Trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), không ít người phải thi hành án có nghĩa vụ thi hành án thường không tự nguyện, có tâm lý chây ỳ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định, từ đó có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản nhằm làm mất đi điều kiện thi hành án. Để ngăn chặn các hành vi trên của người phải thi hành án, Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) đã quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án tại Điều 66 để đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn công tác THADS trong giai đoạn hiện nay.
E ngại khi phải thực hiện áp dụng biện pháp bảo đảm
Tuy nhiên, do đây là chế định mới trong Luật THADS nên việc áp dụng các biện pháp bảo đảm trong tổ chức thi hành án cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, khoản 1 Điều 66 chưa có quy định hướng dẫn thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án. Điều này sẽ dẫn đến việc áp dụng tùy thuộc vào ý chí chủ quan và không thống nhất giữa các chấp hành viên, dễ dẫn đến việc khiếu nại của đương sự.
Thực tiễn cho thấy có những trường hợp đương sự nộp đơn đề nghị cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm, chấp hành viên có thể ra ngay quyết định áp dụng, nhưng cũng có thể vài ngày, thậm chí là lâu hơn. Việc chậm trễ này có thể ảnh hưởng đến kết quả tổ chức thi hành, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Đặc biệt, khoản 2 Điều 66 chưa quy định để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba dẫn đến khó khăn, gây phức tạp thêm vụ việc. Khoản 2 Điều 66 hiện mới quy định: “Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường”.
Tuy nhiên, thực tế đang có sự khúc mắc ở chỗ bồi thường như thế nào, mức bồi thường ra sao, cơ quan giải quyết tranh chấp về mức bồi thường. Các điều ấy đã gây lúng túng cho chấp hành viên cũng như tạo tâm lý e ngại khi phải thực hiện áp dụng biện pháp bảo đảm. Luật cũng chưa quy định về chế tài buộc tổ chức tín dụng, ngân hàng, tổ chức kinh tế phải thực hiện yêu cầu của chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án.
Bên cạnh đó, chưa có cơ chế để đảm bảo cho chấp hành viên thực hiện quyền theo quy định khoản 1 Điều 68 Luật THADS về quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng. Mặc dù một số điều khoản đã nêu trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân nhưng hiện nay chưa có cơ chế bảo đảm để cơ quan công an hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ chấp hành viên thực hiện quyền này, kể cả khi đã quy định chế độ bồi dưỡng tại Thông tư 200 ngày 09/11/2016.
Cần phát huy hiệu quả trong áp dụng biện pháp bảo đảm
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, đại diện Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị bổ sung khoản 1 Điều 66 quy định về thời hạn ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án khi có căn cứ để áp dụng biện pháp bảo đảm, khi có yêu cầu của đương sự.
Đồng thời bổ sung khoản 2 Điều 66 quy định: “Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải nộp tạm ứng số tiền nhất định” (có thể áp dụng mức 5% giá trị của số tiền, tài sản yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm) cũng như bổ sung Điều 76, Điều 78 và Điều 176 quy định chế tài xử lý khi các tổ chức này không thực hiện hết trách nhiệm của mình, gây thiệt hại cho đương sự.
Để các chấp hành viên có thể áp dụng các quy định trên triệt để, nhất là biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự đạt hiệu quả, có ý kiến cho rằng cần thiết phải có quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa cơ quan THADS chính quyền địa phương, đặc biệt là cơ quan Công an cấp xã phải đưa nhiệm vụ này vào nhiệm vụ chung để thực hiện trong quá trình phối hợp với chấp hành viên đôn đốc và giải quyết việc thi hành án.
Đồng tình, Vụ Nghiệp vụ 2 (Tổng cục THADS) đang đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLTBTP-BCA về phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS theo hướng lực lượng công an phối hợp với cơ quan THADS trong cả quá trình áp dụng biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế theo Điều 66 và Điều 71 Luật THADS. Về lâu dài, có thể nghiên cứu, xây dựng và ban hành một thông tư riêng quy định về phối hợp trong quá trình áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS.