Những ngôi chùa ở Việt Nam thường thờ Phật nhưng ở ngôi cổ tự Ngọc Hoàng lại thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế - vị thánh tối cao và cũng là vua trên trời. Một trong những vị khách nước ngoài nổi tiếng nhất đến viếng chùa là cựu tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, viếng thăm chùa vào ngày 24/5/2016, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông.
Chùa Minh Sư với kiến trúc độc đáo
Theo một số tài liệu, chùa Ngọc Hoàng (tên chữ Hán là Ngọc Hoàng điện) còn được gọi Long Hoa Phật đường, xưa kia người Pháp gọi là chùa Đa Kao, tọa lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Ngôi chùa với khuôn viên rộng 2.300 m2, vốn là một ngôi điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế nên được đặt tên là Ngọc Hoàng điện. Ngôi cổ tự mang kiến trúc đền chùa Trung Hoa, với mô típ trang trí rực rỡ, nổi tiếng bởi sự linh thiêng kỳ bí, thu hút nhiều người đến cầu con, cầu duyên, cầu bình an phước lành.
Truyền rằng, chùa do một người Quảng Đông (Trung Quốc) tên là Lưu Minh, pháp danh Lưu Đạo Nguyên xây dựng.
Theo học giả Vương Hồng Sển, Lưu Đạo Nguyên là người theo đạo Minh Sư, ăn chay trường, xuất tiền của lập chùa, vừa làm nơi thờ phụng, vừa làm hội kín nhằm lật đổ nhà Mãn Thanh. Học giả Vương Hồng Sển còn cho rằng, chùa được khởi công năm 1905, sang năm 1906 thì hoàn thành. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho là chùa được thành lập năm 1900.
Sau nhiều lần trung tu vào các năm 1943, 1958, 1985, 1986, chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ đậm nét kiến trúc Trung Hoa với các mô típ trang trí rực rỡ, các tác phẩm chạm khắc tinh xảo. Ngày nay, ngôi chùa dù nằm giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh nhưng bốn mùa rợp mát dưới tán cây cổ thụ và không khí trang nghiêm, tạo cho người ta cảm giác như lạc vào thế giới khác, bình yên tĩnh lặng giữa phố thị ồn ào.
Tượng Phật Dược Sư được thờ ở trung điện. |
Hình ảnh đầu tiên từ bên ngoài nhìn vào là cổng tam quan, gắn tượng hai con rồng uốn lượn theo mô típ lưỡng long tranh châu. Nhìn tổng thể, chùa được xây bằng gạch, lợp ngói âm dương, bờ nóc và các góc mái trang trí bằng nhiều tượng gốm màu.
Sau cổng tam quan là khuôn viên chùa, với miếu thờ thần Hộ pháp và các hồ lớn nhỏ với nhiều cá, rùa phóng sinh. Nhiều người cho rằng, khi đến chùa khấn nguyện, tùy vào ước cầu mà phóng sinh con vật cho phù hợp. Ví như thả cá chép vàng, chép đỏ thì cầu làm ăn, cầu tài lộc; cá trê cầu sức khỏe, giải hạn; cá rô bí, ba ba là cầu qua tuổi hạn; phóng sinh chim là cầu siêu cho người đã mất, phóng sinh rùa để cầu con cái.
Toàn bộ kiến trúc thờ tự của chùa Ngọc Hoàng chia thành ba gian, gồm gian giữa và trái, phải, mỗi gian là một tác phẩm kiến trúc mỹ thuật độc đáo mang đậm nét cổ xưa. Gian giữa lớn nhất gồm tiền điện, trung điện và chánh điện.
Gian bên trái gồm ba điện thờ, điện thứ nhất thờ Nhị vị Song Án, Mã tướng quân, Thần Hoàng, Lỗ Ban và Thái Tuế. Điện thứ hai thờ Thập điện Diêm Vương với 10 bức chạm gỗ tái hiện 10 cửa địa ngục, phân bố đều mỗi bên 5 bức. Điện thứ ba thờ Ông Tơ - Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu (vị nữ thần cai quản việc sinh nở) cùng 12 bà mụ, 13 đức thầy.
Gian bên phải gồm nhà nghỉ và điện thờ Phật Bà. Trong điện thờ Phật Bà có cầu thang gỗ dẫn lên điện Quán Âm. Ở đây ngoài thờ Quán Âm Bồ Tát còn thờ Đạt Ma Tổ Sư, Quan Thánh Đế Quân, thần Hộ pháp và tổ Lưu Minh. Phía trên ban thờ chính thờ Quán Âm Bồ Tát có bức hoành “Tiên Phật Nho tông” (tạo năm 1905) thể hiện rõ sự dung hợp tư tưởng Tam giáo.
Điện thờ Thần Hoàng, Thái Tuế, Lỗ Ban. |
Gian giữa, bên trái tiền điện thờ thần Thổ Địa và bên phải thờ thần Môn Quan. Trung điện thờ Phật Dược Sư, tượng Phật duy nhất bằng gỗ trần đặt trong lồng kính, hai bên có tượng Thanh Long Đại Tướng và Phục Hổ Đại Tướng làm bằng giấy bồi.
Chánh điện thờ tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, có thiên binh thiên tướng đứng hầu.
Tượng Ngọc Hoàng làm bằng giấy bồi, cao hơn 3 m ngồi trên bệ cao gần 1 m, đầu đội mũ bình thiên, tay cầm lịnh tiễn, là pho tượng ngồi lớn nhất trong chùa, tượng được sơn son thếp vàng, kỹ thuật tinh xảo. Xung quanh còn có nhiều tượng nhỏ hơn, gồm Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Đà Tiên Sư, Tề Thiên Đại Thánh, Quan Thánh Đế Quân, thần Nhật Nguyệt, Long Mẫu Nương Nương, Thái Ất Chân Nhân…
Bên phải ban thờ Ngọc Hoàng là cung Thuỷ Nguyệt thờ Phật Chuẩn Đề, sự hoà hợp tinh tế giữa Đạo giáo và Phật giáo. Bên trái là ban thờ Huyền Thiên Bắc Đế trong tư thế ngồi, chân phải đạp lên con rùa, chân trái đạp lên con rắn, tượng trưng sự trấn áp yêu quái, tà ma…
Trong chùa còn phối thờ rất nhiều đối tượng thờ tự của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Hoa như Phật Thích Ca, Đại Thế Chí Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, thần Thiên Lôi, Tư Mạng Sứ quân, Hoạt vô thường, Dẫn Hồn tiên, thần Hà Bá… Tổng cộng khoảng 300 tượng thờ, các pho tượng đều được làm bằng gỗ, điêu khắc tinh xảo.
Chùa Ngọc Hoàng được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1994.
Nổi tiếng linh thiêng
Xuất phát điểm là một ngôi chùa Minh Sư, về sau chùa Ngọc Hoàng bị dân gian hoá, sau cùng dù vẫn còn giữ lại nguồn gốc thờ tự ban đầu nhưng chùa Ngọc Hoàng đã chính thức trở thành một ngôi chùa Phật giáo Việt Nam. Hàng năm, chùa Ngọc Hoàng đón một lượng lớn du khách trong nước và ngoài nước đến thắp hương, vãn cảnh.
Điều đặc biệt, nhiều năm qua, chùa Ngọc Hoàng được nhiều người biết đến là một trong những ngôi chùa cầu tự nổi tiếng. Theo đó, rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã về chùa đến điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ để làm lễ, gửi gắm mong ước của mình về đường con cái. Bởi vậy, điện thờ Kim Hoa Thánh Mẫu là nơi được khách hành hương ghé thăm nhiều nhất vào mỗi dịp lễ lớn nhỏ và cả ngày thường.
Tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế bằng giấy bồi ở chánh điện. |
Khi đến đây, người cầu tự sẽ được một cụ bà đứng túc trực cạnh Kim Thoa Thánh Mẫu hướng dẫn tỉ mỉ về cách cầu khấn. Với nghi lễ đơn giản, không quá phức tạp nên rất nhiều người sẵn lòng đến đây thành kính dâng lễ nguyện vọng. Nhiều người được cho là đã được toại nguyện và trở lại chùa tạ lễ.
Ngoài nổi tiếng linh thiêng về cầu con, nhiều người tin rằng, đến đây cầu duyên cũng nhận được kết quả viên mãn. Như khi một người đã có bóng hình trong tim và muốn nên duyên vợ chồng với người ấy, hay đôi tình nhân trắc trở, có thể về chùa thắp hương, khấn tên mình và tên người ấy, thành tâm cầu nguyện. Sau đó, chỉ cần sờ vào tượng Ông Tơ - Bà Nguyệt để cầu Thánh Mẫu cho ông Tơ, bà Nguyệt se duyên tơ hồng.
Vì nổi tiếng linh thiêng nên ngoài ra, Phật tử, khách hành hương về chùa còn cầu nguyện nhiều điều may mắn thuận lợi trong cuộc sống, công việc hanh thông, tương lai tươi sáng, cho sức khỏe dồi dào… Cũng có khi chỉ là giãi bày những điều sâu thẳm trong lòng cho tâm trạng vơi đi, tìm chút an yên tĩnh tại.
Một trong những lễ hội lớn nhất ở chùa là lễ Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, tương truyền là ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vào dịp này, lượng khách viếng chùa rất đông vì đây là một ngày đại lễ ban phúc lành lớn.
Chùa Ngọc Hoàng ngày nay chẳng những nổi tiếng trong nước mà còn là một trong những điểm tham quan được khách quốc tế ghé thăm nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh. Một trong những vị khách nước ngoài nổi tiếng nhất đến viếng chùa là cựu tổng thống Mỹ, ông Barack Obama, viếng thăm chùa vào ngày 24/05/2016, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông.
Lúc mới thành lập, đây là ngôi chùa theo đạo Minh Sư, tức thuộc tổ chức của những người Trung Quốc “phản Thanh phục Minh”. Thời điểm bấy giờ ở Trung Quốc, đạo Minh Sư phát triển khá mạnh nhưng bị triều đình đàn áp. Sau sự kiện Thái Bình Thiên Quốc (1850 - 1864), các nhóm “bài Mãn phục Minh” bị truy bức nên một số tín đồ Minh Sư trốn ra nước ngoài.
Khi đạo Minh Sư được truyền vào Việt Nam vào khoảng thời Tự Đức, nhiều ngôi chùa Minh Sư của người Hoa ra đời, trong đó có chùa Ngọc Hoàng. Đạo Minh Sư đề cao thuyết Di Lặc cứu thế, giáo lý bắt nguồn từ tông phái Phật đường (tông phái thờ Phật tại gia thời nhà Đường), sau dung nạp thêm Đạo giáo và Nho giáo. Những ngôi chùa Minh Sư, trong đó có chùa Ngọc Hoàng vì vậy thể hiện tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”.
Năm 1982, Hoà thượng Thích Vĩnh Khương đến tiếp quản chùa Ngọc Hoàng. Kể từ đó, chùa thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, chùa Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải tự nhưng người dân vẫn quen gọi là chùa Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng người Hoa.
Chùa hiện còn lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật cổ đặc sắc như tranh thờ, bao lam, hương án, hoành phi, đối liên… bằng các chất liệu gỗ, gốm, giấy bồi. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ bằng giấy bồi thể hiện các cuộc họp mặt của các vị thần thánh về chầu Ngọc Hoàng.
Trong đó, khoảng 16 bức hoành phi, 53 câu đối, được chạm khắc tinh xảo trên gỗ có giá trị nghệ thuật cao. Các câu đối vừa thể hiện tư tưởng Phật - Đạo - Nho, vừa thể hiện tinh thần Tam giáo hoà quyện vào nhau một cách tự nhiên, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục, khuyên răn người đời tu nhân tích đức, lánh dữ làm lành.