Con cái có phải là “của để dành”?

Con cái có phải là “của để dành”?
(PLO) -Người Việt nói riêng và người châu Á nói chung phần lớn đều quan niệm con cái là “của để dành” của cha mẹ. Cha mẹ sinh con, nuôi con khôn lớn để sau này con là chỗ dựa của cha mẹ, phụng dưỡng cha mẹ lúc về già. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, khi thế giới phẳng, con người là công dân toàn cầu, quan niệm này đôi khi đã trở thành nỗi buồn của cha mẹ và nỗi khó xử của những đứa con.

Vì mình, ép con bỏ vợ, biến cháu thành không cha

Ông Nguyễn Văn Tr. ở đường Giải Phóng, Hà Nội có cậu con trai đi học và định cư, lấy vợ Nga đã lâu. Hàng năm vợ chồng ông Tr. hoặc sang Nga thăm con cháu hoặc con cháu về Việt Nam thăm ông bà rất vui vẻ, đầm ấm.

Nhưng khi bước vào tuổi 80 ông Tr. bỗng dưng ra tối hậu thư với cậu con trai ngoài 50 của mình rằng phải về Việt Nam để phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già và thờ cúng tổ tiên theo đúng lệ con trưởng (mặc dù ông bà trước đến nay vẫn ở với vợ chồng người con trai thứ hai).

Cô vợ Nga của người con trai không đồng ý về Việt Nam và thế là một “phương án tối ưu” được ông Tr. đưa ra: bỏ vợ Nga về lấy vợ Việt Nam vì vợ thì kiếm đâu chẳng có, cha mẹ chỉ có một nên phải hiếu nghĩa.

Không cần con trai đồng ý, ông Tr. đã đi đánh tiếng hỏi vợ Việt cho con trai. Thử hỏi có gia đình nào không lục đục, tan vỡ khi con dâu, cháu nội nhìn thấy bố mẹ chồng, ông bà nội xui con mình bỏ dâu, bỏ cháu lấy người khác. Và tất nhiên gia đình vợ chồng người con trai cũng không ngoại lệ.

Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện đoạn hội thoại giữa một bà mẹ châu Á và một bà mẹ châu Âu. Đoạn hội thoại cho thấy hai quan điểm hoàn toàn khác nhau về quan hệ của cha mẹ với con cái. Bà mẹ châu Âu cho rằng trách nhiệm của người làm cha làm mẹ là nuôi dạy một đứa con để nó trở thành công dân tốt, để nó tiếp tục có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình, đóng góp cho xã hội, chứ không phải là để duy nhất một trách nhiệm chăm lo cho cha mẹ lúc cuối đời.

Còn bà mẹ châu Á thì lại cho rằng sinh con ra, nuôi dưỡng con là để sau này con chăm sóc mình tuổi già. Chính vì thế bà mẹ này có những quy tắc sống riêng như sống cùng gia đình con, trông cháu cho con, thậm chí can thiệp vào chuyện riêng của gia đình con, để sau này tuổi già có thể dựa vào con. 

Xung quanh đoạn hội thoại này đã nảy sinh nhiều tranh luận, người già thì dẫn luận tư tưởng hiếu nghĩa ra để phản đối, người trẻ thì bày tỏ mong muốn cha mẹ mình hãy nghĩ khác thế hệ ông bà mà thông cảm cho con cái vì giờ đây mỗi người đều có thể là công dân toàn cầu với nơi làm việc nay chỗ này mai chỗ khác, đôi khi cha mẹ chỉ vì quan niệm xưa mà ngăn cản sự phát triển trưởng thành của con cái. Tuy nhiên cuộc tranh luận trên mạng xã hội và trong cả mỗi gia đình chưa thể đi đến hồi kết vì nhiều lý do…

Làm cha mẹ là để trái tim đi cùng lý trí.

Nhận thức là một quá trình, thế nên thay đổi quan niệm cũng là một chặng đường dài. Những dòng tâm sự cảm động của một bà mẹ 57 tuổi khi rời khỏi nhà con trai đã minh chứng cho điều này.

“Tôi 57 tuổi, về hưu được hai năm, con trai năm nay 31 tuổi. Năm tôi mới về hưu thì con trai lấy vợ. Vì là người rất yêu thương con, do đó từ khi con lấy vợ, tôi lại gánh lên trách nhiệm chăm sóc con dâu và nghĩ rằng đó cũng là việc bình thường. Ban đầu, tôi vốn nghĩ sau khi con trai lấy vợ, cả nhà vẫn có thể sống chung cùng một chỗ. Nhưng vì chồng khuyên can, nói rằng vợ chồng son cần có không gian riêng, do đó tôi mới cho chúng ra ở riêng.

Để tiện chăm sóc vợ chồng con trai, mỗi sáng chúng tôi lại sang nhà con trai nấu bữa sáng, quét dọn nhà cửa, sau bữa tối, khi các con đi ngủ chúng tôi mới trở về nhà. Một hôm, như mọi ngày tôi mang theo đồ ăn tươi mới mua ở chợ đến nhà con trai, trong lòng đang hân hoan, rút chìa khóa ra mở cửa thì không thể mở bởi vì con dâu đã đổi ổ khóa khác.

Tôi gọi điện hỏi thì con dâu nói rằng: “Gần đây chung cư hay xảy ra mất trộm, cho nên …” Lúc đó tôi nghĩ, sao các con đổi ổ khóa mà không đưa chìa cho mẹ? Chắc là chúng quên mình rồi. Buổi tối, con trai tới nhà đưa cho tôi chiếc chìa khóa. Tôi vốn định không nói lại chuyện ban sáng, nhưng con lại nói một câu: “Mẹ đừng để vợ con biết.” Tôi nhận thấy sự việc này không còn đơn giản nữa rồi.

Tuy nhiên, nói xong là tôi lại quên ngay. Ngày hôm sau, tôi vẫn theo thói quen bước chân đến nhà con trai. Vừa bước tới gần cửa, tôi nghe thấy con trai và con dâu đang cãi nhau. Lúc đó, con dâu không ngừng nói:

“Anh nhất định đã đưa chìa khóa mới cho mẹ của anh rồi”. “Anh mãi không bỏ được thói quen tắm rửa xong, quần áo ném hết vào trong chậu, đợi sang ngày hôm sau mẹ anh sang và đem giặt sạch. Nhìn quần áo mắc ở dây phơi, em không thấy vui mà chỉ thấy xấu hổ”.“Anh nhìn xem, anh bị mẹ chiều quá mà dưỡng thành thói quen xấu, mỗi ngày về nhà đều nằm dài trên ghế sofa, không làm một việc gì, đồ đạc không thu dọn, rác không đổ, chỉ thiếu đút cơm tận miệng nữa thôi. Anh giống như một đứa trẻ miệng đầy hôi sữa vậy”. “Mẹ lại không giống bà mẹ chồng khác, đi khiêu vũ hoặc spa, mà như một chiếc camera nhìn chằm chằm vào chúng ta”.

Tôi nghe xong mà không thể tự trách mình, rằng đây là 24 giờ lo lắng cho con đổi lấy thứ này. Điều khiến tôi ghét nhất chính là, con trai chỉ biết nói một câu: “Mẹ là mẹ của anh, em làm vậy anh biết xử lý thế nào?”.

Trước đây, mọi việc đối nội đối ngoại trong gia đình là do một tay tôi lo hết. Nhưng kết quả là con dâu lại cho tôi là người không hiểu chuyện. Nghe xong, tôi không thể cầm được nước mắt trở về nhà và kể lại sự tình với chồng: “Thằng Hướng là con trai độc nhất của chúng ta, từ bé tôi đã yêu thương và dành cho nó sự chăm sóc tốt nhất, lắm lúc còn lo lắng từng li từng tí, vậy mà giờ tôi lại phải nhận lấy lời nhận xét như vậy”.

Chồng nghe xong vừa lấy tay vỗ vỗ vào lưng tôi vừa nói: “Thật là có mắt không tròng! Có cơ hội, tôi sẽ nói chuyện với hai đứa nó.”

Rồi chồng tôi nói tiếp: “Mình nhìn các bạn đồng nghiệp cũ mà xem, họ đi du lịch khắp cả nước, còn ra cả nước ngoài nữa. Nhưng mình vì các con, đã bị dính mắc ở đây quá lâu rồi. Ngẫm lại, tôi thấy sợ cái sức chịu đựng của mình rồi đấy”.

Sau buổi nói chuyện, tôi tự hỏi, chẳng lẽ mình cứ sống vậy đến khi chết đi sao? Chẳng lẽ không muốn ra ngoài du ngoạn một chuyến? Nói xong liền lập tức quyết định đi du lịch, đi thăm quan thắng cảnh vùng núi cao nguyên, tận mắt nhìn dê mẹ cho dê con bú sữa, tôi lại nhớ trước đây khi con trai còn nhỏ, tôi cũng cho nó bú từng tí như vậy. Sống du mục trên thảo nguyên, những con dê phải di chuyển thường xuyên, nếu như dê mẹ cứ chăm lo mãi thì dê nhỏ làm sao trưởng thành, làm sao học được cách sống tự lập? Như vậy, ai còn nguyện ý lấy một người mà tinh thần còn mãi cầu bú sữa như vậy được?

Ông chồng già đứng bên cạnh cùng nhìn bầy dê với nét mặt đầy vui vẻ. Ông nói: “Tình thương của người mẹ dành cho một đứa trẻ nên buông xuống.” Nói xong, chồng liền cầm chiếc điện thoại và đọc một bài viết. Dường như bài này nói đúng tâm trạng tôi lúc này: “Cha mẹ không muốn rời xa con khi chúng đã trưởng thành, nói là thương con, nhưng lại chính là kiểm soát con cái. Cách chăm sóc như vậy là để nhằm phục vụ cảm giác sở hữu của cha mẹ, là để thỏa mãn lòng tham của chính mình…”. Nghe đến đây tôi nhìn chằm chằm vào chồng rồi chợt hỏi: “Tôi là một người mẹ như thế sao?”

Khi trở về nhà, việc đầu tiên tôi làm là mua một chiếc điện thoại Iphone 6, bán ngay chiếc điện thoại cục gạch của mình. Hôm sau, tôi gọi cho con trai một cuộc điện thoại để thông báo buổi tối hai vợ chồng tôi đến nhà chơi. Con trai nghe xong không khỏi giật mình: “Mẹ, chẳng phải mẹ có chìa khóa đó sao, mẹ cứ đến, sao phải gọi trước ạ?” Tôi cười cười và không nói gì thêm nữa. Sau khi dùng xong bữa tối, hai vợ chồng tôi tới nhà con trai. Tôi nhẹ nhàng lấy chiếc chìa khóa từ trong túi ra đưa lại cho con trai. Đối với tôi mà nói, lúc này giống như trao lại quyền tự quyết định cho con trong gia đình của chính nó.

Tôi nói: “Sau này mẹ sẽ không thường xuyên qua nhà các con nữa, mà nếu có qua, cũng sẽ gọi điện báo trước”. Con trai nhìn tôi với vẻ khó hiểu nói: “Mẹ, mẹ làm gì vậy?”. “Mẹ không phải giận con, mà là đang học cách buông bỏ.” Tôi ôm con trai, mắt không khỏi rơm rớm lệ. Từ hôm đó tôi không còn quản con trai nữa, mặc dù biết buông lúc này đã quá muộn nhưng vẫn còn kịp. 

Sau này, lúc tôi đang đi du lịch, bỗng nhiên nhận được tin nhắn của con trai: “Mẹ, mẹ đang ở đâu vậy?”. Tôi nhanh chóng chụp tấm ảnh kỷ niệm và gửi cho con cùng lời nhắn: “Thế giới này thật rộng lớn, cha và mẹ còn rất nhiều nơi cần đến khám phá lắm”. Không lâu sau, hình ảnh hai vợ chồng tôi đi du lịch được con dâu đăng lên mạng với dòng bình luận: “Đây là hình ảnh hưởng thụ tuổi già của bố mẹ chồng, sau này mình cũng học theo hai người.”

Nghe chuyện của tôi, không ít người đặt câu hỏi: “Sinh con thì mong muốn điều gì ở con cái, muốn con làm rạng danh tổ tiên hay muốn con dưỡng già?”. Cuối cùng tôi thấy một câu trả lời thật cảm động: “Để được cùng con trải nghiệm cuộc sống”.

Xin kết thúc bài viết này mà không đưa ra lời bình luận nào vì thay đổi quan niệm hay không là quyền riêng của mỗi người. Chỉ biết rằng có một câu nói thật chí lý rằng: “Tình thân cha mẹ - con cái không phải là dùng để chiếm hữu mãi mãi, mà là do duyên phận thâm sâu mà thành. Chúng ta không thể bỏ bê con trẻ khi chúng còn nhỏ và cũng không thể để chúng thấy áp lực vì cha mẹ khi trưởng thành. Làm cha mẹ là để trái tim đi cùng lý trí. Không chỉ làm cha mẹ, mà trong cuộc sống đời người cần hiểu được lúc nào cần tiến cần lui. Không cầu con hoàn hảo, không cầu con phải thay cha mẹ tranh sĩ diện, lại càng không cầu con dưỡng già. Chỉ cần thân thể con khỏe mạnh, một lần cùng cha mẹ ngắm cảnh đẹp trên thế giới này, để ta có cơ hội đi cùng con một đoạn đường…”./.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.