“Con Giời” hành dân, mắc bẫy phóng viên

Cảnh chữa bệnh trên điện của “cụ Tám giời”.
Cảnh chữa bệnh trên điện của “cụ Tám giời”.
(PLO) - Chứng kiến rất nhiều màn kịch chữa bệnh tâm linh đầy lố lăng của “cụ Tám Giời” và những “diễn viên không chuyên” là đám đệ tử Heo, Chó, Lợn… (đặt tên theo 12 con giáp) theo hầu “cụ”, phóng viên quyết định nhập vai người bệnh để dùng thân xác của mình cho “cụ Giời” hành hạ. 
Tẩm quất chữa vong hành
Với lý do nhà ở xa, phải đi từ đêm hôm và từng hụt một lần nên tôi đã tìm cách nói khéo với một đệ tử của “cụ Tám” để xin được “cụ” khám chữa bệnh trước. Cùng với đó, lúc nào tôi cũng kè kè theo hầu “cụ Tám” kể cả giờ nghỉ trưa. 
Cũng giống như tôi, tại ngôi nhà nơi “cụ Tám” nghỉ có cả chục người túc trực không rời một bước để săn đón “cụ”. Vậy là vì nghỉ trưa không được yên thân nên “cụ Tám” đành phải ra tay “soi” bệnh chữa tại chỗ. 
Tôi được chứng kiến cảnh “cụ Tám” chữa bệnh đứt đoạn đường duyên, tác hợp cho một đôi bạn trẻ yêu nhau. Sau đó, “cụ Tám” xuống bếp trò truyện với đám đệ tử chưa được bao lâu thì có một phụ nữ tuổi trung niên dẫn hai đứa cháu gái xinh xắn chừng 7-8 tuổi đến xin chữa bệnh. 
Sau vài cái nắn bóp khắp chân tay hai đứa trẻ, “cụ” phán không được cho chúng đeo vòng trang sức, kể cả vòng bạc để tránh gió vì ma quỷ thích đồ trang sức sẽ theo ám... rồi hẹn ngày hôm sau lên làm lễ lại.
Cuối cùng, sau nhiều vòng lân la, tôi cũng được phép diện kiến “cụ Tám Giời”. Tôi trình bày triệu chứng bị vong hành nhiều đêm mất ngủ, còn đầu thì đau lan man (trong khi ở cơ quan thì so với các đồng nghiệp khác, tôi thuộc dạng dễ ăn, dễ ngủ, không bao giờ bị đau đầu). 
Ngoài ra, tôi còn chân thành nói rằng tôi đã đi khám chữa, giải tà trừ ma ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Nghe xong, “cụ Tám” nhìn sâu vào đôi mắt tôi mà nói chắc như đinh đóng cột: “Yên tâm, cụ đấm cho vài cái là khỏi ngay”.
Không cần lên tới chính điện, “cụ Tám” sai luôn người trải chiếu ngay trong bếp để “hành nghề” chữa bệnh cho tôi. Lúc này, đệ tử Lợn của “cụ Tám” vẫn đang nằm ưỡn ra trong bếp, chốc chốc lại rên rỉ, kêu khóc rồi nũng nịu với “cụ Tám” như đứa trẻ. Những người tò mò vẫn xúm xít vây quanh.
“Bị thằng cháu nội mất khi được 7 tháng tuổi nhập vào đấy, lâu lắm rồi hôm nay nó lại về nhập vào cụ Lợn”, “cụ Tám” giải thích. Vậy là, nhà bếp bỗng chốc trở thành chính điện để “cụ Giời” “hành nghề”.
Trong không gian bếp chật hẹp bừa bộn, tôi ngồi đối diện với với “cụ Tám”, hồi hộp chờ xem màn kịch chữa bệnh vong hành của mình có bị bại lộ không. Liền sau đó, cụ Lợn đang nằm phưỡn dưới chiếu quát: “Khoanh gối vào! Ngửa tay, ngẩng mặt lên!”.
Tôi tỏ vẻ bối rối rồi cũng cuống quýt làm theo, khoanh gối, ngồi im chờ đợi xem điều gì sắp xảy ra. Lúc này cụ Tám mới bắt đấu hất hàm hỏi: “Thế đứa này bị làm sao? Ở đâu đến?”.
“Dạ con ở Quảng Ninh, con bị đau đầu mất ngủ, đi xem thì người ta bảo bị vong theo”, tôi tỏ vẻ khúm núm.
“Nhẹ đầu chưa? Nhẹ đầu chưa?”, với những câu hỏi liên tiếp, “cụ Tám” cũng đấm thùm thụp từ trước ra sau đầu tôi. Hết đấm vào đầu, “cụ Tám” lại đấm xuống vai, lưng tôi. Vừa đấm, “cụ” vừa hỏi: “Nhà ngươi đội bát hương ở đâu?”.
Đang cảm nhận những thay đổi trên cơ thể sau hàng loạt cú “liên hoàn đấm” của “cụ Tám”, tôi cố trả lời: “Dạ bẩm cụ, nhà con đội ở Quảng Ninh ạ!” (thực chất tôi chưa từng đội bát hương ở đâu).
Nói đoạn, “cụ Tám” lại vung tay múa chân, xưng danh thần thánh trước sự chứng kiến của mọi người: “Ta là thần đây! Thần nước Việt Nam, trông thấy ta là phải sợ một phép. Ta sờ đến ai là người đó được phúc”.
Trong khi nói, “cụ Tám” cũng không quên luôn tay nắn bóp tay, chân rồi bới tung cả tóc tôi ra, kêu quay ra trước, rồi lại quay ra sau như quay chong chóng.
- Ngươi tuổi con gì? “Cụ Tám” hỏi.
- Dạ là con gà. Tôi đáp
- Mày là con gà dưới địa. Mày đi đội bát hương có lỗi phải đi làm lễ. Hôm nào đến đây ta cho đội lễ.
- Là như thế nào hả cụ?
- Không được! Không được! Nhớ chưa? 
“Cụ Tám Giời” không giải thích mà quát ầm lên rồi tát liên tiếp vào đầu tôi.
Những người xung quanh hô hào: “Sám hối cụ đi, sám hối đi”. Dù không hiểu gì nhưng tôi cũng giả bộ sợ sệt, run rẩy cúi lạy và lẩm bẩm: “Con sám hối cụ ạ!”.
“Quay lưng ra đây, ngửa tay lên, về đây cụ làm cho khắc khỏi con ạ”, “cụ Tám” dịu giọng, khác hẳn giọng quát tháo ban nãy.
Cứ như vậy, màn chữa bệnh như tẩm quất của “cụ Tám” diễn ra chừng 5 phút thì kết thúc. Cụ Tám giật giọng hỏi: “Thế đi với ai?”. Tôi hướng mắt ra ngoài cửa chỉ bảo đi cùng người yêu mà thực chất là anh bạn đồng nghiệp. “Cụ giời” lệnh cho tôi gọi “người yêu” vào. 
Cũng giống như tôi, anh chàng này tỏ vẻ lúng túng vì không biết hành xử thế nào nên quỳ hai chân ngồi trước mặt cụ. Thấy tư thế có vẻ chưa đúng, những đệ tử Chó, Lợn của “cụ” ngồi ngoài bắt đồng nghiệp của tôi phải ngồi khoanh chân, dáng thiền, đặt tay lên đùi để cụ “soi” bệnh.
“Cụ Tám” lại tiếp tục đấm vài nhát vào đầu anh này rồi hỏi: “Nhẹ chưa?”. Có lẽ không muốn bị ăn đấm nữa nên đồng nghiệp của tôi vội trả lời: “Nhẹ đầu rồi”. 
Chỉ chờ có thế, “cụ Tám” lập tức cười oang oác, nghe chừng rất hả hê. Sau đó, “cụ” nói một tràng: “Hai đứa yêu nhau lâu chưa? Bao giờ cưới? Yêu nhau phải đến trọn đời, trọn kiếp...”.
Cuối cùng, để hoàn tất các thủ tục chữa bệnh cho “bệnh nhân”, “cụ” hẹn tôi mùng 1 (tức ngày hôm sau) quay lại “cửa Giời” để “cụ” làm lễ cho. Tôi dạ vâng và cám ơn “cụ” rồi rảo bước ra về, trong đầu vẫn còn tiếng ong ong là hậu quả của những cú đấm mà “cụ Tám” để lại.
“Bụt chùa nhà không thiêng”
Khi phóng viên tiếp xúc với một số người dân địa phương, không ít người đã cười trừ hoặc lắc đầu ngao ngán khi nói về “cụ giời”. Một người phụ nữ ở nhà gần nhà “cụ Tám” bức xúc: “Dân ở đây không ai đến, đều từ nơi khác về. Đau yếu phải đi bệnh viện, có tài thì nhà nước đã trưng dụng. Đây chỉ đi lừa, toàn là chân rết môi giới. “Cụ Tám” này chỉ là lừa đảo, trước đòi làm quan, ai không gọi quan thì dọa, nay đòi làm giời. Bản thân họ hàng con cháu nhà “cụ Tám” cũng có người mắc bệnh mà “cụ” chẳng chữa được . Vì vậy, độc là lừa đảo”.
Lần theo địa chỉ một số người từng đến chữa bệnh nhà “cụ Tám”. Tôi tìm gặp một người phụ nữ tên Hà, quê ở tỉnh Hưng Yên. Chị Hà cho biết, từng tới nhà “cụ Tám” chữa bệnh về mắt.
Trước đó, chị cũng đã điều trị ở bệnh viện khá lâu nhưng nghe người làng đồn thổi tài chữa bệnh của “cụ Tám”, không biết thực hư thế nào nhưng chị cũng quyết định thử đi vì thấy phương pháp chữa bệnh lạ. Tuy nhiên, sau khi được “cụ Tám” chữa thì bệnh tình của chị không có gì tiến triển. “Đi thì đi giải phóng tư tưởng thôi. Nói về khoa học thì hoàn toàn không có. Chỉ có người quá mê muội thì tin thôi”, chị Hà nhận định. 
Vì vậy, chị Hà đưa ra lời khuyên: “Chữa bệnh không có thuốc, cũng chỉ tin nửa vời, có nghe cũng có người khỏi nhưng không được kiểm chứng. Đi khám hay làm gì cũng phải có khoa học. Có trường hợp u ác tính nổi đầy tay, cụ Tám cũng mổ theo trí tưởng tượng nhưng mình biết trường hợp đó chả thể nào khỏi được”.
Theo đoàn đi khám cũng có chồng của chị Hà chữa bệnh đau đầu. Anh này cho biết cũng được “cụ Tám” “tiêm khí” vào tay. Anh cảm nhận được có luồng khí lạnh chạy từ tay cụ Tám vào cơ thể theo nhịp tim. Nhưng cách này của cụ Tám giống hệt với một người anh trai của anh này theo học môn Nhân điện cũng có thể truyền năng lượng cho người đối diện. 
“Cụ Tám” làm được như vậy, cũng không phải siêu nhiên gì, phương pháp này hoàn toàn có thể mua sách về học, chỉ cần thời gian kiên trì học tập sẽ làm được như vậy. Bản thân vợ chồng anh chị Hà trong vài lần đi khám cũng nhờ “cụ Tám” chữa bệnh vô sinh nhưng kết quả chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Vì vậy, với cách khám chữa của “cụ Tám” nói về khoa học hoàn toàn không có cơ sở. Có bệnh thì tốt nhất đi bệnh viện. 
Trao đổi với phóng viên, ông Thân Quang Thiều, Phó Chủ tịch xã Tăng Tiến cho biết, hoạt động chữa bệnh của “cụ Tám” đã diễn ra hơn chục năm nay. Người dân địa phương rất hiếm gặp, hầu hết là ở địa phương khác, có cả những người là quan chức đến lễ tại điện của bà Tám. Về quan điểm của mình, ông Thiều nói chữa bệnh bằng cách phù phép thì đúng là trò diễn mê tín dị đoan.
Trước kia địa phương cũng đã nhắc nhở “cụ Tám, thi thoảng vẫn mời “cụ” tới giáo dục không được lợi dụng mê tín để hành nghề nhưng khó xử lý dứt điểm. Còn khi phát hiện có dấu hiệu phạm pháp nghiêm trọng thì chính quyền chắc chắn sẽ xử lý, không dung túng. Sẽ cho cán bộ vào xem xét, đầu tiên là giáo dục, sau đó nếu có hiện tượng thì chỉ xử lý hành chính. Nhưng khó khăn là cán bộ địa phương tới thâm nhập thì bị “động”, cần phải nhờ cấp chính quyền cao hơn. 
Ông Thiều đưa ra lời khuyên: “Thời đại khoa học công nghệ, bệnh phải được phát hiện và chữa trị ở những cơ sở nhà nước công nhận. Không động viên nhân dân, đặc biệt phải cảnh giác với việc chữa bệnh bằng mê tín dị đoan. Cách chữa bệnh của bà Tám không bao giờ khỏi bệnh, bệnh phải biết là cái gì mới chữa không biết thì chữa làm sao. Có khi nhiều người đi chữa nhiều nơi về đây thuốc mới ngấm thì khỏi. Cuối cùng, người chữa được thì không được hưởng công, còn người không chữa được lại được hưởng lợi”./.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.