Tranh bích họa được vẽ trên hai vách tường dài khoảng 800m trên đường Trần Quốc Toản nối Phan Đình Phùng với Bến Ninh Kiều. Đoạn đường này nối tiếp “Phố Ông Đồ” bên công viên Tao Đàn, trở thành điểm nhấn tô điểm phố phường Cần Thơ dịp xuân Canh Tý 2020.
Đường tranh bích họa
Ý tưởng biến con đường vắng, cũ kỹ, mất vẻ mỹ quan thành tuyến đường tranh bích họa sinh động, mới lạ, đầy màu sắc được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều người Cần Thơ; đặc biệt là những cao niên, những người có hơn nửa cuộc đời đã gắn bó với Cần Thơ. Những cây cầu sắt, cầu ván, hẻm nhỏ, đường mòn, phương tiện thô sơ… cứ nghĩ chỉ tồn tại trong ký ức, nay lại được tái hiện sinh động.
Trước đây, du khách đến Cần Thơ muốn tìm hiểu chiêm ngưỡng khung cảnh Tây Đô xưa chỉ có thể vào Bảo tàng hoặc thăm các đợt trưng bày của Thư viện tại các dịp lễ hội, thì nay nét xưa Cần Thơ đã “xuống đường”, hòa nhập chung với đời sống hiện đại.
Nhìn lại xưa để thấy sự phát triển ngày nay và nhìn ngày nay để hồi ức về nét truyền thống xưa. Nhiều hình ảnh phố phường xa xưa vừa quen vừa lạ đã tái hiện lại nét đẹp văn hóa, phong tục của người dân Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
Hình ảnh những chiếc xe lam chở học sinh đến trường không khỏi làm nao lòng. Chiếc xe lôi máy, xe lôi đạp, những nét xưa nhà lồng cổ, hài hòa bên nét mới của Chợ nổi Cái Răng và cầu đi bộ duyên dáng uốn lượn khoe bóng dưới dòng sông Cần Thơ.
Đi ngang tuyến đường này, nhiều người phải dừng chân trầm trồ nhìn từng bức tranh, hoài niệm về quá khứ. Ông Nguyễn Văn Chương (ngụ quận Ninh Kiều)nói: “Ai thích hiện đại thế nào tôi không biết, nhưng tôi vẫn thích thú với một số nét cổ xưa. Những bức tranh bích họa làm tôi mường tượng ra hình ảnh quê hương xưa lúc 9-10 tuổi. Tôi chạy xe bán cây cảnh nên những con đường xưa bây giờ ngày nào cũng chạy ngang nhưng lại thấy nuối tiếc vì không còn cảnh cũ”.
Nhìn Nhà lồng cổ qua nét vẽ họa sĩ, ông Chương bùi ngùi thương nhớ: “Nhà lồng cổ là nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Lúc ở đó má tôi bán cháo lòng, còn có tiệm trà Hiệp Mậu. Gần đó có tiệm thuốc bắc Nhuận Thọ Đường, hồi nhỏ bị bệnh nhờ uống thuốc tán của ông thầy Tàu mới khỏi”.
Theo ông Chương, trước đây người dân đi đâu xa thì đi xe lam, còn gần thì đi xe lôi. Ai có nhiều tiền thì đi xe lôi máy, ít tiền thì đi xe lôi đạp.
“Hồi đó, tôi hay đi xe lôi đạp vô Tham Tướng thăm ông chú, tự nhiên bây giờ nhìn thấy tấm hình này mà thấy nhớ. Trước đây mấy người chạy xe lôi hay tập trung ở Hàng Dừa đối diện nhà lồng cổ vì ở đó có bóng cây với gió thổi mát rượi. Còn xe lam đậu nhiều ở đường Nguyễn An Ninh. Người ta đi Cái Răng, Bình Thủy, Trà Nóc gì đó thì đi xe lam”, ông Chương kể.
Sáng tạo trong công tác làm đẹp đô thị
Là người con của vùng đất Cần Thơ, hàng ngày ngồi sửa đồng hồ trên tuyến đường Trần Quốc Toản, ông Nguyễn Văn Y (61 tuổi) nhìn thấy những bức tranh bích họa Cần Thơ xưa lập tức cảm động. Ông Y chia sẻ, nhìn hình ảnh những nữ sinh trong tà áo dài ngồi trên chiếc xe lam làm nhớ lại thời điểm 40 -50 năm trước: “Lúc đó sáng sớm xe lam đã đưa học sinh đi học hoặc những người buôn gánh bán bưng ra chợ. Nhiều người ở trong Đầu Sấu, Cái Tắc sáng sớm phải đi xe lam ra chợ rồi về cũng bằng xe lam”.
Nhìn bức tranh tái hiện lại một tuyến phố xưa với san sát các bảng hiệu “Chợ cá”, “Sửa xe đạp”, “Hiệu thuốc Thiên Sanh Đường”, “Tạp hóa Bảy Soi”, “Café Minh Nhật”, “Tiệm Trà – Hoa – Trái cây”… ông nhớ lại: “Những tiệm này nay dẹp hết rồi. Tuyến đường này bây giờ là một đoạn trên đường Hai Bà Trưng chứ đâu. Hồi đó quán xá san sát nhau nhưng nhìn bình dị, thân thương lắm”.
Ông quay qua họa sĩ đang vẽ: “Công nhận mấy họa sĩ khéo thiệt, coi mấy tấm hình cũ mà vẽ giống như đúc. Mấy ổng vẽ tới đâu là ký ức về Cần Thơ cứ hiện lên mồn một tới đó”.
Ông Y tấm tắc: “Nhà nước làm con đường này tôi chịu nè. Vừa tái hiện Cần Thơ xưa vừa làm đẹp cho tuyến đường. Trước đây hai vách tường xập xệ, cũ kỹ lắm, người dân cũng không có ý thức nữa. Bây giờ đẹp thế này người dân cũng không dám xả rác bừa bãi. Đã vậy, chỗ này sẽ nhiều người đến tham quan, chụp hình chắc đông vui lắm”.
Theo ông Viên Tuấn Thanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Cần Thơ, đây là công trình thanh niên do Thành đoàn và Trung tâm phối hợp triển khai xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Nói về ý tưởng của tuyến đường này, ông Thanh cho biết, phần lớn hai bên đường này là tường rào khuôn viên ccác cơ quan, đơn vị, không có nhà dân, nên thường bị biến thành bãi rác tự phát gây mất mỹ quan đô thị.
Những ký ức Cần Thơ được tái hiện qua các bức tranh bích họa |
“Sau khi khảo sát, chúng tôi đề xuất ý tưởng vẽ tranh thể hiện nét sinh hoạt, văn hóa của cư dân Cần Thơ xưa và nay, biến nơi này thành địa điểm vui chơi, tham quan đã được cộng đồng ủng hộ”, ông Thanh chia sẻ.
Theo ông Thanh, công trình được thực hiện với mong muốn cải thiện môi trường xung quanh, phục vụ khách tham quan và người dân Cần Thơ hiểu thêm về nét xưa của Cần Thơ, đồng thời tạo mỹ quan sinh động, đẹp mắt, cải thiện môi trường. Cũng chỉ là đường tranh bích họa trên vách tường dài khoảng 800 mét nhưng lại gợi lên quá nhiều ký ức.
Những hoài niệm tưởng chừng đã chôn kín trong quá khứ nhưng những bức tranh này đã gợi lên trong trái tim nhiều người Cần Thơ “kỳ cựu”. Mỗi người xem lại tái hiện một bức tranh khác, một ký ức khác, một hoài niệm khác nhưng đều đậm tình quê xưa.