từ năm 1966, khi đi thực địa ở chiến trường Đồng Tháp Mười. Phim dõi theo cuộc sống thường ngày của cặp vợ chồng làm nghề giao liên trên một cánh đồng ngập nước tại Đồng Tháp Mười thời chiến tranh.

Nhờ bối cảnh độc đáo là cánh đồng hoang, phim khai thác triệt để ba tầng không gian - trên mặt nước, dưới mặt nước và trên không trung (nơi máy bay địch quần thảo). Tác phẩm thành công còn nhờ diễn xuất chân thực của cặp nghệ sĩ Lâm Tới cùng Thúy An.

Thị xã trong tầm tay (1982)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-3

Thị xã trong tầm tay là tác phẩm giúp phát hiện tài năng điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh - nhà làm phim có cảm quan điện ảnh độc đáo so với những đàn anh đi trước. Phim lấy bối cảnh ngay sau cuộc Chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979, kể về hành trình của nhà báo tên Vũ lên Lạng Sơn để làm phóng sự về tình hình thị xã sau khi quân Trung Quốc tàn phá và rút về bên kia biên giới. Cùng lúc, người đàn ông chất vấn lại quá khứ đáng xấu hổ của bản thân. Ngày xưa, anh từng bỏ rơi cô người yêu thuở sinh viên vì nhạy cảm chính trị.

Phim là câu chuyện giàu tự sự, được quay bằng những khung hình đen trắng đậm chất thơ lấy chính bối cảnh là những đống đổ nát và hoang tàn của thành phố vừa bị giặc tàn phá. Đạo diễn Đặng Nhật Minh thuật lại trong cuốn Hồi ký điện ảnh rằng khi ông ghi hình, thị xã Lạng Sơn vẫn còn ngổn ngang đổ nát, hệt như một trường quay khổng lồ không cần phải tốn công dàn dựng. "Dân chúng chưa được phép trở về nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ hiện trường". Ngoài ra, ông cũng thừa nhận đây là phim giàu chất điện ảnh nhất của bản thân tới hiện tại.

Làng Vũ Đại ngày ấy (1983)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-4

Trong lứa những nhà làm phim đời đầu điện ảnh Việt, NSND Phạm Văn Khoa gắn liền với những tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết hiện thực phê phán trước năm 1945. Làng Vũ Đại ngày ấy là tác phẩm nối tiếp phim Chị Dậu (1980) của chính ông. Phim chuyển thể ba truyện ngắn kinh điển của Nam Cao - gồm Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc - là bức tranh rộng về nông thôn Việt Nam trước 1945 và mô tả chân thực số phận con người cùng khổ của Việt Nam dưới chế độ phong kiến và thực dân đầu thế kỷ 20.

Cũng nhờ tác phẩm này, hai nghệ sĩ gạo cội là Đức Lưu và Bùi Cường thành danh với vai diễn có một không hai trên màn bạc là Thị Nở và Chí Phèo. Sau khi khổ công hóa thành những nhân vật có số phận trớ trêu và cay nghiệt, Đức Lưu diễn tiếp vài phim rồi ngừng sự nghiệp và sống cuộc đời hạnh phúc, còn nghệ sĩ Bùi Cường gắn bó với nghề đạo diễn.

Bao giờ cho đến tháng Mười (1984)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-5

Bao giờ cho đến tháng Mười là bộ phim báo hiệu thời Đổi mới của điện ảnh Việt Nam bởi tính phản biện xã hội cao trong nội dung tác phẩm. Đạo diễn Đặng Nhật Minh kể: "Phim trải qua 13 lần kiểm duyệt sau khi dựng xong. Tôi cảm tưởng như mình là kẻ tội phạm bị các phiên tòa lôi ra xét xử liên tục. Tưởng đã thoát được trong phiên này lại bị lôi ra xử lại trong phiên khác". Cuối cùng, tác phẩm được Tổng Bí thư Trường Chinh xem trước khi ông cho chiếu rộng rãi. 

Cốt truyện có ý tưởng gốc đắt giá, kể về một người phụ nữ trẻ phải tìm cách giấu bố chồng già yếu việc con trai ông đã hy sinh ngoài mặt trận. Trong khi phải chịu đựng nỗi đau âm thầm cho riêng mình, người phụ nữ trẻ vướng vào bê bối có tình riêng với thầy giáo làng sau khi đã nhờ anh viết những bức thư giả thay chồng gửi về cho bố.

Vượt lên một câu chuyện thời cuộc, phim phơi bày di sản của đất nước trải qua gần nửa thế kỷ chiến tranh - nỗi đau đớn và giày vò mà hàng thế hệ người phụ nữ Việt phải chịu đựng như nhân vật nữ chính. Tác phẩm tạo được không khí đậm màu văn hóa và tín ngưỡng châu Á nhờ những cảnh hát Chèo hay trường đoạn người sống gặp người chết trong phiên Chợ Âm Dương. Năm 2008, tạp chí CNN bình chọn phim vào danh sách 18 tác phẩm châu Á hay nhất. 

Chuyện tử tế (1985)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-6

Chuyện tử tế là một hiện tượng phim tài liệu của điện ảnh Việt Nam. Thay vì có nội dung cổ động như mọi tác phẩm tài liệu sản xuất trong thời kỳ bao cấp, bộ phim của NSND Trần Văn Thủy kể về chính những người làm phim chất vấn quá trình làm phim tài liệu của họ. Tác phẩm thể hiện ý chí độc lập của các nhà làm phim với tư cách người nghệ sĩ, một công dân và một con người.

Ban đầu, tác phẩm từng gây xôn xao trong giới làm phim Việt khi bị cấm chiếu bởi nội dung gai góc phê phán hiện thực xã hội thời bao cấp. Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh can thiệp giúp phim được phát hành rộng rãi và được khán giả khắp nơi đón nhận. Bộ phim đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế trong đó có giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Dok Leipzig (Đức) vào năm 1992. 

Cô gái trên sông (1986)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-7

Tác phẩm kể về một cô gái bán hoa từng chở che cho cán bộ biệt động Sài Gòn hồi trước 1975 và chịu số phận nghiệt ngã sau ngày đất nước chấm dứt chiến tranh. Người chiến sĩ cô chở che ngày xưa phụ bạc lại cô và giờ đây trở thành một cán bộ cao cấp, quên đi ơn nghĩa ngày xưa.

Cô gái trên sông tiếp tục là tác phẩm gai góc về thời bao cấp của đất nước. Phim được kiểm duyệt dễ dàng bởi đất nước bắt đầu bước sang Giai đoạn đổi mới. Những câu chuyện phản biện về xã hội và những chi tiết nhạy cảm như hở cơ thể nghệ sĩ Minh Châu gây ấn tượng với người xem.

Biệt động Sài Gòn (1982 - 1986)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-8

Cùng Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn là series ăn khách kỷ lục của điện ảnh Việt Nam cuối thời bao cấp, báo hiệu những câu chuyện có khả năng hút khách đến rạp. Khởi động từ năm 1981, tác phẩm ban đầu được đặt hàng bởi Thiếu tướng Hải Phụng (nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, lúc ấy là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP HCM) đặt hàng. Phim bấm máy trong hơn bốn năm và chia làm bốn tập.

Chủ nhiệm Vũ Văn Nha của phim kể lại, sau khi ra mắt, tác phẩm thu hút hơn 10 triệu lượt khán giả đến rạp. Cốt truyện kể về những chiến công của các lực lượng biệt động ở Sài Gòn ngày xưa. Phim là bệ phóng tên tuổi của hàng loạt diễn viên từ vai chính đến vai phụ như Thương Tín, Quang Thái, Thúy An, Thanh Loan, Hà Xuyên.

Ván bài lật ngửa (1982-1987)

nhung-bo-phim-viet-dinh-dam-nhat-thoi-bao-cap-9

Ván bài lật ngửa là series kinh điển của điện ảnh Việt Nam trước thời Đổi mới. Bộ phim mô phỏng quãng đời hoạt động của các nhân vật gián điệp có thật ngoài đời của Đảng Lao động Việt Nam hoạt động trong lòng địch trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là tình báo viên Phạm Ngọc Thảo.

Tác phẩm dài hơi mang đậm phong cách làm phim Hollywood của nhà làm phim Lê Hoàng Hoa - người từng được đào tạo bài bản về điện ảnh ở Mỹ. Phim chuyển thể từ tiểu thuyết tình báo cùng tên của nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý. Vai điệp viên Nguyễn Thành Luân do Nguyễn Chánh Tín và vai Thùy Dung do Thúy An và Thanh Lan thể hiện. Nguyễn Thành Luân cũng là vai diễn để đời của nam diễn viên gạo cội.

Năm 1986, đất nước chấm dứt thời bao cấp và bước sang giai đoạn Đổi mới. Tuy nhiên, sau Cô gái trên sông, Biệt động Sài Gòn và Ván bài lật ngửa, điện ảnh Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng trước khi thể loại phim video và dòng phim "mỳ ăn liền" hưng thịnh đầu thập kỷ 1990./.

Đọc thêm

Gần 200 tác phẩm tham gia sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”

Gần 200 tác phẩm tham gia sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời” (ảnh BTC).
(PLVN) - Trong suốt thời gian phát động sáng tác âm nhạc “Sáng đạo trong đời”, Ban Tổ chức đã nhận được gần 200 tác phẩm âm nhạc được sáng tác giàu cảm xúc và mang giá trị tinh thần sâu sắc. Điều này không chỉ thể hiện tài năng, tâm huyết của các tác giả mà còn là minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của Phật pháp trong đời sống văn hóa và nghệ thuật.

'Cánh chim đầu đàn' của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có cống hiến to lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu)
(PLVN) - Được biết đến là người tiên phong trong sáng tác nhạc cách mạng, nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận sở hữu kho tàng những tác phẩm âm nhạc cách mạng bất hủ, sống mãi với thời gian. Ngày nay, trong các buổi hòa nhạc hay đêm nhạc tôn vinh trang sử hào hùng và chói lọi của dân tộc Việt Nam, âm nhạc của ông vẫn vang lên như ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành

MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành
(PLVN) - MV “Đà Nẵng vẫy gọi yêu” chính thức phát hành vào tháng 12/2024. Đây là dự án âm nhạc mới nhất của nhạc sĩ Lê Minh Phương và đạo diễn Phan Ngọc Trung - được lấy cảm hứng từ ý thơ của nhà thơ Dương Quyết Thắng.

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024

Lý do Kiều Duy đăng quang Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024
(PLVN) - Theo Trưởng Ban tổ chức Phạm Kim Dung, Kiều Duy được chọn vì sở hữu hình thể cân đối, hài hòa, trí tuệ xuất sắc và đáp ứng tiêu chí của cuộc thi. Cô có tố chất cần thiết để tham gia cuộc thi sắc đẹp quốc tế.

NSND Mai Hoa ra mắt đĩa than “Nốt trầm”

“Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa (ảnh BTC).
(PLVN) - “Nốt trầm” không chỉ là một phong cách âm nhạc mà còn là thương hiệu giọng hát của NSND Mai Hoa. NSND Mai Hoa thích hát những bài buồn, nhưng là buồn ánh lên tia hy vọng, ánh lên niềm lạc quan về cuộc sống chứ không phải buồn não nề, bi ai.

"Hoa hậu Việt Nam năm 2024" góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc

Các Hoa hậu: Tiểu Vy, Ngọc Hân, Đỗ Thị Hà, Đỗ Mỹ Linh cùng hội ngộ (ảnh BTC).
(PLVN) - Được thiết kế chuỗi hoạt động giàu tính thực tế, đậm chất nhân văn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 sẽ góp phần nhân lên niềm tự hào dân tộc, lan tỏa lòng nhân ái và khát khao chinh phục những đỉnh cao mới trong mỗi người dân đất Việt, để từ đó làm "Rạng rỡ Việt Nam".

Nguyễn Mộc An dành Quán quân "Tiếng hát Hà Nội 2024"

Thí sinh xứ Nghệ Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi (ảnh BTC).
(PLVN) - Tối 25/12/2024 tại Nhà hát Hồ Gươm, Chung kết cuộc thi Tiếng hát Hà Nội 2024 do Đài Hà Nội tổ chức đã diễn ra với 15 thí sinh tranh tài. Với ca khúc "Lời ru" (sáng tác: Quang Thái) và "Mênh mang một khúc sông Hồng" (sáng tác: Phó Đức Phương), thí sinh xứ Nghệ - Nguyễn Mộc An đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi.

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam

Cần “luồng gió mới” cho phim truyền hình Việt Nam
(PLVN) - Sau giai đoạn thành công với các bộ phim về đề tài gia đình, phim truyền hình Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi các mô típ quen thuộc dần trở nên nhàm chán. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của những tác phẩm khai thác các đề tài mới mẻ cho thấy tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự cần thiết của một “luồng gió mới” để làm phong phú mảng phim truyền hình và đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.

Triển lãm “Thiên Quang” - câu chuyện ánh sáng đất trời Thăng Long

Triển lãm truyền tải ý nghĩa về ánh sáng đất trời, tri thức, văn hóa và lịch sử lâu đời đất Thăng Long (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm “Thiên Quang” khai thác câu chuyện về ánh sáng thiêng liêng của trời và đất soi chiếu Thăng Long - nơi hội tụ văn hóa, lịch sử và tinh hoa nghề thủ công truyền thống diễn ra tại khu Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Từ ngày 22/12/2024 đến ngày 25/3/2025

Câu chuyện thoát nghèo của người phụ nữ Mường chinh phục Liên hoan phim quốc tế

Chị Bùi Thị Thu Huyền cầm trên tay hai chiếc cúp danh dự của Liên hoan phim SineMaya 2024. (Ảnh: TYM)
(PLVN) - Những ngày cuối năm 2024, tin vui đã đến khi bộ phim ngắn mang tên “Escaping Poverty: A Story of a Muong Woman Supported by TYM” được xây dựng dựa trên câu chuyện có thật của chị Bùi Thị Thu Huyền, một phụ nữ dân tộc Mường sống tại Thanh Sơn, Phú Thọ, đã đạt giải tại Liên hoan phim quốc tế SineMaya 2024. Bộ phim gây ấn tượng khi chị Huyền và các thành viên trong gia đình tự đóng vai chính, mang đến cảm xúc chân thực và sâu sắc.

Cuộc đời buồn của 'ông hoàng bolero' Trúc Phương

Những bản nhạc sầu thương đã vận vào đời nhạc sĩ Trúc Phương. (Nguồn: Amnhac.net)
(PLVN) - Nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng khoảng những năm 60 của thế kỷ trước với dòng nhạc bolero uyển chuyển, hấp dẫn. Mỗi câu hát, lời ca của ông đều gắn liền với thân phận con người trôi nổi, đau thương, buồn khổ. Có lẽ, âm nhạc đã vận vào cuộc đời của nhạc sĩ Trúc Phương “chữ tài đi với chữ tai một vần”.