- Thưa bà, với những gia đình sau hàng chục năm mới phát hiện việc trao nhầm con, trong khi họ vẫn chưa tìm lại được con đẻ và con họ nuôi dưỡng lâu nay cũng chưa tìm được cha mẹ ruột của mình thì người con này có được pháp luật công nhận là con nuôi thực tế?
- Với trường hợp trao nhầm trẻ sơ sinh thì ngay từ đầu, các bậc cha mẹ không phải là nhận con nuôi. Trong thâm tâm của họ không hề có khái niệm đứa trẻ đó là con nuôi mà đinh ninh đó là con đẻ của mình. Việc các cặp vợ chồng nuôi nhầm con là do lỗi từ các nhân viên y tế; bởi vậy khi phát hiện ra vụ việc trao nhầm thì quan hệ cha mẹ - con lại trở thành quan hệ giữa người nuôi dưỡng, chăm sóc đối với đứa trẻ này.
Còn con nuôi thực tế là chương trình do Quốc hội đề ra khi ban hành Luật Nuôi con nuôi, với điều kiện người đó (cha mẹ) nhận trẻ em làm con nuôi nhưng chưa đi đăng ký. Nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên, Điều 50 Luật Nuôi con nuôi cho phép đến thời hạn cuối là ngày 31/12/2015, cha mẹ phải đi đăng ký con nuôi thực tế. Do đó, chúng ta phải phân biệt rõ hai trường hợp này, việc nuôi nhầm con không thể nói là con nuôi thực tế, bởi bản chất vấn đề đâu phải “tôi” nhận “anh” làm con nuôi.
- Như bà nói thì Điều 50 Luật Nuôi con nuôi chỉ áp dụng với những trường hợp chủ động nhận trẻ em làm con nuôi, còn với trường hợp bị trao nhầm con thì các bậc cha mẹ hoàn toàn không biết đó là đứa con không do mình sinh ra, vậy làm sao họ có thể đi đăng ký con nuôi trong thời hạn luật định?
- Đúng là Luật Nuôi con nuôi không dự kiến được trường hợp trao nhầm con mà người con đó đã quá độ tuổi cho làm con nuôi. Tuy nhiên, nếu còn trong giai đoạn lựa chọn con nuôi thực tế mà cả hai bên đều có nhu cầu thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành đăng ký nuôi con nuôi, lúc đó độ tuổi của con nuôi không được tính tới vì đó là con nuôi thực tế. Nhưng nếu đã qua giai đoạn này rồi (qua thời điểm 31/12/2015- PV) thì đây là trường hợp đặc biệt mà hiện nay chưa có quy định pháp luật nào để điều chỉnh.
- Để đảm bảo lợi ích hợp pháp của cả hai phía, pháp luật có “đặc cách” với những trường hợp đặc biệt này không, thưa bà?
- Chưa có trường hợp nào đặc cách cả. Nếu người con đó đã 29 tuổi hoặc 42 tuổi mới biết mình bị trao nhầm (như các trường hợp mới được phát hiện trong thời gian gần đây) mà giữa hai bên có nhu cầu nhận làm con nuôi thì quả thật rất khó. Tuy vậy, khi cơ quan quản lý nhà nước nhận được những nhu cầu chính đáng của nhân dân thì chắc sẽ phải bàn bạc để tháo gỡ.
Đối với những đứa trẻ mới 3- 4 tuổi, nếu những người chăm sóc, nuôi dưỡng cháu trước đây có nhu cầu, nguyện vọng nhận cháu làm con nuôi thì sẽ giải quyết được. Nhưng như vậy cũng không phải là không còn khó khăn về hệ quả pháp lý của việc nhận con nuôi.
Ví dụ, trước đây “anh” coi cháu như con đẻ nhưng bây giờ đã tìm được cha mẹ ruột của cháu nên “anh” muốn nhận cháu làm con nuôi, vậy quyền và nghĩa vụ giữa gia đình cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi như thế nào? Bởi theo Luật Nuôi con nuôi thì “Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi ’’.
Trong trường hợp này, khi người ta vừa nhận lại con đẻ thì làm sao có thể yêu cầu họ chấm dứt quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng… với đứa con vừa tìm lại được để đồng ý cho con mình làm con nuôi của gia đình khác? Một khi đã nhận lại con thì có ai muốn cho con mình đi làm con nuôi nữa? Đó là tâm lý của bất kỳ cha mẹ nào. Bây giờ nếu thỏa thuận thì sẽ thỏa thuận ra sao, anh chấm dứt quyền gì và duy trì quyền gì? Rõ ràng là không đơn giản. Như vậy, về mặt đạo đức cũng có cái khó, còn về mặt pháp lý lại chưa dứt khoát.
- Vậy khi xây dựng Luật Nuôi con nuôi, Ban soạn thảo có dự liệu được những trường hợp này không?
- Chưa dự liệu được. Nói chung là chuyện trao nhầm con thì gần đây mới phát hiện, mà Luật Nuôi con nuôi được Quốc hội thông qua từ năm 2010.
- Thưa bà, để đảm bảo các quan hệ xã hội không bị khoảng trống pháp luật, trong thời gian tới Luật Nuôi con nuôi có cần thiết phải sửa đổi hoặc ít ra là ban hành các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định để tháo gỡ những bất cập này?
- Tôi cho rằng cũng nên cân nhắc và tìm hiểu, đồng thời đưa ra hướng giải quyết dưới góc độ tạo dựng cho người nuôi dưỡng và đứa con đó một quan hệ được pháp luật thừa nhận. Hiện nay cũng đang trong giai đoạn tổng kết luật, bởi vậy mình có thể nêu ra vấn đề, hiện tượng để sau này Ban soạn thảo và Cục Con nuôi cùng nhau nghiên cứu.
- Trân trọng cám ơn bà!