Bà Bùi Thị Hồng (trú tại 85 Cát Cụt, phường An Biên, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) hỏi: Bố chồng tôi là chủ sử dụng đất và sở hữu nhà đối với 155m2 đất nhà ở số 95, 97, 99 đường Đà Nẵng (phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Bên cạnh nhà bố chúng tôi là nhà ông Phùng Văn Lịch sở hữu và sử dụng 131m2 đất. Hai khu đất này cùng trong diện tích đất 286m2 với bộ hồ sơ gốc bằng khoán điền thổ số 1191 địa bạ Hải Phòng quyển số 6 tờ 191 do Sở Địa chính cũ cấp tháng 1/1952.
Cụ Vũ Đức Thắng (mất năm 1960) làm di chúc cho chồng tôi là Vũ Đức Tỵ được thừa kế toàn bộ 155m2 đất này, và sau khi chồng tôi mất năm 1995, tôi và các con tôi thừa kế nhà đất nói trên.
Do mảnh đất 155m2 nhà tôi và nhà ông Phùng Văn Lịch cùng trên một khu đất có chung hồ sơ gốc, năm 1974 khi chúng tôi đi sơ tán về thì khu nhà tôi bị phá bán và ông Phùng Văn Lịch cho người khác vào ở nhờ. Cụ thể, bà Bình (con gái ông Lịch) ở nhà 97 Đà Nẵng bây giờ, con trai Phùng Sơn Hải (nay là anh Phùng Văn Hòa) ở sau nhà 97, bà Tý và anh Sơn ở đằng sau nhà 95 bây giờ. Ông Phùng Văn Lịch cũng tự ý bán ngôi nhà gỗ 3 gian mặt tiền của chúng tôi. Như vậy, cả mảnh đất 155m2 trên đó có căn nhà gỗ 03 gian đã bị họ lấn chiếm chia nhau.
Sau đó, gia đình tôi đã gửi đơn yêu cầu phường Lạc Viên giải quyết. Đại diện gia đình ông Phùng Văn Lịch cũng đã đến nhận lỗi. Tuy nhiên, sau đó qua nhiều lần gặp mặt giải quyết có sự có mặt của chính quyền phường, thanh tra quận, các gia đình trên công nhận 155m2 đất của gia đình tôi nhưng vẫn “ở nhờ, ở tạm”, không chịu di chuyển để trả đất.
Năm 2001, tôi đã gửi đơn đến TAND để đòi lại nhà đất, nhưng căn cứ Luật Đất đai năm 1993, sửa đổi năm 1998, TAND quận Ngô Quyền trả lời thẩm quyền giải quyết thuộc UBND cấp huyện và chuyển đơn của tới UBND quận Ngô Quyền giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, UBND quận Ngô Quyền chưa thực hiện bất kỳ điều gì đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình tôi.
Tôi muốn Báo PLVN và Luật sư tư vấn giúp: Tôi cần phải làm gì để có thể đòi lại nhà đất hợp pháp của gia đình? Vụ việc của gia đình tôi xếp loại vụ việc nào và cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
- Luật sư Hà Huy Từ, Công ty Luật Hà Huy (Đoàn Luật sư Hà Nội) tư vấn: Vụ việc của gia đình bà Bùi Thị Hồng là tranh chấp về đất đai, trải qua nhiều năm, nên phải áp dụng đúng văn bản quy phạm pháp luật vào từng thời điểm cụ thể.
Đối với hành vi mà bà phản ánh là năm 2001, bà gửi đơn đến tòa án và TAND quận Ngô Quyền chuyển đơn tới UBND quận Ngô Quyền nhưng UBND quận Ngô Quyền chưa thực hiện bất kỳ điều gì của bà thì phải nhìn nhận ở góc độ: Lẽ ra kể từ ngày 01/7/2004 - ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực - đến ngày 30/6/2014, bà nên làm đơn gửi TAND quận Ngô Quyền để giải quyết nếu như đã được hòa giải ở cấp xã mà các bên đương sự không nhất trí, vì vụ việc của bà trong thời gian này thuộc thẩm quyền của TAND chứ không phải thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND.
Nhưng nếu đến ngày 01/7/2014 - là ngày Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực - thì bà Hồng được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây: Một là, làm đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh; Hoặc cách thứ hai là khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện nơi mảnh đất tọa lạc để giải quyết. Lựa chọn cách nào là quyền của bà, tuy nhiên, bà cần làm đơn khiếu nại hoặc đơn khởi kiện và tập hợp nhiều chứng cứ là các hồ sơ, tài liệu có liên quan để chứng minh cho yêu cầu khiếu nại hoặc khởi kiện của mình là có căn cứ, đúng pháp luật.
Hiện nay, về nội dung phải áp dụng Luật Đất đai năm 2013, về hình thức phải áp dụng Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Việc đầu tiên phải xác định rõ nội dung tranh chấp để lựa chọn luật, quy phạm pháp luật cho phù hợp. Theo nội dung mà bà phản ánh thì tranh chấp đất đai giữa bà và ông Lịch là loại tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân với nhau nên đây là tranh chấp dân sự./.