“Chừng đó đủ dùng cho con trong bao lâu nhỉ?”
Hai câu chuyện dưới đây kể về hai bà mẹ, tuy khác nhau về màu gia, quốc tịch, nhưng họ đã gặp nhau ở quan điểm: trở thành bạn của con.
Ở câu chuyện thứ nhất, người mẹ được cô giáo gọi điện thoại nói rằng nhân dịp Giáng sinh con muốn có một bộ đồ chơi Lego Friend ở MyKingdom, siêu thị đồ chơi trẻ em mà con rất thích. “Mẹ đã đến MyKingdom và tần ngần đứng trước bộ Lego Friend giá 849.000 đồng, sau đó quyết định mua cho con một bộ nhỏ giá 159.000 đồng, gói ghém cẩn thận và đưa gửi cô.
Chiều hôm đó, con điện thoại cho mẹ, nói không hài lòng về món quà đó. Đương nhiên, con thích bộ to. Buổi tối mẹ đi làm về, thấy con buồn, thậm chí dỗi không ăn cơm, dù mẹ dỗ dành nhiều. Cuối cùng, mẹ đã phải nói ra sự thực rằng "con hãy suy nghĩ về việc có nên mua Lego hay không vì những miếng lego nhỏ như vậy sẽ rất nguy hiểm cho em Sáo (15 tháng tuổi), khi bây giờ em có xu hướng nhặt nhạnh mọi thứ và cho vào miệng. Nếu con có bộ Lego đó, con cũng sẽ phải chơi một cách kín đáo, thậm chí là chơi giấu em, để khỏi nguy hiểm cho em.
Con cũng phải suy nghĩ về việc chúng ta có nên chi ra một số tiền lớn để mua đồ chơi cho con hay không. Con sẽ không tưởng tượng được 849 ngàn đồng nó lớn như thế nào, nhưng nếu con nghĩ rằng số tiền đó cả gia đình ta có thể ăn được trong 4 đến 5 ngày, thì con sẽ thấy được nó lớn đến chừng nào. Sự thực là mọi món quà của con đều từ túi bố mẹ mà ra cả. Trong khi đó bố mẹ còn phải vất vả nhiều để nuôi các con ăn học. Bố mẹ vẫn đang phải tiết kiệm rất nhiều để trả tiền học cho con, để mua sách vở và nhiều thứ khác cho gia đình mình”.
Sau câu chuyện của người mẹ, cậu con trai nhỏ đã hiểu ra và hết buồn. Còn chị, trong vai trò của mẹ biết rằng, “có thể con đã buồn và mẹ cũng thấy áy náy vì đã khiến con bớt lãng mạn đi một chút. Nhưng sự thực là thế con ạ. Con cần phải học cách nhìn cuộc sống thực tế hơn, rằng trên đời này không có gì là miễn phí cả, kể cả quà từ ông già Noel, con ạ”.
Câu chuyện thứ hai, cũng đến từ một dịp Giáng sinh ở Mỹ, cậu con trai đang bước vào tuổi trưởng thành choáng váng trước món quà của mẹ, để rồi sau đó, cả cuộc đời mình, cậu luôn nhớ đến mẹ với lòng biết ơn vô hạn. "Năm ấy, tôi 17 tuổi và ăn kỳ Noel cuối cùng cùng gia đình trước khi vào đại học. Cũng giống như hầu hết các gia đình khác, chúng tôi có truyền thống tặng quà cho nhau vào buổi sáng Giáng sinh và tất cả mọi người đều mong chờ đến giây phút vui vẻ đó. Mẹ tôi luôn là người chuẩn bị đồ dùng cho cả nhà và bà thường tranh thủ dịp này để sắm đồ cho cả năm. Tất, đồ lót, lăn khử mùi, thuốc đánh răng, nến...
Bà luôn hiểu mối quan tâm của chúng tôi tại từng thời điểm là gì và tặng những món quà phản ánh đúng mối quan tâm đó. Khi tôi còn bé, đó là thẻ chơi bóng chày. Bước vào tuổi teen, tôi nhận được từ mẹ kem cạo râu. Nhưng nay thì tôi đã 17 tuổi, có bạn gái và chuẩn bị trở thành sinh viên. Tôi tự hỏi không biết bà sẽ sắm cho mình món gì. Và khi lục lọi đống đồ mẹ chuẩn bị sẵn cho mình, tôi bắt gặp một thứ kỳ lạ.
Một chiếc hộp vuông 6 x 6 inch khá lớn, được gói giấy cầu kỳ. Và khi những ngón tay của tôi xé toạc gói giấy, tôi đã sững người, gần như là sốc. Vì trong tay tôi chính là một hộp bao cao su 36 chiếc. Đúng, chính xác, mẹ tôi đã tự tay bọc giấy cho một hộp bao cao su và đặt nó vào trong hộp nhu yếu phẩm nhân dịp Giáng sinh của con trai.
"Chúc mừng Giáng sinh, con yêu. Chừng đó đủ dùng cho con trong bao lâu nhỉ, 1 tuần?", mẹ tôi mỉm cười. Tôi chỉ mới quan hệ vài lần từ mùa hè và mua bao cao su vẫn còn là một trải nghiệm đáng sợ đối với tôi, vậy mà mẹ đã biết và đã giúp tôi vượt qua nỗi sợ đó. Giờ đây, tôi cũng đã là bậc làm cha làm mẹ, tôi nhận ra rằng mẹ tôi thực sự là một thiên tài.
Với món đồ đó, bà cho thấy rằng tôi không có gì phải ngượng ngập với nhu cầu đến tuổi của mình, trái lại, nó còn nhắc cho tôi nhớ nhiều đến sự an toàn và trách nhiệm khi quan hệ. Khi không có cách nào để né tránh thì cách tốt nhất chính là đối diện với sự thật và chuẩn bị tốt nhất cho nó”.
Không có nghĩa là "cá mè một lứa"
Hai câu chuyện trên đây nghe có vẻ hấp dẫn thật nhưng không phải lọt tai tất cả các bậc cha mẹ, bởi nhiều người nghĩ rằng sao lại làm bạn với con khi mình là cha, là mẹ, con phải nghe lời, phải sợ và nể mình mới đúng. Từ suy nghĩ này mà trong nhiều trường hợp giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ không thể bình tâm trò chuyện hay lắng nghe con, lại càng khó điều chỉnh ngôn ngữ của mình sao cho thích hợp. Kết quả là cuộc trò chuyện bị cắt đứt, mối quan hệ bị phá vỡ và việc làm bạn với con trở thành món ăn khó kiếm hơn cả "gan trời", theo suy nghĩ của không ít bậc phụ huynh.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Tuy nhiên, theo TS. Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, thực chất của chuyện làm bạn ở đây không có nghĩa "cào bằng" hay "cá mè một lứa" mà là sự làm bạn rất tinh tế, là để giữ được sự thân thiện, làm giảm đi khoảng cách giữa hai thế hệ và tạo sự thoải mái, chân tình nhằm sẻ chia, tâm sự... Để làm bạn với con, kiểu nói chuyện phủ đầu khi trò chuyện với con không thể có chỗ đứng.
Thay vào đó làm bạn với con đòi hỏi cha mẹ cần chú ý những điều như: đến với con bằng suy nghĩ rằng con mình cũng là một cá thể, việc hai cá thể có những suy nghĩ khác nhau là chuyện hết sức bình thường; chủ động chuyện trò với con những vấn đề mình đang gặp phải, những vấn đề xảy ra ở gia đình mình chứ không hẳn chỉ hỏi chuyện của con, nên giúp trẻ thấy vai trò của trẻ như là một người bạn sẻ chia, một thành viên có trách nhiệm; tôn trọng con và chấp nhận những khoảng không bí mật của con cái; hạ bớt cái tôi của mình, tạo cho con cảm giác thân tình thực sự khi trò chuyện, khi cần, giả thua con hay giả "ngây ngô” cũng là biện pháp hữu hiệu; cố gắng điều chỉnh ngôn ngữ trò chuyện, dẹp bớt thói quen gia trưởng hay "chỉ đạo". Điều này sẽ giúp trẻ cảm nhận được tình bạn đích thực chứ không phải là tình bạn ngụy tạo…
“Làm bạn với con là bài toán khó nhưng vẫn có lời giải nếu mỗi người nỗ lực hết mình bằng sự điều chỉnh nhất định trong quan niệm cũng như trong sự ứng xử với con cái. Làm bạn được với con, các bậc cha mẹ sẽ cảm nhận được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống gia đình” – TS. Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.